Charlie Lee (31 tuổi) và chồng của anh muốn có con. Thế nhưng, họ đang phải đối mặt với một trở ngại lớn: họ có 12 phôi thai khỏe mạnh nhưng không tìm ai tiếp nhận chúng, theo New York Times.
Lee và chồng đã dành hơn một năm để tìm người mang thai hộ. Tháng 1/2021, công ty dịch vụ tìm người mang thai hộ nói rằng họ sẽ tìm được một người phụ nữ thích hợp trong vòng 6 tháng. Nhưng 15 tháng sau, Lee và chồng vẫn đang chờ đợi.
Trước đại dịch, những bà mẹ mang thai hộ thường được trả khoảng 35.000 USD. Mức phí không có quy định cụ thể, thường được định giá bởi người mang thai hộ và công ty đại diện cho họ. Ngoài ra, các cặp mất 3-6 tháng để tìm người có tử cung phù hợp.
Hậu Covid-19, số lượng người sẵn sàng mang thai hộ giảm tới 60%, để lại nguồn cung rất hạn hẹp. Ảnh: September Dawn Bottoms/New York Times. |
Hiện Lee và chồng, cặp đã tạo phôi thai thành công bằng cách sử dụng trứng của người hiến tặng, tăng mức chi trả lên 50.000 USD, cộng với phí y tế và các khoản khác như quần áo thai sản và tiền di chuyển.
“Chúng tôi rất sốt ruột nhưng chỉ biết chờ đợi. Chúng tôi chẳng thể làm gì khác vào lúc này”, Lee, sống ở Madison (bang Wisconsin), đang học bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, cho biết.
Khan hiếm người mang thai hộ
Lee và chồng đang phải đối mặt vấn đề tương tự hàng nghìn bậc phụ huynh khác ở Mỹ, hầu hết là cặp đồng tính hoặc đôi vợ chồng gặp khó khăn trong sinh sản.
Hiện số người mang thai hộ tiềm năng đã giảm khoảng 60%, cùng với thời gian chờ gấp đôi và chi phí cao hơn đáng kể, theo 10 cơ quan trao đổi với New York Times.
Theo Jeff Hu, người sáng lập và giám đốc công ty SurogateFirst ở Los Angeles (bang California), vaccine Covid-19 là vấn đề thúc đẩy sự thiếu hụt người mang thai hộ.
Một số phụ nữ không không muốn tiêm chủng, trong khi các phụ huynh muốn họ làm vậy bởi người mẹ có thể truyền kháng thể cho đứa trẻ trong tử cung. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cho thấy Covid-19 gây rủi ro cho thai kỳ.
James Washington (39 tuổi, bên trái) và chồng là Rob, đến từ Norfolk (Vương quốc Anh) dùng dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ. Ảnh: Amanda Lucier/The Guardian. |
Bất đồng về vaccine chỉ là một vấn đề. Bản thân một số người mang thai hộ đang làm mẹ. Giống mọi người, họ cũng đang gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái và những thứ liên quan.
Do đó, những người mang thai hộ tiềm năng - nhiều trong số đó đang thất nghiệp và tìm đến dịch vụ mang thai hộ để tăng thu nhập cho gia đình - còn miễn cưỡng đưa ra quyết định lúc này, theo bác sĩ Deepika Garg, Phó giáo sư Sản, Phụ khoa và Khoa học sinh sản của trường Y Đại học Yale.
Hơn nữa, hợp đồng mang thai hộ yêu cầu cam kết từ 9-12 tháng và điều này sẽ hạn chế khá lớn nhu cầu đi lại của họ. Đây có thể là điều không mong muốn đối với một số người sau 2 năm dịch bệnh.
Việc mang thai hộ cũng thường rất tốn kém. Nó nằm trong số những lý do khiến một số cặp vợ chồng Mỹ chuyển sang tìm kiếm dịch vụ tương tự ở nước ngoài với chi phí thấp hơn đáng kể.
Tuy nhiên, quá trình này có thể rất phức tạp và mất nhiều tháng, bao gồm chuẩn bị lấy trứng, trải qua phương pháp điều trị sinh sản, chuyển phôi và xác nhận một thai kỳ khỏe mạnh.
Hơn nữa, nhiều quốc gia cấm hoạt động mang thai hộ cho các cặp đồng tính. Do đó, có một người mang thai hộ sống gần nhà là lựa chọn thích hợp hoặc duy nhất đối với một số phụ huynh.
Trao đổi thường xuyên
Eran Amir (44 tuổi), người sáng lập thị trường hỗ trợ sinh sản GoStork, nơi các bậc cha mẹ dự định có thể tìm, so sánh và kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ sinh đẻ, cho biết nhu cầu tìm người mang thai hộ ngày càng cấp thiết hơn.
