Bà Võ Thị Xuân (SN 1958, ở xã Tam Thanh) chia sẻ, gia đình bà gồm 5 người thì 4 người đã đi sơ tán, còn mỗi mình cậu con trai qua tránh trú ở nhà hàng xóm để giữ chiếc thuyền của nhà.
“Tôi đang lo cái nhà cấp 4 của mình, cùng với đó là những tấm bằng liệt sĩ của chú, anh ruột, em ruột, mẹ ruột chồng. Khi đi gấp quá quên mang xuống cất, giờ thấy lo lắng cho mấy tấm bằng quá. Hy vọng nhà không bay để những tấm bằng vẫn còn nguyên vẹn”, bà Xuân lo lắng.
Cạnh đó, bà Kiều Thị Khái (67 tuổi, tôn Hoà Thượng, xã Tam Thanh) đôi mắt mệt mỏi vì di chuyển nhiều nhưng lại đang bị ốm.
Bà Khái thở dài: “Tôi bị tai biến 7 năm qua, không đi được đâu, sáng nay được mọi người bồng lên chuyển đến đây. Ăn uống khó khăn, cũng khá mệt nhưng lo tính mạng trước đã”.
Ngôi nhà 4 thế hệ ở xã Tam Thanh tay xách nách mang đi trú bão, chị Ngô Thị Lài (42 tuổi) kể, 4 gia đình có 10 người, gồm 4 thế hệ bà nội, cô chú, vợ chồng và con cháu đều lên đây từ 9h sáng để tránh trú.
“Năm 2020, bão lớn bay tôn của gia đình, năm nay nghe bão mạnh, nguy hiểm nên cả gia đình sợ, tìm cách tránh trú. Chồng của tôi đi biển cũng về đất liền mấy ngày trước”, chị Lài cho hay.
Với anh Ngô Văn Quy (SN 1991) đang dở khóc dở cười vì bị kẹt ở Tam Kỳ khi đang đi du lịch. Anh từ huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đến Tam Kỳ từ 2 ngày trước.
“Đến giờ về thì không có xe, và máy bay, thế là tôi thuê taxi, may mắn anh taxi tốt bụng đưa tôi đến đây để tránh trú. May mắn cho tôi khi được 'lạc' vào điểm tập trung sơ tán này. Dự kiến hết bão tôi sẽ trở về lại TP.HCM làm việc”, anh Quy cười mà nói.
Chủ đề: