Khắp Thái Lan những ngày gần đây, hàng loạt hoạt động và lễ cầu nguyện đang được tổ chức để cầu mong Công chúa Bha của họ mau chóng phục hồi, sau khi cô ngã quỵ vào tuần trước và đang được điều trị đặc biệt trong bệnh viện ở Bangkok.
Được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho vị trí trữ quân, sức khỏe của công chúa đang khiến nhiều người lo ngại cho tương lai của hoàng gia Thái Lan, theo trang báo Thái Lan Prachatai.
Bạo bệnh bất ngờ
Công chúa Bajrakitiyabha Mahidol (44 tuổi) - thường được gọi là Công chúa Bha - hôm 14/12 bất ngờ ngã quỵ và bất tỉnh trong buổi huấn luyện quân khuyển ở một tỉnh phía Đông Bắc.
Cô được đưa đến Bangkok bằng trực thăng để tiếp tục điều trị đặc biệt sau khi được điều trị ban đầu tại địa phương.
Công chúa Bajrakitiyabha chủ trì buổi trao tặng thiết bị y tế của hoàng gia cho nhà tù ở tỉnh Phitsanulok, bức ảnh được công bố ngày 2/3/2020. Anh: Bộ Tư pháp Thái Lan. |
Tuyên bố ban đầu của cung điện về sức khỏe của công chúa rất mơ hồ, làm dấy lên loạt tin đồn trên mạng.
5 ngày sau đó, cung điện mới thông báo một lần nữa về tình trạng của cô. Họ nói rằng công chúa đã ổn định “ở mức độ nhất định” nhưng phải can thiệp để kiểm soát nhịp tim. Cô cũng đang phải dùng thuốc và các thiết bị y tế để trợ phổi và thận.
Chi tiết hơn về căn bệnh của cô vẫn chưa được công bố.
Cùng ngày 19/12, một số tòa án Thái Lan yêu cầu hạn chế tổ chức lễ đón năm mới mà thay vào đó cầu nguyện cho sự bình phục của công chúa.
Người kế vị “khả thi nhất”
Công chúa Bha - con gái lớn của Vua Vajirusongkorn - được xem là nhân vật quan trọng trong cung điện, giữ vai trò chỉ huy đơn vị cận vệ hoàng gia và thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện.
Trong khi Vua Vajirusongkorn có 6 người con khác, chỉ có 2 người trong số đó được giữ tước vị hoàng gia.
Công chúa Bajrakitiyabha trình bày bài giảng về luật Thái Lan cho một nhóm sinh viên ở tỉnh Rayong, ngày 14/3/2021. Ảnh: Văn phòng Hoàng gia Thái Lan. |
Khi còn niên thiếu, Công chúa Bha theo học tại trường Heathfield, trường nữ sinh danh tiếng ở Anh, trước khi lấy hai bằng tốt nghiệp tại Đại học Cornell.
Cô từng là đại sứ Thái Lan tại Áo, và tiếp tục trở thành người bảo đảm quyền lợi cho các nữ tù nhân Thái Lan.
Với vai trò của Công chúa Bha, việc thiếu thông tin về cô đang gây lo lắng về tương lai của hoàng gia. Dù nhà vua vẫn chưa chính thức chỉ định người kế vị, công chúa đã được các nhà quan sát chế độ quân chủ Thái Lan xem là ứng viên khả thi nhất.
“Tại thời điểm này, không có người thừa kế được chỉ định, nhưng phần lớn công chúng đưa ra giả thuyết rằng Công chúa Bha sẽ là người kế vị tiếp theo”, ông Pavin Chachavalpongpun, một học giả Thái Lan làm việc tại Trung tâm Đông Nam Á của Đại học Kyoto, viết trên Facebook.
Công chúa Bha sinh năm 1978, là con của Vua Vajirusongkorn - khi đó còn là thái tử - và Công chúa Soamsawali, cũng là em họ của ông. Dù sau đó hai người ly hôn vào năm 1991, Công chúa Soamsawali vẫn là thành viên chủ chốt của hoàng gia.
Bà vẫn thường xuất hiện tại các sự kiện quan trọng của hoàng gia và thực hiện các nghĩa vụ hoàng gia cùng với con gái mình, chẳng hạn như cuộc triển lãm gần đây cho quỹ từ thiện mà họ cùng nhau thành lập.
