Theo Al Jazeera, khi cuộc xung đột giữa Israel-Hamas diễn ra được gần 1 tháng, các quan chức Palestine nói quân đội Israel đã trút xuống Dải Gaza khoảng 18.000 tấn bom. Các chuyên gia quân sự cho rằng con số này là phù hợp với báo cáo của Israel, khi không quân nước này thông báo đã tập kích 12.000 mục tiêu trong thời gian vừa qua.
Phần lớn số bom được thả xuống Dải Gaza thuộc dòng Mk80 do Mỹ sản xuất. Sau nhiều năm phát triển, một số phiên bản của loại bom này đã trở thành "bom thông minh", có thể tấn công chính xác các mục tiêu phức tạp. Những qua bom thuộc dòng này được chế tạo với nhiều kích cỡ khác nhau, có trọng lượng từ 120kg-1.000kg.
Các chuyên gia quân sự nhận định, không quân Mỹ tốn trung bình 16.000 USD để mua một quả bom nặng 1.000kg. Với một khách hàng nước ngoài như Israel, con số này có thể lên tới 25.000 USD. Nếu sử dụng bom thông minh, chi phí sẽ tăng nhiều lần do các thiết bị điện tử có giá thành rất cao.
Trung bình, không quân Israel trút xuống Gaza 600 tấn bom mỗi ngày, tiêu tốn khoảng 15 triệu USD nếu dùng bom thông thường. Nếu sử dụng bom thông minh, chi phí sẽ tăng lên ít nhất 25 triệu USD mỗi ngày. Với số mục tiêu không kích đã công bố, Israel phải trả 750 triệu USD chỉ để mua các loại bom.
Nguồn tin của Al Jazeera tiết lộ, loại máy bay được Israel sử dụng chủ yếu trong các cuộc không kích là F-16. Để thả 18.000 tấn bom cần khoảng 6.000 chuyến bay, tức mỗi tiêm kích F-16 của Israel sẽ phải thực hiện trung bình 1,5 lần xuất kích mỗi ngày (Israel có khoảng 170 chiếc F-16). Chi phí cho mỗi giờ bay của F-16 là 8.000 USD, tức không quân Israel tốn 2,5 triệu USD một ngày, tổng cộng là 75 triệu USD trong gần 1 tháng.
Ngoài ra, để duy trì chiến dịch không kích dài ngày, không quân Israel còn tiêu tốn một số tiền không nhỏ cho các hoạt động trinh sát, tác chiến điện tử, cảnh báo sớm trên không, chỉ huy và kiểm soát không lưu. Như vậy, Israel đã chi ra khoảng 2 tỷ USD cho việc không kích các mục tiêu tại Dải Gaza, và con số này được dự báo sẽ còn tăng cao.
>> Cập nhật tin quân sự trên báo VietNamNet