Quốc hội dành cả chiều 28/10 để thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều ĐBQH đưa ra các đánh giá về sản xuất phim, việc tạo hành lang pháp lý cho nhà sản xuất.
Kiểm duyệt khắt khe với phim trong nước nhưng lại để lọt phim 'sai sự thật'
Đại biểu (ĐB) Phạm Thúy Chinh (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đoàn Hà Giang) đánh giá điện ảnh là một ngành kinh tế, là sản phẩm của công nghiệp nhưng cũng là sản phẩm đặc thù vì thuộc về văn hóa.
Người làm diễn viên là lao động có tri thức, kiến thức, có tài năng, năng khiếu, đam mê nghệ thuật, có khả năng sáng tạo, với yếu tố về ngoại hình, giọng nói để biểu cảm và thể hiện nhân vật. Diễn viên điện ảnh là người làm văn hóa, người của công chúng, có sức ảnh hưởng rộng nên phải chú trọng xây dựng hình ảnh, hành vi phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh. |
Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của diễn viên điện ảnh trong dự thảo luật, trong đó quy định diễn viên có quyền hay không cho phép những cảnh quay trong phim được đóng thế ở cảnh mạo hiểm hoặc cắt ghép những hình ảnh nhạy cảm. Đồng thời quy định diễn viên phải chấp hành những quy định pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp, nghĩa vụ xây dựng hình ảnh, đảm bảo thuần phong mỹ tục khi tham gia sản xuất, phát hành phổ biến phim.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đánh giá điều khó khăn nhất khi chắp bút dự thảo Luật Điện ảnh lần này chính là đưa một hoạt động mang tính nghệ thuật sáng tạo vào khuôn khổ đường biên của thể chế.
Mục tiêu của luật để hài hoà giữa quản lý nhà nước và hoạt động điện ảnh mà không gây "ức chế" sáng tạo của người nghệ sĩ, thăng hoa cảm xúc trước ranh giới mong manh giữa giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống với cái mới...
Đại biểu Phạm Trọng Nhân |
Thời gian qua, việc nhập khẩu phim nước ngoài có nhiều khác biệt, thậm chí có bất đồng về văn hoá. Chính điều này đã góp phần làm thay đổi lối sống của các tầng lớp thanh niên, trong đó có việc sống thử trước hôn nhân.
"Vậy điều này có làm tổn hại đến các giá trị và phá hoại truyền thống văn hoá hay không?", ông đặt vấn đề.
"Hai cuộc đời, hai hộ chiếu" - ĐBQH ví von những tác phẩm điện ảnh Việt Nam được các giải thưởng nước ngoài nhưng lại bị cấm chiếu ngay trên sân nhà do vi phạm thuần phong mỹ tục hay phản ánh những hiện thực quá đen tối, bi quan.
Ông nêu: "Thử hỏi có nơi nào trên thế giới này chỉ toàn điều tốt đẹp mà không có những mặt trái của xã hội? Ngay cả New York, nơi được mệnh danh là trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới cũng không khó để bắt gặp những người vô gia cư nằm co ro trên nền gạch sáng choang trước các cửa hàng sang trọng. Trong khi điện ảnh Mỹ chưa bao giờ chối từ những hình ảnh này".
'Vị' bị cấm chiếu tại Việt Nam dù đoạt giải tại LHP Berlin. |
Dẫn chứng sang Văn học Việt Nam những năm 1930-1945 có 3 dòng chủ lưu là hiện thực phê phán, lãng mạn và cách mạng cùng tồn tại để miêu tả toàn bộ cái hồn của xã hội thời kỳ đó.... Chí Phèo, lão Hạc hay chị Dậu khắc hoạ đến tận cùng của sự khắc nghiệt của hiện thực, có bi quan, có bạo lực… nhưng có làm tổn hại đến các giá trị văn hoá hay không?
"Nếu khắt khe với chính người nhà thì phải trả lời cho được vì sao lại phim Điệp vụ biển đỏ công nhận Biển Đông của Trung Quốc hay Everest - Người tuyết bé nhỏ với hình ảnh đường lưỡi bò lại xuất hiện ở các rạp chiếu của Việt Nam?", ông dẫn chứng.
Nhìn sang điện ảnh Iran, bất chấp nhiều điều cấm và kiểm duyệt khắt khe nhưng vẫn có những thước phim đoạt giải thưởng quốc tế, luôn sản sinh ra những đạo diễn bậc thầy và các tài năng theo kiểu “tre già măng mọc”.
Trở lại điện ảnh Việt Nam thời gian qua, đại biểu cho rằng dường như sự kiểm duyệt đang bị kéo căng giữa nhà quản lý và người làm điện ảnh.
