Sonny Side (đến từ Mỹ) hiện sở hữu một kênh YouTube có hơn 10,7 triệu lượt theo dõi. Anh đam mê khám phá văn hóa và ẩm thực trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại TP.HCM, Sonny đã thưởng thức nhiều đặc sản địa phương và không ngại nếm thử các món ăn từ bình dân cho đến sang trọng trên mảnh đất hình chữ S.
Gần đây nhất, Sonny cùng một người bạn trải nghiệm hai món ăn vỉa hè ở TPHCM, gồm một món có giá bình dân chỉ 5.000 đồng và một món đắt đỏ, giá 350.000 đồng để đưa ra những nhận xét chân thực về hương vị.
Địa điểm đầu tiên mà hai vị khách ghé thăm là một quán ăn chuyên phục vụ các món chay trên đường Ngô Gia Tự (P.9, Q.10, TPHCM). Sonny tiết lộ, quán mở cửa hơn 4 năm, có thể bán hết 450 tô mỗi giờ với giá siêu rẻ, chỉ 5.000 đồng/bát (với khách ăn tại chỗ).
Ngoài cơm chay, quán còn phục vụ cả bún và phở chay, trong đó hút khách nhất là món bún thịt nướng.
Sonny cho biết từng thưởng thức nhiều món bún ở Việt Nam, trong đó có bún thịt nướng. Tuy nhiên, bún thịt nướng của quán này độc đáo hơn ở chỗ, các nguyên liệu đều được làm thuần chay, từ thịt nướng, chả giò, chả nem,… cho đến sườn chay, đậu hũ chiên sả,…
Tại quán, Sonny và người bạn đồng hành gọi hai suất bún thịt nướng. Dù quán đông nhưng thực khách không phải chờ đợi lâu, chỉ tốn ít phút đã được phục vụ suất ăn đầy đặn tại chỗ.
Tỏ ra sành sỏi như người bản địa, hai vị khách từ từ rưới nước mắm chua ngọt lên, trộn đều các nguyên liệu trong tô bún rồi thưởng thức. Sonny nhận xét, món ăn có hương vị hòa quyện, ngon đến mức khó có thể biết đây chỉ là các nguyên liệu chay.
“Thịt nướng mềm, dai đậm vị, chả nem giòn rụm như được chế biến từ thịt heo, nước sốt cũng vừa miệng và thơm nữa. Thực sự món bún này rất ngon”, vị khách người Mỹ nói.
Đồng quan điểm, người bạn đi cùng Sonny cũng đánh giá “đây là một trong những món bún ngon nhất mà bản thân từng ăn ở Việt Nam”.
Ngoài hương vị, cả hai còn bất ngờ với giá thành của món bún thịt nướng chay, chỉ 5.000 đồng/suất. Dù có mức giá siêu rẻ nhưng họ cảm thấy hương vị món ăn rất ngon, vượt ngoài tưởng tượng.
Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Vương Kim Long – chủ quán chay mà Sonny ghé thăm cho biết rất vui khi món ăn của quán được nhiều người biết tới và yêu thích, trong đó có cả du khách nước ngoài.
Chị Long cho hay, quán mở cửa từ tháng 2/2020, hiện có 2 cơ sở hoạt động tại TPHCM sau khi cơ sở thứ 3 đóng cửa cách đây không lâu. Quán được đặt tên là “Tùy Tâm” vì khách đến quán dùng bữa có thể trả tiền theo ý thích.
“Quán mở cửa với mục đích phục vụ bữa trưa cho tất cả những ai cần mà không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, tuổi tác. Ở mỗi cơ sở, quán ghi giá suất ăn tại chỗ là 2.000 đồng và 5.000 đồng, tuy nhiên con số này chỉ mang tính tượng trưng vì khách ăn xong có thể trả tiền tùy ý.
Quán có chuẩn bị sẵn thùng, khách bỏ ít hay nhiều cũng được, hoặc không trả tiền cũng không sao”, chủ quán nói.
Với khách mua mang về, giá bán là 25.000 đồng/suất. Số tiền này giúp quán có thêm kinh phí chi trả tiền mặt bằng, điện nước và tiền nhân công.