Eran Amir (bên phải) và chồng của anh, Mike Gowen, bắt đầu quá trình mang thai hộ lần thứ 3 trong năm nay. Ảnh: Yehyun Kim/New York Times. |
Amir và chồng, Mike Gowen từng sử dụng dịch vụ mang thai hộ 2 lần và hiện bắt đầu quá trình thứ 3.
Họ trả tổng cộng khoảng 200.000 USD cho lần mang thai hộ đầu tiên vào năm 2017. Lần thứ hai, diễn ra hồi tháng 9/2020, rẻ hơn 50.000 USD nhờ đổi công ty cung cấp dịch vụ.
Amir, sống ở New Haven (bang Connecticut), cho biết mối quan hệ với những người mang thai hộ luôn rất quan trọng với anh. Người phụ nữ đầu tiên sống ở bang Ohio, còn người thứ hai ở bang Tennessee.
“Chúng tôi gọi điện video cho nhau nhiều nhất có thể. Nhưng do khoảng cách xa xôi và rồi đại dịch xuất hiện, chúng tôi chỉ có thể gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên khi đứa bé được sinh ra”, anh kể lại.
Shea Eschman, nhiếp ảnh gia sống ở Yukon (bang Oklahoma) có con gái 4 tuổi, dự kiến sẽ đẻ sinh đôi vào ngày 4/7 cho một cặp đồng tính nam ở Italy.
Trước đây, Eschman từng dành thời gian trò chuyện với mọi người trên mạng xã hội về khả năng mang thai hộ khi cô gặp khó khăn trong việc thụ thai con gái. Giờ đây, cô muốn giúp đỡ những người không thể tự mình có con.
“Tôi rất vui khi mang đến cho họ một gia đình họ hằng mong muốn”, cô nói.
Shea Eschman, bà mẹ một con, đang mang thai sinh đôi hộ cho một cặp đồng tính nam ở Italy. Ảnh: September Dawn Bottoms/New York Times. |
Eschman (31 tuổi) nhận giúp đỡ hồi tháng 10 năm ngoái. Cô mừng rỡ khi cặp phụ huynh mình hỗ trợ là đồng tính nam, bởi bản thân Eschman cũng thuộc cộng đồng LGBT.
Cô cho biết mình thường xuyên trò chuyện với những người bố tương lai này, song từ chối tiết lộ số tiền cô được trả.
Đội giá
Amir cho biết hiện quá trình mang thai hộ đã trở thành một cuộc chiến trả giá, nhất là trong các công ty dịch vụ lớn. Với sự thiếu hụt nguồn cung hiện tại, họ đang cố gắng thu hút nhiều người mang thai hộ bằng mọi cách có thể.
“Chẳng hạn, thêm tiền chi tiêu mỗi tháng, quần áo bà bầu, massage trước khi sinh và cung cấp bác sĩ trị liệu tâm lý. Công ty càng lớn lại càng hứa hẹn với người mang thai hộ nhiều. Còn chúng tôi, với tư cách là phụ huynh tương lai, phải trả tiền cho điều đó”, anh cho biết.
Một số công ty chào mời rằng phụ huynh sẵn sàng thưởng tiền mặt cho những người mang thai hộ sẵn sàng tiêm vaccine. Một số khác tăng ngân sách quảng cáo và triển khai chương trình vận động mang thai hộ.
Dịch vụ mang thai hộ có thể rất tốn kém với vô số chi phí khác nhau. Ảnh: Shutterstock. |
Tristen LaRue (33 tuổi), chuẩn bị mang thai hộ lần thứ hai cho một cặp đồng tính nam ngoại quốc. Cô sẽ được trả 50.000 USD. Trước đây, cô từng mang thai hộ cho một đôi khác.
Trong quá trình phỏng vấn, Larue, bà mẹ 2 con, cho biết hỏi về tình trạng tiêm chủng. Nhưng cô cho biết mình không sẵn sàng tiêm vaccine, và cặp phụ huynh tương lai chấp nhận quan điểm đó.
“Nó như một lời kêu gọi đối với tôi. Tôi biết những niềm vui, và đôi khi là sự hỗn loạn, khi làm cha mẹ. Chứng kiến con ruột của mình trưởng thành và học hỏi điều mới mỗi ngày là điều rất tuyệt vời và mãn nguyện. Tôi muốn giúp những bậc cha mẹ khác được trải qua cảm giác tương tự”, cô chia sẻ.
Theo Zing
Người mẹ 54 tuổi mang thai giúp con gái không có tử cung
Người phụ nữ Úc 54 tuổi - bà Maree Arnold đã giúp con gái của mình - cô Meagan làm mẹ bằng cách mang thai hộ. Bà Maree chính là người đã sinh ra cháu ngoại của mình - cậu bé Winston.