Hoạt động này góp phần giúp các đơn vị mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
|
Chủ thể hợp tác xã phối hợp với các Tiktoker livestream bán hàng tại Phiên chợ tiêu thụ sản phẩm miến dong Việt Cường và nông sản Thái Nguyên. |
Nhiều năm trở lại đây, các sản phẩm của Công ty CP chè Hà Thái ở xã Hà Thượng (Đại Từ) đã được quảng bá, xúc tiến qua nhiều kênh bán hàng trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty, cho biết: Được sự hướng dẫn của ngành Công Thương và các cấp chính quyền địa phương, chúng tôi đã đưa các sản phẩm chủ lực của Công ty như chè Tôm nõn, chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Long Vân… lên sàn TMĐT của tỉnh.
Nhờ đó không chỉ các bạn hàng trong nước mà cả nước ngoài biết đến sản phẩm của chúng tôi. Mỗi năm, Công ty tiêu thụ khoảng 600 tấn chè tại hơn 40 đại lý cấp I, các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang một số nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Srilanka…
Cùng với sản phẩm của Công ty CP chè Hà Thái, toàn tỉnh hiện có 240 cơ sở, doanh nghiệp, HTX với hơn 2.700 sản phẩm tham gia sàn TMĐT của tỉnh tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn. Tại đây, các DN, HTX đã xây dựng gian hàng ảo để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ theo hệ thống ngành (thực phẩm, đồ uống, da giày, thời trang, du lịch - lữ hành...). Sàn TMTĐT cũng hỗ trợ phương thức thanh toán trực tuyến; thiết lập đường dẫn liên kết với sàn của các tỉnh bạn...
Chị Nguyễn Thị Ngà, người dân ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Mua hàng qua sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, tôi thấy yên tâm vì các mặt hàng đều được ngành chức năng kiểm duyệt, bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Việc mua sắm cũng rất tiện lợi, chỉ ngồi tại nhà vẫn có thể lựa chọn, đặt mua qua thiết bị điện thoại thông minh mà không cần phải đến tận cửa hàng, siêu thị.
Bên cạnh việc kết nối các sản phẩm lên sàn TMĐT của tỉnh, ngành Công Thương đã hỗ trợ đưa 72 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh và 128 sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu OCOP lên 2 sàn TMĐT Postmart.vn, Voso.vn. Đây đều là những kênh phân phối có uy tín, lượt tiếp cận cao, giúp thúc đẩy hiệu quả hoạt động thương mại của các đơn vị.
Đồng thời, ngành Công Thương cũng hỗ trợ, tư vấn cho các DN của tỉnh tham gia các sàn như: Lazada.vn; Tiki.vn; Sendo.vn và tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng livestream sản phẩm trên nền tảng số (Facebook, TikTok...).
Có được kết quả trên, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh và các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho các DN, HTX của tỉnh về tính năng tham gia TMĐT; tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Cụ thể như cách đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, hoạt động tác nghiệp trên sàn TMĐT; cách quảng bá, viết lời giới thiệu sản phẩm, đăng hình ảnh và mô tả sản phẩm lên sàn TMĐT; kỹ năng quay, giới thiệu các sản phẩm trên livestream...
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ), cho biết: Thông qua các lớp tập huấn về chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến thương mại, chúng tôi đã tự xây dựng kênh bán hàng riêng của mình trên nền tảng Tiktok, Youtube, Shoppe… Thành viên HTX thường xuyên lên ý tưởng quay, chụp, livestream giới thiệu sản phẩm miến.
Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận thì hiện số lượng DN, cơ sở kinh doanh đưa nông sản, dịch vụ lên tiêu thụ trên sàn TMĐT vẫn còn khiêm tốn; người bán hàng còn gặp nhiều khó khăn khi giao dịch, quản lý sản phẩm trên sàn TMĐT... Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô của đại đa số hộ cá thể, HTX tham gia tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT còn nhỏ, thiếu nhân lực, yếu kỹ năng kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT.
Khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trong môi trường số cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số và đặc biệt là những nền tảng phục vụ TMĐT như ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...
Theo Hoàng Cường (Báo Thái Nguyên)