Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hôm 17/11 cho biết: “Chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh hoạt động. Điều này sẽ xảy ra ở địa điểm và thời gian thuận tiện cho IDF, khi có các điều kiện tối ưu”.
CNN dẫn lời ông Hagari thống kê, ít nhất 372 binh sĩ IDF đã thiệt mạng kể từ khi Phong trào Hồi giáo Hamas mở cuộc đột kích đẫm máu vào lãnh thổ Israel ngày 7/10. Con số thương vong này không thay đổi từ ngày 16/11.
Gần đây, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến dịch tấn công trên bộ của quân đội Israel vào phía nam Dải Gaza có thể sắp xảy ra. IDF đã cho máy bay thả tờ rơi xuống các khu vực đông nam Gaza, khuyến cáo dân thường ở đây di chuyển đến một “vùng an toàn” nhỏ hơn, có diện tích chỉ 14km2 ở thị trấn ven biển Mawasi.
Các nhà lãnh đạo Israel hiện khẳng định, phía bắc vùng lãnh thổ này, bao gồm cả thành phố Gaza, hiện nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Do Thái.
5 nước yêu cầu Tòa hình sự quốc tế (ICC) điều tra tình hình ở Palestine
Trưởng công tố ICC Karim Khan tiết lộ, 5 quốc gia gồm Nam Phi, Bangladesh, Bolivia, Comoros và Djibouti hôm 17/11 đã gửi đơn kiến nghị tới tòa án của ông để yêu cầu điều tra “tình hình tại đất nước Palestine”.
Ông Khan xác nhận, văn phòng của ông đã tiến hành một cuộc điều tra về tình hình ở các vùng lãnh thổ Palestine từ tháng 3/2021. Nhóm điều tra cũng xem xét mọi tội ác có thể đã xảy ra ở Gaza và Bờ Tây kể từ tháng 6/2014. Cuộc điều tra đó hiện “mở rộng đến tình trạng leo thang thù địch và bạo lực kể từ các vụ tấn công vào đầu tháng 10 năm nay”.
Theo báo Guardian, ông Khan gần đây đã đến thăm cửa khẩu Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập. Trưởng công tố ICC nói, nhóm của ông đã thu thập được “khối lượng đáng kể” bằng chứng về “các sự cố liên quan” trong cuộc xung đột.
“Theo Quy chế Rome, văn phòng của tôi có thẩm quyền xét xử đối với các tội ác xảy ra trên lãnh thổ của một nước thành viên và đối với công dân của các quốc gia thành viên”, ông Khan nhấn mạnh.