Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định 69 thay thế Quy định số 07 năm 2018 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102 năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị khoá XII.
Chạy chức, chạy quyền có thể bị mất chức, khai trừ đảng
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Quy định 69 là có hẳn Điều 30 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền.
Theo đó, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Đó là hành vi tiếp cận, thiết lập quan hệ, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm mục đích có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn; tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân; đặt điều kiện, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.
Hành vi mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi không chính đáng với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm để được sắp xếp vào chức vụ, vị trí công tác; can thiệp, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo mục đích cá nhân; trì hoãn, không thực hiện hoặc chọn thời điểm có lợi với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ cũng bị kỷ luật khiển trách.
Trường hợp đã kỷ luật các hành vi vi phạm trên mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức.
Ngoài ra, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).
Đó là không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực này; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực trong đánh giá cán bộ, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, bầu cử; quyết định không đúng cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi trái quy định; can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định. Để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bố trí, bổ nhiệm cán bộ.
Đảng viên thiếu trách nhiệm trong việc xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ hoặc không kiến nghị, xem xét xử lý theo quy định đối với hành vi tiêu cực này; bao che, không xử lý, không giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ; tặng, nhận quà biếu cho người có trách nhiệm hoặc người có liên quan quyết định đến việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cũng bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức.
Quy định cũng nêu rõ, đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm các quy định trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Nhiều điểm mới về vi phạm quy định công tác tổ chức, cán bộ
Ngoài ra, nội dung về vi phạm quy định công tác tổ chức, cán bộ cũng bổ sung nhiều điểm mới so với Quy định 102 năm 2017.
Cụ thể, cùng quy định về xử lý kỷ luật khiển trách đảng viên vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ nhưng điểm d khoản 1, Điều 11 của Quy định 102 năm 2017 nêu rõ: “Cố ý không chấp hành quyết định bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, phân công công tác, nghỉ chế độ, chuyển sinh hoạt đảng theo quy định”. Còn điểm d, khoản 1 của Điều 29 của Quy định 69 cũng quy định tương tự nhưng bỏ đi từ “cố ý”.
Còn tại điểm g, khoản 1, Điều 29 của Quy định 69 bổ sung thêm hành vi: “Xác nhận tuổi Đảng cho đảng viên không đúng quy định” vào vi phạm quy định công tác tổ chức, cán bộ so với quy định cũ.
Ngoài ra, Quy định 69 còn bổ sung thêm điểm hoàn toàn mới tại điểm h, khoản 1, Điều 29: “Báo cáo, lập hồ sơ, khai sơ lược lý lịch, lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực. Khai lý lịch đảng viên không đúng đặc điểm chính trị của bản thân và quan hệ gia đình”.
Còn với các vi phạm bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức, tại điểm e, khoản 2, Điều 29 của Quy định 69 quy định rõ: “Có hành vi không trung thực để được phong hàm, đề bạt, nâng lương, được xét công nhận đạt chuẩn chức danh, khen thưởng, công nhận danh hiệu hoặc được hưởng chế độ, chính sách trái quy định”.
Với quy định cũ có nội dung: “Khai man thương tật, khai khống thành tích, quá trình công tác để được phong hàm, đề bạt, nâng lương, khen thưởng, công nhận danh hiệu hoặc được hưởng chế độ, chính sách trái quy định”.
Ở điểm g của quy định mới, ngoài việc bỏ từ “cố ý” so với quy định cũ thành “Tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định hoặc cho ý kiến về công tác tổ chức, cán bộ không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền”; còn bổ sung thêm nhiều hành vi mới: “Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển”.
Quy định 69 cũng bổ sung điểm mới trong kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức đối với hành vi: “Không trung thực, không gương mẫu, biết mình không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn tìm cách để được phong, thăng, công nhận danh hiệu, cấp bậc hàm, xét công nhận đạt chuẩn chức danh, hưởng chế độ, chính sách trái quy định”.
Ở khoản 2, Điều 29 của Quy định 69 bổ sung thêm điểm l so với quy định cũ: “Lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác nhân sự”.
Với hình thức kỷ luật khai trừ đảng, quy định tại khoản 3, Điều 29 của Quy định 69 cũng có nhiều điểm mới.
Cụ thể quy định mới nêu rõ: “Có hành vi chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu, kỷ luật, bằng cấp, vị trí công tác, luân chuyển... để trục lợi cho bản thân hoặc người khác”. Còn quy định cũ: “Có hành vi chạy chức, bằng cấp, vị trí công tác, luân chuyển; mua chuộc để bản thân hoặc người khác được quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, chuyển đổi vị trí công tác”.
Tương tự, quy định nêu rõ hành vi: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để tạo điều kiện, tác động, can thiệp trái quy định việc tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bố trí cán bộ”. Còn quy định cũ không quy định hành vi “tạo điều kiện, tác động”.
Một điểm mới nữa là quy định 69 bổ sung thêm hành vi “dùng thẻ đảng viên, thẻ ngành, thẻ công chức để thế chấp, cầm cố vay, mượn tiền, tài sản” thay vì như quy định cũ chỉ nêu: “dùng thẻ đảng viên để vay tiền hoặc tài sản”.
Quy định 69 gồm 4 chương, 58 điều, có hiệu lực từ ngày 6/7/2022.
Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng văn hoá không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên
Đảng viên ở ngoài nước phải luôn tỉnh táo, 'tự miễn dịch, đề kháng'
Cán bộ Đảng viên ở nước ngoài cần nhận thức đúng, kiên định lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng tự miễn dịch, tự đề kháng cao, luôn tỉnh táo, không bị tác động lôi kéo bởi bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào.
Đảng viên không được thâu tóm quyền lực, không đòi thực hiện xã hội dân sự
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm gồm 19 điều.