Bỏ học, đục cửa, khoét tường… theo đuôi ngựa

Cách đây ít năm, khi đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM), người ta vẫn thấy bóng dáng những ngựa đua lực lưỡng lấp ló sau các dãy mộ san sát nhau.

{keywords}
Ngày còn sống, “vua ngựa” Năm Gò Công ngậm ngùi “lùa” bầy “chiến mã” vào góc nghĩa trang chờ trường đua Phú Thọ mở cửa trở lại. Ảnh: Nguyễn Sơn

Thời điểm ấy, mỗi buổi sáng, người dân sống bên rìa nghĩa trang vẫn nghe thấy tiếng ngựa hí vang trời. Chúng là đàn “chiến mã” tạo nên tên tuổi của ông “vua ngựa đua” Năm Gò Công.

Bây giờ, những thanh âm ấy trở thành ký ức và niềm khắc khoải của anh Nguyễn Phước Danh (con trai ông Năm Gò Công). Anh Danh cho biết, cha anh tên thật là Nguyễn Văn Tường, người gốc Gò Công, tỉnh Tiền Giang, vừa mới mất cách đây không lâu.

Ông Tường có hơn 70 năm kinh nghiệm nuôi, huấn luyện và cung cấp ngựa cho trường đua Phú Thọ. Ông nuôi, huấn luyện loài động vật này từ khi còn là một cậu bé “ăn chưa no lo chưa tới”.

Ông mê ngựa đến nỗi từng bỏ học, đục cửa, khoét tường trốn ra khỏi nhà chỉ để được đi theo đuôi con ngựa của người đánh xe ngựa thồ. Lớn hơn một chút, ông cãi cha mẹ, từ chối học nghề bác sĩ để ở nhà nuôi ngựa.

Trải qua nhiều thăng trầm, năm 1989, khi trường đua Phú Thọ (TP.HCM) hoạt động trở lại, ông quyết định mở lò luyện ngựa đua và sớm trở thành ông vua không ngai trong nghề.

{keywords}
 Nương náu trong nghĩa trang, bầy ngựa hay sống tạm bợ trong những chiếc chuồng rách nát. Ảnh: Nguyễn Sơn

Cho đến nay, nhắc đến vua ngựa Năm Gò Công, những ai từng đam mê môn thể thao đua ngựa đều ngả mũ kính phục. Giới trong nghề nhận định, ngựa của Năm Gò Công không chỉ đẹp mã mà còn có sức bền, sức rướn, dẻo dai khác lạ. Ông có thể nhận biết một con ngựa hay ngay từ khi chúng mới lọt lòng.

Đặc biệt, ông có bài thuốc bí truyền giúp ngựa đua vượt qua những chấn thương, bệnh tật để có sức bền khó ngờ.

Thời hoàng kim của mình, ông sở hữu hơn 30 “chiến mã” luôn giật giải cao mỗi khi tung vó trên đường đua như: Hồng Yến 1, Hồng Yến 2, Triệu Hồng Ngọc, Triệu Yến Linh… Tuy nhiên, khi trường đua đóng cửa, những “chiến mã” từng là ánh hào quang của ông bỗng chốc trở thành gánh nặng.

Ngựa không được đua, ông không có tiền để nuôi. Nghề hay hết thời, ông ngậm ngùi thuê mấy công đất ở góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa làm nơi chăm ngựa.  

Nghề nuôi ngựa đua lụi tàn

Dẫn phóng viên đi xem con ngựa cuối cùng còn sót lại nơi từng là “đại bản doanh” của những “chiến mã”, anh Danh nói: “Cha tôi quý ngựa và mê nghề lắm. Khi trường đua đóng cửa, ông buồn vô cùng. Thời điểm đó, nhiều lò luyện ngựa bán ngựa, treo cương bỏ nghề. Riêng cha tôi thà bán nhà, bán đất chứ không chịu bán ngựa”.

{keywords}
Anh Danh, con trai “vua ngựa đua” day đứt khi phải bán đàn ngựa, bỏ nghề luyện ngựa đua. Ảnh: Nguyễn Sơn.

“Thiếu kinh phí chăm sóc bầy ngựa, ông thuê đất, đóng chuồng tạm bợ tại góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Hằng ngày, ông ở đây cùng bầy ngựa và nuôi hy vọng một ngày nào đó trường đua sẽ mở cửa trở lại”, anh Danh cho biết.

