Người dân địa phương gọi những chiếc máy này là jidou hanbaiki. Trưởng đoàn du lịch InsideJapan, Steve Parker, cho rằng những chiếc máy bán hàng tự động kỳ lạ và tuyệt vời của Nhật Bản chính là một trong những điểm thu hút khách du lịch.
Chúng được thiết kế để bán đồ uống, đồ chơi (cho cả người và vật nuôi), đồ ăn, rượu, thuốc lá... hay bất cứ thứ gì mà người Nhật nghĩ ra.
VÌ SAO MÁY BÁN HÀNG TỰ ĐỘNG LẠI PHỔ BIẾN Ở NHẬT?
Đối với các doanh nghiệp lựa chọn trang bị máy bán hàng tự động, câu trả lời rất đơn giản: chi phí. Tỷ lệ sinh thấp liên tục trong nhiều năm ở Nhật đồng nghĩa với việc lao động ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Bên cạnh đó, giá bất động sản ở quốc gia này cũng cao ngất trời. Máy bán hàng tự động chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ và không cần nhân viên phục vụ. Đặc biệt, Nhật Bản cũng là quốc gia có tỷ lệ tội phạm cực kỳ thấp nên hầu như các loại máy móc công cộng hiếm khi bị phá hoại.
Đối với người tiêu dùng, sự tiện lợi là chìa khóa then chốt. Bạn có thể mua bất cứ thứ gì 24/7, mà chỉ phải đi bộ vài mét từ nhà hay cơ quan, trường học. Đó là lý do khiến người Nhật "đam mê" những chiếc máy bán hàng tự động.
NHỮNG SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ MÁY BÁN HÀNG TỰ ĐỘNG Ở NHẬT
Nhật Bản là nước có số máy bán hàng tự động trên đầu người cao nhất thế giới, cứ 23 người thì lại có một máy bán hàng tự động.
Với hơn 5 triệu chiếc, số máy bán hàng tự động ở Nhật Bản thậm chí còn nhiều hơn dân số Bỉ.
Tổng doanh thu hàng năm thu về từ những chiếc máy này là hơn 60 tỷ USD.Nếu xếp tất cả các máy bán hàng tự động ở Nhật Bản theo hàng ngang, chúng sẽ trải dài từ Tokyo đến Hawaii.
Mỗi đội công nhân chịu trách nhiệm bảo trì liên tục cho khoảng 40 máy để đảm bảo chúng luôn hoạt động trơn tru và không bao giờ bị hết hàng.
Nhiều chiếc máy được lập trình để cung cấp nước giải khát miễn phí trong các trường hợp khẩn cấp như sóng thần hay động đất. Những chiếc máy cũng có thể tự phát điện hoặc chạy bằng pin dự phòng để đảm bảo hoạt động ngay cả khi mất điện.
NHỮNG LOẠI ĐỒ UỐNG BÁN CHẠY TRÊN MÁY Ở NHẬT
Hơn một nửa số máy bán hàng tự động ở Nhật Bản là để bán đồ uống, cả nóng và lạnh. Nếu có hình bông tuyết màu xanh hiển thị bên cạnh giá là loại đồ uống lạnh (tsumetai), hình ngọn lửa đỏ là đồ uống nóng (atakai). Ngoài nước ngọt, du khách có thể tìm thấy cà phê, trà xanh/đen, sô cô la nóng, nước chanh và các loại soda khác nhau. Thức uống thảo mộc như trà hoa nhài cũng rất phổ biến.
Dù vẫn có những món đồ uống phổ biến ở phương Tây như Coca Cola, Sprite, Fanta, nhưng những món yêu thích của người dân địa phương, thường ít ngọt, lại được ưa chuộng hơn nhiều. Pocari Sweat, thức uống bù khoáng, có lẽ là ví dụ điển hình nhất.
Mức tiêu thụ nước ngọt này phản ánh phần nào lý do tỷ lệ béo phì của người dân Nhật Bản luôn ở mức thấp so với thế giới.
MÁY BÁN HÀNG TỰ ĐỘNG Ở NHẬT LUÔN HOẠT ĐỘNG
Máy bán hàng tự động ở Nhật Bản luôn hoạt động. Du khách có thể sử dụng tiền lẻ, thẻ giao thông IC, chẳng hạn như Suica hoặc Pasmo, để sử dụng các máy bán hàng này.
Như hầu khắp các sản phẩm công nghệ ở Nhật Bản, chất lượng, độ tin cậy và bảo trì của máy bán hàng luôn được đảm bảo. Phải không may mắn lắm, du khách mới gặp trục trặc với máy bán hàng tự động ở đây.
THEO DÕI GIAO DỊCH TRÊN MÀN HÌNH
Ngày nay, máy bán hàng tự động ở những thành phố lớn như Tokyo hầu như được trang bị màn hình cảm ứng giúp khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn và thực hiện cũng như theo dõi giao dịch mua bán.
Các màn hình này cũng đồng thời là nơi hiển thị quảng cáo của các nhãn hàng hay cung cấp thông tin về các chỉ số dinh dưỡng, lượng calo của sản phẩm.
Đỗ An (Theo Wanderlust)