Chuyến bay đầu tiên đưa khách Trung Quốc quay trở lại Đà Nẵng
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, sau gần 3 năm tạm ngưng vì Covid-19, doanh nghiệp Đà Nẵng đang rất mong chờ khách du lịch Trung Quốc quay trở lại.
“Nhanh nhất là Tết âm lịch này sẽ có đoàn khách Trung Quốc quay trở lại Đà Nẵng. Theo kế hoạch, ngày 19/1 này sẽ có chuyến bay charter từ Hồng Kông đến Đà Nẵng”, ông Dũng thông tin.
Theo ông Dũng, đây là một tín hiệu lạc quan đối với ngành du lịch Đà Nẵng. Hiện nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng đón khách được ngay.
Hiệp hội du lịch Đà Nẵng kỳ vọng lượng khách Trung Quốc quay trở lại Đà Nẵng trong năm 2023 sẽ rất tốt. Song lượng khách như thế nào còn phải xem chính sách của 2 nước, đã khuyến khích khách du lịch chưa, kiểm soát dịch bệnh như thế nào.
“Doanh nghiệp thì rất mong muốn có khách nhưng vẫn phải’ tuân thủ phòng chống dịch, đặt mục tiêu an toàn trên hết, quan điểm vẫn phải thận trọng”, ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng năm 2023, du lịch Đà Nẵng đặt nhiều trông đợi vào sự trở lại của nguồn khách Trung Quốc.
“Tuy nhiên, chúng tôi muốn rằng sẽ đón khách từ thị trường này một cách cẩn trọng để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng về lượng khách du lịch quốc tế vào Đà Nẵng”, ông Quỳnh cho hay.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi cho du khách theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị. Đối với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, tiếp tục thực hiện ký cam kết về việc thực hiện các quy định phòng chống dịch trước khi mở cửa đón khách trở lại.
Đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến với Đà Nẵng
Chia sẻ với PV, lãnh đạo Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động du lịch, từ công tác xúc tiến quảng bá đến xây dựng sản phẩm và đảm bảo an ninh an toàn, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực…để sẵn sàng đón và phục vụ du khách quay trở lại.
Đối với thị trường khách Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Đà Nẵng, việc thị trường này mở cửa trở lại ngày 08/01/2023 là một trong những dấu hiệu tích cực để Đà Nẵng có thể đa dạng hoá thêm các nguồn khách ngoài những thị trường khách đã mở cửa và thành phố đã xúc tiến trong năm qua như Hàn Quốc, Ấn Độ, Asean….
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, cũng như những thị trường khách khác, việc đón tiếp và phục vụ khách đã sẵn sàng ngay từ khi Chính phủ cho phép mở cửa. Đến thời điểm hiện nay Đà Nẵng đã có 950 cơ sở lưu trú du lịch (chiếm gần 74% tổng số cơ sở lưu trú), 300 công ty lữ hành, 16 khu điểm du lịch đã hoạt động trở lại.
Với những biện pháp và các nội dung triển khai để khôi phục thị trường khách quốc tế trong năm qua, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố bổ sung, làm mới nhiều sản phẩm du lịch, yêu cầu các doanh nghiệp nâng cao chất lượng phục vụ, phối hợp, đào tạo, bồi nguồn nhân lực du lịch tiếng Trung để sẵn sàng phục vụ thị trường khách này.
“Song hành với đó, ngành Du lịch thành phố sẽ thực hiện các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của Trung ương, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ cùng với ngành y tế để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến với Đà Nẵng”, Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay.
Trung Quốc từng là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Đà Nẵng trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Năm 2019, Đà Nẵng đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, khách Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm 70% (tương đương gần 2,5 triệu lượt khách). Sự trở lại của khách Trung Quốc được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy khôi phục du lịch của Đà Nẵng trong thời gian tới.
Ngày 8/1 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 8/1 đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động giao thương, du lịch và mùa lễ hội.
Trong đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường theo dõi, bám sát tình hình hình dịch bệnh và tổ chức triển khai hiệu quả biện pháp phòng chống dịch; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch đảm bảo chủ động, sẵn sàng, kịp thời ứng phó với các diễn biến xảy ra của dịch bệnh;
Tăng cường chỉ đạo và kiểm tra dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh về từ các khu vực bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát phát hiện biến thể của vi rút SARS-CoV-2…