Chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận - The Eternal Flow trong khuôn khổ EXPO 2020 Dubai chính thức diễn ra chiều 30/12 (giờ địa phương).

Sự kiện có sự góp mặt hơn 150 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên trình diễn dàn nhạc cụ dân tộc đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam…, Đoàn nghệ nhân Cồng Chiêng Tây Nguyên (Đắk Nông), Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Đoàn nghệ thuật Trống hội của Học viện cảnh sát nhân dân.

Chương trình nhằm giới thiệu với thế giới một Việt Nam với nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc của cộng đồng 54 dân tộc; xác định tiềm năng để phát triển du lịch, tiếp tục bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quốc gia.

Bộ sưu tập thổ cẩm của NTK Chula được biểu diễn trong không gian mang âm hưởng Tây Nguyên qua phần trình diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Nông). Vũ điệu của tre, âm điệu của cồng chiêng - những nhạc cụ có từ thời xưa truyền lại như những âm vang từ quá khứ hào hùng.

H’Hen Niê đảm nhiệm vị trí vedette trong chiếc váy mang hoa văn của các dân tộc Việt Nam của nhà thiết kế.

Thổ cẩm cũng là một trong những gia tài quý giá mang tính truyền thừa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, góp phần tạo nên sự đặc sắc của văn hoá Việt. Qua sự kiện, ê-kíp muốn góp phần đưa thổ cẩm vươn mình ra thế giới với niềm tự hào, kiêu hãnh.

“Đây là cách những thế hệ đi sau giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá mà mình được thừa hưởng từ những người đi trước. Hội nhập nhưng không hoà tan, vươn ra thế giới nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hoá, đó là điều mà bao thế hệ người Việt luôn giữ trong lòng, kết tinh và gắn chặt ngàn đời”, đại diện ban tổ chức chia sẻ.

Chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận – Grand Art Fashion show The eternal flow đã góp phần phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về các sản phẩm ứng dụng của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam, một phương cách thúc đẩy và hỗ trợ các sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm tham gia thị trường quốc tế, hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia trong ngành văn hóa – may mặc từ thổ cẩm.

Đây cũng là lần đầu tiên truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ được trình chiếu trên mái vòm của Al Wasl bằng công nghệ 3D hiện đại. Để sản xuất được 5 phút truyền thuyết nguồn cội dân tộc Việt lên mái vòm, đơn vị phối hợp cùng với Bộ VHTT&DL đã phải thuê nhiều công ty trong và ngoài nước để thực hiện phần hình vẽ và âm thanh.

NTK Vũ Việt Hà vừa ra mắt BST Giấc mơ tại triển lãm Expo tại Dubai tại sự kiện Ngày Việt Nam nằm trong khuôn khổ triển lãm Expo tổ chức tại Dubai. Hoa hậu Khánh Ngân, á hậu Kim Duyên - đại diện Việt Nam tại Miss Universe 202 tham gia trình diễn các thiết kế mới.

Chia sẻ với VietNamNet từ Dubai, NTK Vũ Việt Hà cho biết trong một lần đi Quản Bạ, Hà Giang, nhìn thấy người dân dệt chất liệu thổ cẩm với bề mặt thô sần, anh nảy ra ý tưởng dùng sợi tơ tằm để dệt thay vì sợi gai, sợ lanh của người Mông, giúp người mặc cảm thấy mềm mại, nhẹ nhàng, giữ nhiệt, thoát mồ hôi, phù hợp với thời tiết và khí hậu Việt Nam. Tơ tằm là chất liệu cao cấp nên anh muốn tạo nên hiệu ứng bề mặt lạ cho chất liệu mới trên nền tơ tằm cũ với phom dáng áo dài thập niên 1930.

NTK cho biết mất 9 tháng để hoàn thiện BST với 30 thiết kế được trình diễn lần này, từ chất liệu, lên ý tưởng, vẽ mẫu thêu và thực hiện, riêng khâu chuẩn bị chất liệu mất 3 tháng. Vũ Việt Hà cho biết đã tham khảo từ các làng dệt Nha Xá, Vạn Phúc, Nam Cao (Thái Bình).

Anh cho biết rất may mắn khi bắt tay làm bộ sưu tập rất ít khi phải chỉnh sửa. Khó khăn nhất với anh là việc đắn đo lựa chọn những danh thắng, di sản của Việt Nam phù hợp để đưa lên áo dài. Dù thời gian thực hiện tới 9 tháng, nhưng mỗi bộ áo dài thêu cả thân trước và thân sau như 2 bức tranh nên thời gian hoàn thiện khá gấp rút.

NTK cho biết sự khác biệt lớn nhất của BST Giấc mơ lần này nằm ở việc chọn lựa chất liệu. Anh để nguyên bản chất liệu mộc thô do tằm kéo ra, không xử lý về màu sắc hay hóa chất mà đưa nghệ nhân dệt.

Với anh, thổ cẩm không đơn thuần là họa tiết, hình ảnh người dân tộc thiểu số, tinh thần của thổ cẩm là giá trị về chất liệu. Anh muốn truyền tải hình ảnh thổ cẩm rất chất lượng, văn minh và cao cấp, sang trọng. NTK không thay đổi hoàn toàn hình ảnh của thổ cẩm đã có mà nâng cấp có tính xu hướng thời trang, hơn là đưa những giá trị bản địa cũ. 

"Tôi không làm áo dài cho người dân tộc thiểu số ở các bản, cũng không làm thổ cẩm cho người dân tộc mặc, mà đang làm áo dài để giới thiệu với bạn bè thé giới về hình ảnh của Việt Nam hiện đại hơn trên nền tảng nguồn gốc và những gì mà Việt Nam có, từ phom dáng áo dài thập niên 1930 tới chất liệu thổ cẩm, nhưng thay đổi sợi dệt để tạo nên hình ảnh Việt Nam mới và văn minh hơn", NTK thể hiện quan điểm sáng tạo của mình với BST mới.

NTK Vũ Việt Hà cho biết kế hoạch sắp tới sẽ đưa chất liệu thổ cẩm lên trang phục cổ hoặc những trang phục phóng tác từ cung đình triều Nguyễn như hoàng hậu Nam Phương, các cung nữ. 

{keywords}
NTK Vũ Việt Hà cùng Khánh Ngân, Kim Duyên chào kết chương trình. 

Đ.N - Thuý Ngọc

Kim Duyên khoe hình thể nóng bỏng ở bán kết Miss Universe

Kim Duyên khoe hình thể nóng bỏng ở bán kết Miss Universe

Nguyễn Huỳnh Kim Duyên trình diễn bên các người đẹp quốc tế trong bán kết Hoa hậu Hoàn vũ 2021, sáng 11/12 (giờ Việt Nam).