Lý lịch của thân mẫu khiến Công chúa Bha khác biệt với các anh chị em cùng cha khác mẹ cũng có tước hiệu hoàng gia là Công chúa Sirivannavari (sinh năm 1987) và Hoàng tử Dipangkorn Rasmijoti (sinh năm 2005).
Bà Sujarinee, mẹ của Công chúa Sirivannavari, bị tước danh hiệu hoàng gia vào năm 1996 sau những cáo buộc bà biển thủ ngân quỹ của cung điện và có hành vi không phù hợp với một vị quan chức.
Công chúa Bha đến thăm cuộc triển lãm tại trung tâm mua sắm Siam Paragon ở Bangkok, ngày 10/11/2020. Ảnh: Văn phòng Hoàng gia Thái Lan. |
Trong khi đó, một số thành viên bên ngoại của Hoàng tử Dipangkorn năm 2015 bị bắt vì bị cáo buộc điều hành các tổ chức tội phạm và lợi dụng quan hệ với hoàng gia để thu lợi tài chính. Nhà vua đã ly dị với mẹ của hoàng tử và tước bỏ tước hiệu hoàng gia của bà.
Dù bà Sujarinee và nhà vua có với nhau 4 con trai, những người này được cho là đang định cư ở nước ngoài với tư cách thường dân và không có kế hoạch trở về Thái Lan.
Luật pháp và người dân ủng hộ
Công chúa Bha trong những năm gần đây cũng xây dựng hình ảnh phù hợp với một nhà cai trị nhân từ. Một loạt vai trò mà công chúa đảm nhận bao gồm cải cách luật pháp, phúc lợi của nữ tù nhân, và cải tổ nhà tù.
Tốt nghiệp Đại học Cornell với bằng luật, Công chúa Bah trở thành công tố viên ở miền Đông Thái Lan. Đầu năm 2021, cô được nhà vua phong quân hàm đại tướng và được bổ nhiệm chỉ huy đội cận vệ tinh nhuệ của hoàng gia.
Cùng năm đó, công chúa khiến công chúng ngạc nhiên khi rũ bỏ mái tóc dài và để kiểu tóc quân đội được các nữ cận vệ hoàng gia ưa thích. Sự thay đổi này được nhiều người coi là biểu hiện cho thấy sự cống hiến của cô cho vai trò mới, cũng như thể hiện mối liên hệ cá nhân sâu sắc của cô với nhà vua.
Dù Thái Lan chưa bao giờ có phụ nữ được chỉ định là người thừa kế ngai vàng, luật pháp dường như đứng về phía cô.
Các sửa đổi hiến pháp được thông qua vào năm 1978 và được thông qua trong tất cả các điều lệ tiếp theo, khẳng định thẩm quyền của quốc vương cầm quyền trong việc chỉ định người kế vị bất kể là nam hay nữ.
Công chúa Bha thắp nến trong nghi lễ đón Tết Âm lịch tại cung điện ở Bangkok. Ảnh chụp lại từ bản tin của Văn phòng Hoàng gia Thái Lan phát sóng hôm 12/2/2021. |
Tóm tắt khả năng kế vị của Công chúa Bha, Andrew MacGregor Marshall, cựu phóng viên Reuters hiện phụ trách tin tức về Hoàng gia Thái Lan, khẳng định “Bajrakitiyabha vẫn là ứng viên nặng ký”.
“Cô ấy có sự hậu thuẫn từ gia đình hoàng gia rộng lớn hơn, mẹ cô vẫn là thành viên cấp cao của hoàng gia”, Marshall, sống ở Anh, viết trên blog cá nhân.
“Việc cô là phụ nữ dường như không phải là trở ngại lớn trong thế kỷ 21, bởi vì những thay đổi trong hiến pháp kể từ năm 1974 cho thấy cung điện chấp nhận rằng trong thế giới hiện đại, không có lý do gì chỉ có nam vương”.
Một nhân viên chính phủ giấu tên nói rằng những thành tích của công chúa đã mang lại cho cô danh tiếng tích cực. “Về cơ bản, khi xem xét tất cả lựa chọn, cô ấy là lựa chọn hợp lý nhất”, người này nói.
Theo Zing