Theo chị Long, thực đơn của quán đa dạng và phục vụ các món khác nhau theo ngày để khách có nhiều lựa chọn, như: cơm thập cẩm, bún măng vịt chay, cháo lòng, bánh canh bột lộc, bánh mì bò kho, bún bò huế, bún thịt nướng, phở chay, cơm tấm chay.
Quán mở cửa từ 11h trưa đến 6:30 tối, từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Trung bình mỗi ngày, quán phục vụ hơn 600 suất ăn chay.
Địa điểm tiếp theo mà Sonny và bạn đồng hành tới trải nghiệm là một quán bánh canh vỉa hè nằm trên đường Phạm Văn Chí, quận 6, TPHCM. Quán từng gây tranh cãi trên mạng xã hội và được đặt biệt danh là bánh canh cua “chặt chém”, “bánh canh cua vỉa hè giá 5 sao” vì phục vụ tô bánh canh có giá đắt nhất tới 350.000 đồng.
Sonny cho biết đã từng ăn bánh canh cua có giá chỉ 25.000 – 30.000 đồng/tô tại TPHCM nhưng đây là lần đầu thưởng thức bánh canh cua đắt gấp 10 lần như vậy.
Vị khách người Mỹ nhận xét, dù món bánh canh của quán được đánh giá đắt đỏ nhưng vẫn rất đông thực khách tới ăn.
Tại quán, Sonny và bạn gọi hai tô bánh canh cua đắt nhất và miêu tả suất ăn “như một bữa tiệc buffet hải sản”, ngập các loại topping ăn kèm như huyết, thịt heo, chả cá viên, bánh nổi, tôm tươi, thịt cua xé, càng cua nhỏ, càng cua lớn,…
Họ thích thú khi nếm thử miếng huyết mềm mọng, tan trong miệng và đánh giá hương vị rất ngon.
“Sợi bánh canh tươi mềm, thấm đẫm các loại gia vị và nước dùng đặc sánh. Đây là một trong những món mì yêu thích nhất của tôi”, bạn đồng hành của Sonny mô tả.
Chung nhận xét, Sonny cũng dành nhiều lời khen cho món bánh canh đặc sánh, dậy mùi thơm từ thịt cua và được phục vụ rất đầy đặn.
“Thịt càng cua được bóc đẹp quá, thịt cũng rất thơm, cắn ngập răng. Nước lèo thì đặc sánh. Càng gắp tôi càng thấy có nhiều thịt cua ở dưới. Tôi đã hiểu vì sao họ bán món này giá cao rồi”, vị khách người Mỹ nói.
Bà Nguyễn Thị Loan (62 tuổi) – chủ quán bánh canh trên cho hay, quán hoạt động 36 năm, mở bán khoảng 3-4 tiếng là hết.
Theo bà Loan, công thức nấu bánh canh do bà tự học. Toàn bộ nguyên liệu cho món ăn đều được bà tuyển chọn phần ngon nhất, kỹ càng để làm ra những tô bánh canh chất lượng, tương xứng với số tiền mà khách bỏ ra.
“Tôi không quan tâm người ta nói gì mà tôi chỉ quan tâm mình đang làm gì. Tôi muốn khách hàng sau khi ăn xong, rời khỏi chỗ này vẫn nhớ bánh canh cua, nhớ tới tôi”, bà Loan bày tỏ.
Để làm nên món bánh canh cua ngon, bà Loan phải chế biến kỳ công từng nguyên liệu, công đoạn. Nước dùng được ninh từ xương gà, giò heo, cá, tôm, thịt và gạch cua. Tôm luôn lựa con to, chắc thịt, luộc bằng bí quyết riêng nên không bị tanh. Cua được sử dụng toàn bộ, từ thịt, càng đến gạch cua.
Hiện tại, quán phục vụ nhiều mức giá để thực khách lựa chọn, dao động từ 50.000 đồng đến 350.000 đồng, tùy theo phần đồ ăn. Tô rẻ nhất có thịt heo, bánh nổi, huyết đầy đặn, nước dùng sóng sánh gạch cua.
Phan Đậu