Các quan chức Iran không đề cập tới tên của nước gây ra vụ tấn công nói trên. Tuy nhiên, 2 quan chức quân đội Israel nói với New York Times rằng, nước này đứng sau sự vụ.
Một số quan chức Iran phát biểu với truyền thông địa phương và hãng thông tấn Reuters rằng, đã không có vụ tấn công tên lửa thành công nào và bất kỳ vụ nổ nào xảy ra đều là do kết quả bắn chặn của hệ thống phòng không Iran.
Hãng thông tấn quốc gia IRNA của Iran sáng 19/4 đưa tin, nhà chức trách đã kích hoạt hệ thống phòng không ở một số khu vực nhằm phòng ngừa các mối đe dọa tiềm ẩn trên không.
“Cho đến nay, không có vụ tập kích quy mô lớn hay các vụ nổ nào bắt nguồn từ bất kỳ mối đe dọa trên không nào được báo cáo. Tất cả các cơ sở quân sự và an ninh nhạy cảm ở Isfahan vẫn an toàn”, IRNA nhấn mạnh.
Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X, phát ngôn viên của Trung tâm không gian mạng quốc gia Iran Hossein Dalirian thông tin, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ thành công 3 máy bay không người lái (UAV) nhưng “không có báo cáo về vụ tấn công tên lửa vào thời điểm hiện tại”.
Văn phòng Thủ tướng Israel và quân đội nước này từ chối xác nhận với báo Times of Israel về việc các lực lượng nước này có đứng sau các vụ nổ và tấn công vào đất Iran hay không.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem đã phát đi cảnh báo an ninh khẩn, yêu cầu các nhân viên và thành viên gia đình họ hạn chế đi đến các khu vực Tel Aviv, Beersheba và Jerusalem, nhằm “đề cao cảnh giác sau các thông tin Israel đã tiến hành tấn công trả đũa Iran”.
Theo đài CNN, Bộ Ngoại giao Australia cũng khuyến cáo các công dân nước này rời Israel và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng “nếu an toàn để làm việc đó”.
"Hiện có nguy cơ cao về các cuộc trả đũa quân sự và tấn công khủng bố chống lại Israel và các lợi ích của Israel trên toàn khu vực. Tình hình an ninh có thể xấu đi nhanh chóng … Các cuộc tấn công quân sự có thể dẫn đến việc đóng cửa không phận, hủy chuyến bay, chuyển hướng và gián đoạn đi lại khác”, trích khuyến cáo của nhà chức trách Australia trên mạng xã hội X.