Dự lễ khánh thành có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Choi YoungSam, đại đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và các đại diện doanh nghiệp Việt - Hàn.
Hana Micron Vina (thuộc Tập đoàn Hana Micron) là doanh nghiệp sản xuất, gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác.
Ông Choi ChangHo - Chủ tịch Tập đoàn Hana Micron cho biết, từ năm 2019, công ty đã nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất Hana Micron Vina” tại KCN Vân Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang) với lĩnh vực sản xuất chính là đóng gói và kiểm định chất bán dẫn. Tổng quy mô dự án 66.000m2.
Năm 2022, công ty tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất; điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư dự án lên gần 600 triệu USD. Từ đó trở thành một trong những dự án FDI có suất vốn đầu tư/ha lớn nhất (khoảng 90 triệu USD/ha) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay. Đồng thời, công ty đã hoàn thiện và đưa nhà máy 1 đi vào sản xuất.
Ngày 16/9/2023, Hana Micron Vina khánh thành, đưa vào vận hành nhà máy 2, đánh dấu cột mốc quan trọng của dự án.
Đến năm 2025, Hana Micron Vina có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng hơn 4 nghìn lao động.
“Hana Micron Vina tại Việt Nam sẽ trở thành cơ sở sản xuất hàng đầu trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của Hana Micron. Nhân lực tuyển dụng tại Việt Nam sẽ chiếm 70% trong tổng số nhân lực. Hana Micron Vina sẽ phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp chất bán dẫn mới tại Việt Nam, góp phần đa dạng các loại hình công nghệ, kỹ thuật sáng tạo mà Việt Nam đang theo đuổi”, ông Choi ChangHo khẳng định thêm.
Tại buổi lễ, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá, dự án của Hana Micron Vina có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của của tỉnh. Theo đó, đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Việc triển khai hiệu quả dự án sẽ là nền tảng cho định hướng phát triển hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn trong tỉnh nói riêng và miền Bắc nói chung. Đồng thời, đây là cơ hội để Bắc Giang thu hút nhiều hơn nữa các dự án công nghệ cao phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Đến nay, đã có trên 27 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Bắc Giang. Trong đó, Hàn Quốc đang là quốc gia đứng thứ nhất về số dự án, đứng thứ hai về tổng vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh. Các doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của khối FDI toàn tỉnh; 30% giá trị xuất nhập khẩu; 21,3 % đóng góp vào ngân sách; chiếm 25,3 % số lao động trong các doanh nghiệp.
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang liên tục bứt phá, tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã thu hút 1,58 tỷ USD vốn đầu tư, tăng 1,53 lần so với cùng kỳ; trong đó có 55 dự án FDI, vốn đăng ký 1,23 tỷ USD.
Phương Linh