Lợi thế phát triển kinh tế biển
Sóc Trăng có hơn 72km bờ biển, thông ra biển với 3 cửa sông chính Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh; khu vực ven biển của tỉnh gồm huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề và TX. Vĩnh Châu. Tổng diện tích tự nhiên của khu vực là 118.700ha với hơn 43.717ha diện tích đất bãi bồi, hơn 7.000ha diện tích rừng phòng hộ ven sông, ven biển và hơn 600ha diện tích cồn cát mới nổi cách bờ khoảng 7km.
Cảng biển Trần Đề |
Các cửa sông, rừng ngập mặn ven sông, ven biển Sóc Trăng được đánh giá có tính đa dạng sinh học, đây là nơi tập trung nhiều giống loài thủy, hải sản nước lợ, nước mặn có giá trị kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.
Tận dụng lợi thế này, Sóc Trăng đã đẩy mạnh nuôi thuỷ sản, hải sản ven biển theo hướng công nghiệp, đa dạng đối tượng nuôi, áp dụng công nghệ cao gắn với chế biến và xuất khẩu. Tính đến cuối năm 2020, diện tích nuôi thủy sản, hải sản vùng ven biển đạt khoảng 55.000ha, trong đó nuôi tôm nước lợ 50.000ha, bãi nghêu giống 300ha và nghêu thương phẩm gần 5.000ha.
Với diện tích bãi bồi rộng và dài chạy dọc theo chiều dài bờ biển, nơi đây còn có tiềm năng phát triển năng lượng sạch tái tạo (năng lượng điện gió) và đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển.
Được biết, tính đến cuối năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch hơn 20 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 1.435 MW. Trong đó, đã khởi công xây dựng 4 dự án. Đồng thời, Sóc Trăng cũng đang trình bổ sung quy hoạch thêm 9 dự án điện gió, với tổng công suất 458 MW.
Tỉnh Sóc Trăng cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ gắn với lợi thế của vùng biển và du lịch biển, phát triển tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, kêu gọi đầu tư nhiều khu du lịch sinh thái như Khu du lịch sinh thái Hồ Bể - Vĩnh Châu, Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó - Trần Đề…
Định hướng phát triển kinh tế biển bền vững
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có kết hợp khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường khu vực ven biển, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Thời gian qua, Sóc Trăng đã thực hiện nhiều dự án như quan trắc chất lượng nước biển ven bờ; dự án bảo vệ, phục hồi năng suất sinh học và khả năng cung cấp nguồn dinh dưỡng, nơi sinh sản của hệ sinh thái biển tỉnh Sóc Trăng; Điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đánh giá các nguồn thải từ đất liền và từ trên biển; Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng… nhằm phục vụ cho công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.
Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững, Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong 5 năm tới Sóc Trăng sẽ tập trung xác định ranh giới quản lý trên biển với các tỉnh lân cận, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về biển, đảo hiệu lực, hiệu quả; đồng thời rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển.
Khai thác lợi thế, Sóc Trăng hướng đến phát triển kinh tế biển bền vững |
Sóc Trăng sẽ chuyển đổi các mô hình nuôi nhỏ lẻ sang nuôi công nghiệp quy mô lớn; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ sang đánh bắt xa bờ; rà soát, điều chỉnh và phát triển các khu, cụm công nghiệp ven biển. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch biển nhằm hình thành các tuyến du lịch Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo; Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Côn Đảo...
Về kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới về tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, nâng cao năng lực cán bộ quản lý biển, hải đảo, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo tại địa phương.
Tỉnh sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo hướng đa dạng về đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh và bảo vệ môi trường nuôi bền vững; ưu tiên, đẩy mạnh khai thác thủy sản, hải sản ở những vùng biển xa bờ theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản.
Tỉnh cũng tiếp tục phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng và du lịch khu vực cửa sông, ven biển; phát huy hiệu quả sử dụng đất bãi bồi khu vực ven biển, khu vực biển; điều tra, khảo sát, đánh giá các tiềm năng khoáng sản biển; tập trung đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa phương trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch tại các huyện, thị như Cù Lao Dung, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu; khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Trần Đề- Côn Đảo; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển...
Với lợi thế về biển, Sóc Trăng đã đưa ra nhiều biện pháp để thúc đẩy khai thác nguồn tiềm năng này. Các mục tiêu, định hướng cụ thể được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngọc Minh