Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Trung Bộ đã có mưa lớn từ 200-400mm, hiện đang mở rộng ra Thanh Hóa và một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Chiều 27/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công điện hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi phía Bắc về việc ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Trong công điện nêu rõ, từ ngày 25-27/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Trung Bộ đã có mưa to đến rất to từ 200-400mm, hiện đang mở rộng ra Thanh Hoá và một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 27-28/9, khu vực Thanh Hoá đến Nghệ An có mưa rất to từ 60-120mm, có nơi trên 200mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ có mưa từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.
Hà Tĩnh và khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa từ 20-50mm, có nơi trên 90mm; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã phát đi thông tin cảnh báo trong chiều và tối 27/9, tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, nguy cơ cao sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá.
Các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá tập trung tại 65 huyện, thị xã, thành phố gồm:
Tỉnh Sơn La: Thành phố Sơn La và các huyện Mộc Châu, Phù Yên, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Bắc Yên.
Tỉnh Hòa Bình: Thành phố Hòa Bình và các huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn.
Tỉnh Yên Bái: Thành phố Yên Bái và các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Yên Bình.
Tỉnh Phú Thọ: Thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì và các huyện Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập.
Tỉnh Thanh Hóa: Các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy thuộc.
Tỉnh Nghệ An: Các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn.
Tỉnh Hà Tĩnh: Các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Kỳ Anh.