Sáng 23/9 giờ địa phương (tối 23/9 giờ Việt Nam), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia.

Đại học Columbia, được thành lập năm 1754 với tên gọi King’s College, là tổ chức giáo dục đại học lâu đời nhất ở bang New York và lâu đời thứ 5 ở Mỹ, đồng thời là một trong những trung tâm nghiên cứu quan trọng nhất thế giới.

Với bề dày lịch sử 270 năm, Đại học Columbia đã đào tạo nên những người đã góp phần làm thay đổi tương lai, trong đó, có tới 4 Tổng thống Mỹ, 2 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, 103 người đoạt giải Nobel và nhiều nhà khoa học lỗi lạc. Nhiều cựu sinh viên Đại học Colombia hiện nay đang giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cấp cao ở Việt Nam...

vna_potal_tong_bi_thu_chu_tich_nuoc_to_lam_phat_bieu_chinh_sach_tai_dai_hoc_columbia_7612281.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, sau gần 80 năm độc lập và gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới là tiền đề để dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai phía trước.

Những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được bắt nguồn từ con đường đúng đắn mà Việt Nam đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với nỗ lực và quyết tâm của toàn dân tộc.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước chỉ rõ con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại, truyền thống của người Việt Nam là "giàu vì bạn". Việt Nam không thể thực hiện các mục tiêu nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế, "thành công của chúng tôi là thành công của các bạn"...

"Con đường để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình là đổi mới sáng tạo, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại", Tổng Bí thư nêu rõ.

Việt Nam kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, "không thể có phát triển nếu không có hòa bình". Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng “4 không”, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, phản đối các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, với thế và lực mới của đất nước, Việt Nam quyết tâm thực hiện hiệu quả ngoại giao thời đại mới, sẵn sàng đóng góp trách nhiệm một cách chủ động, tích cực hơn vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại...

Về quan hệ Việt – Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, "ít ai có thể hình dung được những bước tiến kỳ diệu trong quan hệ hai nước trải qua gần 30 năm qua", từ cựu thù trở thành đối tác rồi Đối tác toàn diện và nay là Đối tác Chiến lược toàn diện. 

Hợp tác trên tất cả lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao đến kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân, trong xử lý vấn đề khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc… đều đạt những bước tiến quan trọng và thực chất.

Đặc biệt, giao lưu nhân dân và hợp tác giáo dục đào tạo ngày càng sôi động. Hiện, có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, trong đó có sinh viên tại Đại học Columbia.

vna_potal_tong_bi_thu_chu_tich_nuoc_to_lam_phat_bieu_chinh_sach_tai_dai_hoc_columbia_7612288.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Nếu các quốc gia đang có xung đột, tranh chấp thúc đẩy tìm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế thì mọi vấn đề dù phức tạp đến mấy cũng sẽ có hướng giải quyết. Đối thoại cần trở thành cách hành xử phổ biến, là công cụ hữu ích và quan trọng hàng đầu...Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, để quan hệ hai nước bước sang trang mới và phát triển tốt đẹp như hiện nay, yếu tố quan trọng nhất là truyền thống nhân ái, vị tha của dân tộc Việt Nam, là sự lãnh đạo tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam với tầm nhìn trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh để đưa đất nước Việt Nam hội nhập vào dòng chảy quốc tế.

Bên cạnh đó phải kể đến nhiều bạn bè, đối tác Mỹ như Tổng thống Bill Clinton và các Tổng thống kế nhiệm, các Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Patrick Leahy… cùng nhiều người khác, đặc biệt là sự ủng hộ lưỡng đảng mạnh mẽ ở Mỹ đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Đây là một trong những nền tảng quan trọng để đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, thực chất hơn.

Chọn đối thoại thay cho đối đầu

Để xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng cần phải khẳng định và đề cao vai trò của tinh thần hàn gắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, trong đó, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thể chế chính trị của nhau là quan trọng nhất.

Với truyền thống nhân văn, hòa hiếu, khoan dung của dân tộc, Việt Nam rất chủ động trong các bước đi hàn gắn vết thương chiến tranh. 

Từ bài học đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng để mối quan hệ phát triển, các bên cần đẩy mạnh nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người, hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của nhau.

"Nhìn rộng ra, nếu các quốc gia hiểu, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, cùng nhau xây dựng lòng tin thì thế giới sẽ hòa bình, bớt xung đột. Trong thời đại khoa học công nghệ, có thể tranh thủ những phương thức mới như nền tảng và công cụ số để thúc đẩy sự kết nối rộng rãi, hiểu biết sâu sắc hơn giữa các dân tộc trên phạm vi toàn thế giới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cần coi trọng và thúc đẩy văn hóa đối thoại với dẫn chứng trong chính mối quan hệ Việt Nam – Mỹ. Dù hai bên đã đạt được những bước tiến lớn trong quan hệ song vẫn còn một số khác biệt quan điểm nhất định về vấn đề quyền con người trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo… Nhưng điều quan trọng là hai bên đã chọn đối thoại thay cho đối đầu trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và xây dựng. 

Vượt lên trên khuôn khổ song phương, hợp tác Việt Nam - Mỹ đã dần mang tầm khu vực và toàn cầu...

Đề cập tới vấn đề đoàn kết, hướng về tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, nhân loại cần có tầm nhìn xa và sự đoàn kết hơn bao giờ hết. Không một quốc gia đơn lẻ nào, dù mạnh đến đâu, có thể một mình xử lý những vấn đề chung của thời đại và đó là cách tiếp cận và định hướng mà Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp Quốc đã nêu rõ.

vna_potal_tong_bi_thu_chu_tich_nuoc_to_lam_phat_bieu_chinh_sach_tai_dai_hoc_columbia_7612282.jpg
Trao đổi với các giáo sư, giảng viên và sinh viên của trường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi về an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội và mối quan hệ của Việt Nam với các nước và cả vấn đề mang tính toàn cầu. Ảnh: TTXVN

Nhấn mạnh phương châm của Việt Nam là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng với cách tiếp cận đề cao đoàn kết quốc tế, hướng về tương lai, cũng như câu chuyện thành công của quan hệ Việt Nam - Mỹ, thế giới sẽ biến những điều không thể thành có thể, tiếp tục dựng xây một nền văn minh vững bền, tiến bộ cho toàn nhân loại. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để hiện thực hóa khát vọng đó của dân tộc.

Trong hành trình hướng tới tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục kề vai sát cánh với bạn bè, đối tác quốc tế, cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, phối hợp hành động, vì những mục tiêu tốt đẹp nhất cho toàn nhân loại.