Nội dung này được Sở Xây dựng Khánh Hòa cùng đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia báo cáo, nằm trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.
Theo kết luận UBND tỉnh, ga Nha Trang hiện tại vẫn duy trì ga hành khách, còn ga hàng hóa được dời đến xã Vĩnh Trung, cách ga cũ khoảng 6 km. Nhà ga cũ là di tích lịch sử, vì thế sau năm 2030 tỉnh sẽ ưu tiên định hướng nơi đây thành không gian kiến trúc để bảo tồn, cảnh quan kết nối Công viên 23 tháng 10; công viên, đường đi bộ, cùng các công trình phục vụ mục đích công cộng (tối thiểu chiếm 60% diện tích khu vực ga Nha Trang được chuyển đổi). Không gian nơi đây hứa hẹn kết hợp các hoạt động thương mại, dịch vụ và bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng trong khu vực ga hiện hữu.
Năm 1936, ga Nha Trang được khánh thành, đưa vào hoạt động với 5 đường ray, trong đó hai đường chính, ba đường xếp dỡ hàng. Xung quanh ga được bao bọc bởi khu dân cư. Các tàu vào ga đều phải chạy với tốc độ tối đa 15 km/h.
Liên quan đến ga Nha Trang, trước đó một tập đoàn đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép nghiên cứu, đầu tư dự án đường sắt tránh TP Nha Trang, xây mới nhà ga theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và hoàn vốn bằng quỹ đất ga Nha Trang hiện tại.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu doanh nghiên cứu tiền khả thi về phương án tài chính, tính khả thi của dự án, xin ý kiến chính quyền địa phương và người dân. Phương án cần được báo cáo để Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, trước khi trình Chính phủ xem xét.
Ngoài ga Nha Trang, Khánh Hòa cũng định hướng tương lai nhiều khu vực khác của thành phố. Trong đó, những khu vực đồi ở thành phố, nơi có nguy cơ sạt lở được giữ nguyên hiện trạng tự nhiên, không xây dựng công trình. Còn những địa điểm không có nguy cơ sạt lở, đảm bảo điều kiện sử dụng đất, tỉnh sẽ quy hoạch đất ở thương mại dịch vụ với các dự án theo hướng thân thiện môi trường; khống chế mật độ xây dựng tối đa không quá 10%.
Ngoài ra, tỉnh này cũng quy hoạch giao thông đường Võ Nguyên Giáp - trục đường chính sân bay Nha Trang cũ, nhằm định hướng để mở đường thẳng rộng 60 m, qua vòng xoay An Lạc. Cùng với đó, tỉnh cũng hướng đến xây cầu vượt qua cửa sông Quán Trường, nhằm kết nối giao thông khu đô thị An Viên vượt cửa sông Quán Trường đi qua khu núi Hòn Rớ, từ đó sẽ kết nối đường Nguyễn Tất Thành, hướng trung tâm thành phố đi sân bay Cam Ranh.
Xuân Ngọc