Ngày 18/12/2009 được xem như cột mốc đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh thế giới. Siêu phẩm Avatar mở ra cuộc cách mạng về công nghệ phim 3D tại phòng vé. Ý tưởng thực hiện bộ phim này được James Cameron ấp ủ từ 15 năm trước nhưng các phương tiện kỹ thuật lúc bấy giờ chưa cho phép ông hiện thực hóa giấc mơ.
13 năm trôi đi, nhà làm phim Canada không đạo diễn thêm bất kỳ dự án nào mà dành công sức nghiên cứu công nghệ và chuẩn bị kịch bản cho các phần kế tiếp. Avatar: The Way of Water (Avatar: Dòng chảy của nước) phát hành tháng 12 tới là bom tấn lớn nhất màn ảnh của năm 2022, được khán giả toàn cầu mong đợi. Ba tập phim tiếp theo cũng đã được lên kế hoạch sản xuất, dự kiến ra mắt lần lượt vào các năm 2024, 2026 và 2028 với chi phí khoảng 1 tỷ USD cho cả 4 phần.
Đội ngũ của James Cameron bắt tay vào Avatar: Dòng chảy của nước từ năm 2010, ngay sau khi phần 1 vươn lên trở thành phim ăn khách nhất mọi thời đại. Trong 3 năm, James Cameron gặp trắc trở trong khâu kịch bản. Nhiều ý tưởng được đưa ra và bị gạt bỏ không lâu sau đó. James Cameron cảm thấy chúng đều không đủ mới lạ, giàu ý nghĩa để tiếp nối thành công của phần cũ.
Biên kịch Josh Friedman trở thành người cứu cánh của James Cameron trong giai đoạn khó khăn này. Hai người hợp tác viết tiếp câu chuyện của vùng đất Pandora trong suốt bốn năm từ 2013 đến 2017. Cùng nhau, họ liên tục mở rộng vũ trụ Avatar, sáng tạo ra nhiều vùng đất, nhân vật mới. Đây cũng là lúc James Cameron quyết định mở rộng bộ phim từ trilogy (3 tập) thành pentalogy (5 tập). Năm 2018, đạo diễn người Canada lần đầu hé lộ câu chuyện về bộ tộc Metkayina – những người chuyên sinh sống dưới nước – sẽ là trọng tâm phần hai.
Bộ phim nối tiếp câu chuyện của phần 1 năm 2009, kể về Jake Sully (Sam Worthington) và Neytiri (Zoe Saldaña) người Na'vi thuộc tộc Omaticaya. Họ nhận nuôi một con trai loài người và bắt đầu xây dựng gia đình với các con tại Pandora. Tuy nhiên, kẻ thù quay trở lại khiến những người Na'vi một lần nữa phải chiến đấu để bảo vệ quê hương.
Ý tưởng này mở ra một thách thức hoàn toàn mới với đoàn làm phim. Ở phần 1, James Cameron chinh phục khán giả qua những thước phim Jake Sully (Sam Worthington đóng) cùng Neytiri (Zoe Saldaña) bay lượn trên không trung, trên lưng những cá thể Ikran huyền bí. Phần 2, đạo diễn yêu cầu êkíp xây dựng một thế giới hoàn toàn mới dưới mặt biển xanh. Họ thiết kế một bể nước chứa 900.000 gallon làm trường quay cho các cảnh dưới nước. Các diễn viên phải học lặn để mặc các bộ đồ chuyên dụng, nhằm áp dụng công nghệ motion-capture, phục vụ khâu hậu kỳ, kỹ xảo.
James Cameron muốn quay thật dưới nước thay vì dùng CGI, ông có thể ghi lại chính xác từng hành động và biểu cảm của diễn viên. "Có thể cách này sẽ giúp bộ phim đẹp hơn. Bạn muốn xem cảnh người dưới nước. Vì vậy, chúng tôi cần ghi hình đúng như thế. Đó không phải sự đột phá. Nếu muốn quay phim Viễn tây, bạn cần học cách cưỡi ngựa. Sam vốn là người mê lướt sóng.
Trong khi đó, Sigourney và Zoe cùng nhiều người khác không quá quen với môi trường biển. Vì vậy, tôi nói rõ ràng các yêu cầu và mời nhiều chuyên gia dạy họ cách nhịn thở", đạo diễn chia sẻ trên New York Times. Kate Winslet từng tiết lộ nhịn thở được 7 phút trong quá trình quay phim. Zoe Saldaña hay Sigourney Weaver cũng đạt thành tích hơn 6 phút dưới mặt nước.
Song song với việc hoàn thiện kịch bản, quãng thời gian 13 năm cũng là lúc James Cameron nghiên cứu các công nghệ mới cho dự án. Êkíp sử dụng những công nghệ và máy quay tiên tiến như máy ảnh Sony Venice với độ phân giải 6K hay máy ảnh RX0 chống nước. Đạo diễn mất khoảng 3 năm thử nghiệm các phân đoạn và kỹ xảo motion-capture dưới nước. Các công đoạn hậu kỳ được thực hiện song song và liên tục cập nhật từ 2017 đến nay. Đa phần diễn viên chỉ tập trung tại New Zealand từ mùa xuân năm 2019 đến đầu năm 2020 cho khâu ghi hình trực tiếp. Đạo diễn cùng các biên tập dành năm 2021 cho khâu dựng phim và hậu kỳ.
Avatar: Dòng chảy của nước sẽ ra mắt khán giả toàn cầu từ 16/12/2022.
Quỳnh An