Tâm trạng lo âu, thấp thỏm của các đạo diễn khi bị kiểm duyệt phim khiến công chúng mường tượng hình ảnh "phiên tòa" thiếu vắng một không khí cởi mở, chân tình giữa nhà quản lý và người hoạt động điện ảnh trong khi đối tượng xem xét không đơn thuần là một sản phẩm vật chất mà là những rung động, xúc cảm nghệ thuật.
Điện ảnh Việt Nam thật cần cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe và thấu cảm nhằm xóa đi ranh giới giữa nhà quản lý và đối tượng quản. Ông Nhân bày tỏ: "Đừng để cái bóng quá lớn của những nguyên tắc, lệ luật đè mãi tương lai của nền điện ảnh Việt Nam".
Hụt hẫng khi phim về Việt Nam nhưng cô gái mặc áo dài lại là người Thái Lan
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh về việc tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý cho hoạt động làm phim vì vậy luật sửa đổi phải có quy định chính sách ưu đãi trong sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên bà băn khoăn các chính sách này có thực sự giúp điện ảnh Việt Nam phát triển đột phá hay không.
Dự thảo nêu, Nhà nước có ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng cho các nhà sản xuất trong nước tuy nhiên không có quy định cụ thể, theo đại biểu "hoàn toàn không có giá trị khuyến khích... Mục tiêu đột phá nhưng chính sách không đột phá".
ĐB Trần Thị Vân |
Về thu hút tổ chức, người nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam nêu trong dự thảo theo bà cũng chưa có hành lang pháp lý mang tính đột phá nào.
"Cần phải rõ ưu đãi ra sao, hấp dẫn thế nào, thủ tục ưu đãi có minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng hay không. Luật Điện ảnh nếu thông qua với chính sách ưu đãi theo hướng này chắc chắn sẽ là lời kêu gọi hấp dẫn để mời chào nhà sản xuất phim nước ngoài", bà nêu.
Bà đề nghị, cơ quan soạn thảo (Bộ VHTT&DL) nên đưa ra các số liệu về lợi ích các chính sách này mang lại cho Việt Nam và Quốc hội có thể dựa vào đó có thể so sánh, lựa chọn giữa chi phí và lợi ích trước khi quyết định thông qua luật.
Các đoàn làm phim quốc tế khi quyết định có đến Việt Nam hay không họ luôn đặt câu hỏi địa điểm quay ra sao, có chính sách ưu đãi gì, thủ tục có thuận lợi không, chi phí liệu có đắt đỏ?...
Nhiều nhà làm phim khen vẻ đẹp của thiên nhiên và sự khéo léo, thân thiện, thông minh của người Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại ít chọn đến Việt Nam do ta chưa có chính sách ưu đãi rõ ràng, minh bạch.
Bà cho rằng nên tham khảo Thái Lan - đất nước có điều kiện tự nhiên, văn hóa tương đồng. Năm 2018, lần đầu tiên Thái Lan áp dụng chính sách ưu đãi từ 15-20% hoàn thuế cho đoàn làm phim nước ngoài thì ngay trong năm đó họ đã thu hút được 714 đoàn làm phim quốc tế, mang lại doanh thu 98 triệu USD.
Bà kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần thu thập thông tin, phân tích số liệu để đưa ra quy định cụ thể về chính sách ưu đãi sản xuất phim ngay trong luật; tạo thủ tục thuận lợi, hạn chế thủ tục rườm rà.
Chia sẻ về một bài viết được đọc, đại biểu Trần Thị Vân bày tỏ sự hẫng hụt về thông tin trong bộ phim Good Morning Vietnam (Xin chào Việt Nam) - một trong những bộ phim hài hay nhất của nước Mỹ. Đây là bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam, với câu chuyện diễn ra tại Việt Nam nhưng toàn bộ cảnh quay lại được thực hiện ở Thái Lan. Nhân vật nữ tên Trinh thướt tha trong tà áo dài trắng Việt Nam nhưng do cô gái Thái Lan đóng.
Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Phương Lan cho rằng hoạt động điện ảnh cũng nhằm tạo ra giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội. Bà đề nghị chính sách phát triển điện ảnh phải tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực cần phát huy vai trò của dẫn dắt của nhà nước.
Dự thảo có nêu về việc Nhà nước đầu tư trường quay hiện đại, ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai với cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động điện ảnh... bà đề nghị đánh giá tác động của các quy định này, khả năng đáp ứng của ngân sách.
Trần Thường - Hương Quỳnh
Phim 'Vị' bị cấm chiếu tại Việt Nam vì cảnh khỏa thân tập thể 30 phút
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, phim 'Vị' đã vi phạm Luật Điện ảnh nên buộc phải cấm phổ biến.