Ông Hồ Quốc Dũng cho biết, sau khi xác định nguyên nhân thì xem xét lỗi thuộc đơn vị nào để có hướng khắc phục, xử lý.
"UBND TP Quy Nhơn là chủ đầu tư dự án nên phải chịu trách nhiệm chính trong việc này. Nếu đây là sự cố thiên tai thì thành phố phải báo cáo rõ, đề xuất hướng xử lý. Còn nếu nguyên nhân do lỗi tư vấn, thiết kế, thi công… thì đơn vị nào làm sai đơn vị đó phải chịu trách nhiệm sửa chữa.
Không có chuyện lấy tiền ngân sách nhà nước để khắc phục" - ông Dũng khẳng định.
Kè sông giá trị đầu tư gần 12 tỷ đồng vỡ vụn nhiều đoạn |
Thiệt hại chỉ 2 tỷ?
Chiều qua, UBND TP Quy Nhơn - chủ đầu tư dự án công trình đã có báo cáo đề xuất UBND tỉnh Bình Định xem xét phân cấp cho UBND TP chủ trì giải quyết sự cống trình nêu trên, tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Nghị định số 46 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Chủ đầu tư phân trần, công trình đã xây dựng hoàn thành theo hồ sơ thiết kế được duyệt, đang chuẩn bị tổng nghiệm thu kỹ thuật và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tổ chức nghiệm thu bàn giao thì gặp sự cố bão số 5 nên hư hỏng nhiều đoạn.
Cụ thể, hư hỏng sập toàn bộ mái kè gồm: Phần bê tông cốt thép gờ lan can; khung giằng ngang, giằng dọc kè, tấm bê tông lát mái taluy và phần đất đắp thân kè; chiều dài thiệt hại là 400m. Hư hỏng phần tấm bê tông lát mái taluy và phần đất đắp thân kè với chiều dài thiệt hại là 80m (đoạn này còn lại phần khung giằng mái taluy kè, bê tông cốt thép gờ chân lan can và lan can đỉnh kè).
Khối lượng thiệt hại ước tính chỉ khoảng 2 tỷ đồng.
Về hiện trạng các đoạn kè bê tông bị gãy đổ, lộ bên trong không có cốt thép, ông Nguyễn Thái Diễn, Giám đốc BQL dự án, đầu tư xây dựng TP Quy Nhơn nhìn nhận người dân phản ánh là đúng.
"Tuy nhiên, những đoạn này theo bản vẽ thiết kế không cốt thép nên nhà thầu thi công thực hiện theo bản vẽ, không có chuyện đoạn bê tông có cốt thép mà đơn vị thi công lại “rút ruột” không thực hiện.
Còn đơn vị thiết kế công trình là công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông Bình Định, đây là đơn vị có uy tín đã thiết kế nhiều công trình ở tỉnh Bình Định", ông Diễn lý giải.
Một cán bộ Sở Xây dựng Bình Định chia sẻ, căn cứ qua hồ sơ thiết kế đã được duyệt, phần bê tông không có cốt thép là bệ đỡ của lan can, không tham gia vào quá trình chịu lực của kè. Toàn bộ hệ thống giằng kè đều có cốt thép. Thế nhưng, quá trình thi công, nhà thầu chỉ mới thi công xong phần đắp đất thân kè nên rất dễ bị nước làm xói lở, ảnh hưởng đến kết cấu mái kè.
Kè sông gần 12 tỷ đồng 'rỗng ruột', đổ tuột xuống sông
Hệ thống kè sông khu dân cư Bắc đường Đống Đa (TP Quy Nhơn) có chiều dài hơn 600m với tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng mới xong, chưa bàn giao đã sập.
Phúc Nhơn