“Hoàng Sa bị cưỡng chiếm, mỗi người dân Việt Nam đều căm giận, đau đớn. Với những người lính từng có thời gian bảo vệ, chiến đấu tại mảnh đất này thì cảm xúc với Hoàng Sa càng mãnh liệt hơn” – cựu binh Trần Văn Sơn.

Ngay trên đường Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, hướng nhìn ra biển Đông, Nhà trưng bày Hoàng Sa lưu giữ hàng trăm tư liệu, bản đồ, hiện vật khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa đã được khánh thành cuối tháng 3 vừa qua. Những tư liệu được sắp xếp theo từng giai đoạn của lịch sử, rất sinh động, phong phú để mỗi người khi đặt chân đến đều có thể hình dung tường tận về Hoàng Sa.

Ngày khánh thành, có hai cựu binh Hoàng Sa đã đến rất sớm, sau một đêm thao thức chờ đợi. Lần giở những tư liệu quý giá nhuốm màu thời gian, hai người lính già nhớ lại quãng thời gian tuổi trẻ nơi đầu sóng ngọn gió trên biển đảo quê hương. 

{keywords}
Cựu binh Hoàng Sa Nguyễn Văn Dữ (đeo kính) cùng đồng đội Trần Văn Sơn trong buổi khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Cao Thái

Sáng 30 tháng Chạp năm 1972, Nguyễn Văn Dữ, Trần Văn Sơn cùng 30 đồng đội khác nhận lệnh xuống tàu ra quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ. 32 người lính lập thành Trung đội trấn thủ Hoàng Sa trực thuộc Đặc khu Quảng Đà.

Ông Dữ không bao giờ quên ngày đó. Ông cùng các đồng đội đón giao thừa ngay trên biển Đông khi Hoàng Sa đã ở trong tầm mắt.

10 giờ sáng mùng 1 Tết, trung đội ông đặt chân lên Hoàng Sa. Bước chân lính trẻ chạm vào mảnh đất máu thịt của Tổ quốc đúng vào những thời khắc thiêng liêng của đất trời.

“Ngày đó tôi mới 20 tuổi. Chúng tôi còn quá trẻ nên lúc nhận nhiệm vụ ra đảo ai cũng bộn bề âu lo. Nhưng chỉ dăm ba ngày, Hoàng Sa đã trở nên thật sự thân thuộc. Đồng đội phần lớn cùng trang lứa, xem nhau như anh em”, ông Dữ kể. 

{keywords}
Cựu binh Nguyễn Văn Dữ rưng rưng khi nhắc lại nhưng kỷ niệm tuổi thanh xuân ở Hoàng Sa. Ảnh: Cao Thái

Gần nửa thế kỷ qua, nỗi nhớ Hoàng Sa trong tâm trí ông chẳng những không nhạt nhòa mà cứ lớn dần thêm. Ông nhớ những ngày cùng đồng đội đi câu cá. Cá Hoàng Sa nhiều vô kể. Rồi những đêm rằm, bầu trời trong vắt, trăng sáng vằng vặc...

“Những đêm trăng rằm Hoàng Sa là đặc biệt và khó quên nhất. Mặt trăng như to và sáng hơn, không một gợn mây. Phía dưới, mặt biển bao la cũng lấp lánh ánh trăng. Chúng tôi nhớ gia đình, nhớ người yêu đến da diết. Người yêu vẫn đợi tôi cho đến lúc về…

Tôi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa chỉ hơn 3 tháng, nhưng đó là quãng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Giờ đây cứ mỗi lần nghe bài hát Nơi đảo xa tôi lại nổi da gà. Nhớ quần đảo và đồng đội đến chảy nước mắt”, ông Dữ tâm sự. 

{keywords}
 Một trong những tư liệu tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Cao Thái

Tiếp nối câu chuyện của ông Dữ, cựu binh Trần Văn Sơn, người từng giữ chức đảo phó Hoàng Sa năm 1973, kể lại ký ức quặn thắt khi hay tin biển đảo quê hương bị ngoại bang cưỡng đoạt.

“Tháng 5/1973, chúng tôi rời Hoàng Sa về đất liền sau khi hết nhiệm vụ. Đến tháng 1/1974 chúng tôi hay tin kẻ thù cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Tôi được lệnh xuống tàu đi tái chiếm. Nhưng đến nửa đường anh em có lệnh rút do tương quan lực lượng không tương xứng”.

Người lính già không quên thời khắc lên tàu trở về đất liền, khi Hoàng Sa dần khuất trong tầm mắt.

“Hoàng Sa bị cưỡng chiếm, mỗi người dân Việt Nam đều căm giận, đau đớn. Với những người lính từng có thời gian bảo vệ, chiến đấu tại mảnh đất này thì cảm xúc với Hoàng Sa càng mãnh liệt hơn”, ông Sơn nhớ lại. 

{keywords}
Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Cao Thái

Trò chuyện cùng các cựu binh, mới càng thấm thía ý nghĩa của Nhà trưng bày Hoàng Sa. Đâu chỉ là nơi lưu giữ bao ký ức, mà như vị lãnh đạo Đà Nẵng trong lời phát biểu ngày khánh thành, thì từ nay, người Đà Nẵng cùng du khách thập phương có thể đến đây để tận mắt chứng kiến những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt đối với quần đảo này.

Và còn hơn thế nữa, “Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ làm cho tâm thức ấy càng sâu sắc hơn, khắc khoải hơn, củng cố thêm niềm tin sẽ có ngày huyện đảo thân yêu của chúng ta thoát được sự chiếm đóng của ngoại bang để trở về đoàn tụ trên thực tế với các quận huyện khác trong đất liền của thành phố Đà Nẵng…”

Cao Thái  


Ngày 28/3, UBND TP Đà Nẵng khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa đúng dịp kỷ niệm giải phóng thành phố. Công trình được xây dựng trên đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà với hướng nhìn thẳng ra biển.

Nhà trưng bày có tổng diện tích 1.296m2 với 3 tầng trưng bày các tư liệu, bản đồ, hiện vật chứng thực chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo 5 chủ đề: (1) Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo HS; (2) Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; (3) Hoàng Sa trong thư tịch cổ ở thời nhà Nguyễn (1802 – 1945); (4) Bằng chứng chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa từ năm 1945 – 1974; (5) Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.

 

Vì sao Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974?

Vì sao Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974?

Dù đã chiếm giữ toàn bộ Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn không nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế về chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa.

Từ bài học xương máu Gạc Ma nhìn về phía trước

Từ bài học xương máu Gạc Ma nhìn về phía trước

Những sự thật và bối cảnh lịch sử từ vụ thảm sát Gạc Ma cần được trả lại tính chất của chúng. Nhưng mục đích không phải để tạo một tâm thế định kiến trong ứng xử cho các thế hệ tiếp theo.

Gạc Ma 1988: Trường Sa, bài học lịch sử bằng máu

Gạc Ma 1988: Trường Sa, bài học lịch sử bằng máu

Sự kiện thảm sát Gạc Ma đã diễn ra 30 năm trước, nhưng bài học kinh nghiệm luôn cần được đặt ra mổ xẻ để bánh xe lịch sử không lặp lại.