Thế nhưng, đến tận những ngày cuối đời, điều ông Năm Gò Công mong mỏi vẫn không thành hiện thực, trường đua chưa được mở lại. Không thể đợi thêm, ông ôm theo niềm tiếc nuối nghề hay lụi tàn về cõi vĩnh hằng.

Anh Danh nói, nuôi một con ngựa thường đã khó, chăm sóc, huấn luyện một con ngựa đua còn khó và tốn kém bội phần. Cơm áo gạo tiền, ngựa đua không còn đất dụng võ, các con ông bán dần đàn ngựa để trang trải cuộc sống.

Những chuồng trại nuôi ngựa khi xưa giờ trở thành chỗ nuôi dê, nhốt gà. Anh Danh tâm sự, cuộc sống khó khăn, dù rất xót xa nhưng anh và các anh em của mình đành buông bỏ nghề nuôi ngựa đua.

Anh vẫn sống bám rìa nghĩa trang nhưng không còn chăm ngựa nữa. Anh chuyển sang nuôi gà, nuôi dê để phù hợp với thời thế.

Cố với tay để vuốt ve đầu con ngựa đã lộ vẻ già yếu, anh Danh cười buồn, nói: “Đây là con ngựa cuối cùng ở đây. Nó tên Triệu Yến Linh, từng là con ngựa nổi tiếng, đua thắng nhiều giải. Nó già yếu rồi”.

“Vì đua quá sức nên gây giờ chân nó phù lên. Vài hôm nữa, nó cũng không còn ở đây. Người ta gửi tiền mua nó rồi, tôi chỉ đang chăm giúp lúc họ chưa đến bắt thôi. Từ nay, ở đây không còn ngựa đua nữa”, anh Danh lộ rõ sự tiếc nuối.

Như để tìm lại thêm chút ký ức về thời hoàng kim của cái nghề nuôi ngựa đua của gia đình, anh chỉ tay về phía dãy nhà tạm bợ, xập xệ bên rìa nghĩa trang. Anh nói: “Trước đây, nhà tôi nuôi ngựa dọc theo dãy nhà này cho đến hết phần đất nghĩa trang. Giờ thì hết rồi”.

{keywords}
Hết thời, những chuồng ngựa giờ trở thành nơi thả gà, nhốt dê. Ảnh: Nguyễn Sơn

Nói xong, anh thở dài và phân trần, ai cũng tiếc và buồn khi phải bán đi bầy ngựa, bỏ luôn cái nghề đã đem lại danh tiếng cho gia đình.

Thế nhưng, là ngựa đua mà không được đua thì khác gì làm tướng không được đánh trận. Nuôi chỉ khiến ngựa cuồng chân, thêm gánh nặng kinh tế nên con cái ông Năm Gò Công cắn răng bán lần hồi những con ngựa tốt.

“Vào thế phải bán nhưng chúng tôi không bán ngựa thịt mà bán cho các khu du lịch, đoàn làm phim… Như thế, chúng tôi cảm thấy đỡ xót xa phần nào. Dù vậy, giá ngựa vẫn rẻ lắm. Hết thời, ngựa đua, ngựa kéo, ngựa thịt cũng như nhau mà thôi”, anh Danh chua chát nói.

Ông Phạm Văn Thành, cán bộ phòng Kinh tế - Môi trường phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Đã rất lâu phường không còn hộ nào nuôi ngựa. Số ngựa được nuôi trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng không còn. Trước đó và bây giờ, phường cũng không nghe người dân phản ánh việc người dân nuôi ngựa trong nghĩa trang gây ảnh hưởng đến vệ sinh, cảnh quan môi trường”.

Cụ ông 95 tuổi hoàn thành mục tiêu đạp xe 100.000 dặm

Cụ ông 95 tuổi hoàn thành mục tiêu đạp xe 100.000 dặm

Cụ Bob Mettauerđược cả nước Mỹ biết đến với biệt danh: Bicycle Bob (tạm dịch là cụ già Bob chuyên đạp xe đạp). Ở tuổi 95, cụ đã hoàn thành mục tiêu đạp xe 100.000 dặm của mình.

Nguyễn Sơn