Từ khi sinh ra, bé gái N.T.H (sinh năm 2004, Hà Nội) mắc hội chứng sọ mặt phức tạp, gây teo lép toàn bộ 1/2 mặt bên trái. Xương hàm dưới không phát triển khiến toàn bộ khuôn mặt vẹo hết sang trái. Tai và xương gò má, da và cơ phát triển kém hơn bình thường.
Đến khi răng mọc đầy đủ, hàm trên và hàng dưới của em H. không liên quan với nhau. Xương hàm bên phải phát triển mạnh ở tuổi dậy thì càng làm cho khuôn mặt em biến dạng.
Bệnh nhi được gia đình đưa đi khám nhiều nơi nhưng chưa có giải pháp toàn diện và triệt để sửa dị tật phức tạp. Mới đây, H. được đưa đến Bệnh viện Việt Đức.
Hội đồng đa chuyên khoa chẩn đoán H. mắc hội chứng tai hàm gây thiểu sản toàn bộ xương hàm dưới, lép nửa mặt trái, không có xương gò má và tai nhỏ bẩm sinh bên trái.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức - cho biết bệnh nhi được tạo hình lại dị tật tai nhỏ một thì, bằng sụn tự thân, che phủ bởi vạt cân thái dương có nội soi hỗ trợ.
Thách thức lớn với các phẫu thuật viên là phần thiểu sản nặng của xương hàm bên trái và teo lép nửa mặt. Khuôn mặt của bệnh nhân yêu cầu được ghép xương với một thể tích lớn mới tạo được sự cân đối.
Nếu cắt đôi xương hàm và ghép vào đó một mảnh xương chậu rất to, mảnh ghép không thể sống nổi, các tổ chức phần mềm, mạch máu thần kinh trên mặt không thể giãn ra nhanh để tạo khoang cho phần xương ghép này được.
Các chuyên gia quyết định dùng phương pháp kéo giãn xương hàm liên tục - "vũ khí" hiện đại trong phẫu thuật sọ mặt.
Theo đó, các bác sĩ cắt đôi xương hàm ở vị trí mong muốn, đặt vào hai đầu xương hệ thống vít và trục xoắn titan. Phần đầu của hệ thống trục xoắn sẽ được đưa ngoài da qua một đường hầm.
Hằng ngày các bác sĩ sẽ phải xoay trục xoắn 1-2 vòng để kéo giãn xương hàm từ 0,5 - 1 mm. Sau khoảng 2 tháng kéo giãn, xương hàm bên trái đã trở nên cân đối so với bên phải.
Việc kéo giãn từ từ khung xương khiến hệ thống phần mềm và cơ niêm mạc thần kinh và mạch máu của khuôn mặt cũng giãn ra dần. Bệnh nhân cần hơn nửa năm để tổ chức xương liền chắc như bình thường.
Sau đợt can thiệp, vẻ ngoài của H đã cân đối hơn, góc hàm hai bên cân xứng, cằm cũng đã được đầy về chính giữa mặt.
Dù vậy, răng hàm của em vẫn xa cách. Các bác sĩ chỉnh nha và răng hàm mặt phải đặt các hệ thống nắn chỉnh để đưa các răng về thẳng hàng.
Khi hàm trên, hàm dưới thẳng hàng, các bác sĩ phẫu thuật hàm mặt tiến hành ca mổ thứ hai để cắt và xoay xương hàm trên xuống dưới, sao cho răng hàm trên và răng hàm dưới chạm nhau.
Song song, để khuôn mặt H. thêm đầy đặn và mềm mại, bác sĩ hút mỡ ở vùng bụng dưới của bệnh nhân để bơm vào mặt bên trái.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết hổng hay thiểu sản teo lép nửa mặt. PGS Hà cho hay với các khuyết hỏng nhỏ, các bác sĩ có thể tiến hành ghép xương hay ghép mỡ tự thân giàu tế bào gốc.
Với các khuyết thiếu xương lớn trầm trọng, các kỹ thuật thông thường nếu không thể giải quyết được, thì phương pháp kéo giãn xương hàm mặt sẽ là giải pháp cứu cánh cuối cùng.
Phương pháp này giúp tạo ra được khối lượng xương lớn mà vẫn đảm bảo đầy đủ phần mềm ra niêm mạc mạch máu, thần kinh đi kèm với chất lượng và cấu trúc gần như tương xứng với bên đối diện.
PGS Hà cho biết trong hai tuần từ 22/10 đến 5/11, đoàn chuyên gia Mỹ đến từ Đại học UCLA của California, Mỹ chuyên về cắt chỉnh, kéo giãn xương hàm và chỉnh hình khuôn mặt sẽ khám, tư vấn miễn phí và phẫu thuật cho các bệnh nhân có dị tật phức tạp vùng sọ mặt.