Giải “bài toán” khó cho cộng đồng kiểm thử
Quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, giải pháp công nghệ phần mềm không thể thiếu hoạt động kiểm thử (testing). Nhân viên kiểm thử (tester) đảm nhận vai trò người dùng cuối để kiểm tra độ chuẩn của các tính năng, hoặc hỗ trợ lập trình viên kiểm thử các tính năng.
Sự phát triển “như nấm mọc sau mưa” của các ứng dụng, giải pháp phần mềm chạy trên đa thiết bị (desktop, laptop, mobile…), đa môi trường (Web, Android, MacOS, Windows…), khiến cho hoạt động kiểm thử theo kiểu thủ công - thường được gọi vui là “kiểm thử với máy chạy bằng cơm” – khó đáp ứng yêu cầu, nguy cơ kéo dài thời gian đưa phần mềm, giải pháp ra thị trường, dễ vuột mất cơ hội kinh doanh tối ưu. Trong khi người dùng có vô số kênh đánh giá chất lượng sản phẩm,giải pháp, chỉ cần một vài ý kiến phản ánh về chất lượng chưa tốt sẽ gây khó khăn cho việc bán hàng của doanh nghiệp công nghệ.
Cộng đồng tester khát khao lớn về một giải pháp kiểm thử tự động giúp giảm bớt “gánh nặng” công việc, có thêm thời gian tập trung vào các nhiệm vụ kiểm thử phức tạp hơn, đòi hỏi chuyên môn cao. Điều này giúp nâng cao chất lượng tổng thể và độ tin cậy của ứng dụng, đồng thời giảm thiểu rủi ro lỗi người dùng cuối gặp phải.
Thời điểm 7 năm trước, chỉ có chưa tới 20% công ty phát triển phần mềm trên thế giới nghiêm túc đầu tư, triển khai kiểm thử tự động. Thị trường giải pháp kiểm thử tự động hồi ấy chưa có nhiều “chiến binh”. Một số giải pháp đắt tiền, chi phí giấy phép (license) sử dụng và triển khai lên đến hàng chục ngàn đô la cho mỗi người dùng, chỉ những công ty rất lớn mới mua được. Còn những giải pháp kiểm thử phần mềm mã nguồn mở, nếu muốn sử dụng, doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí đầu tư đội ngũ lập trình viên đóng gói, tùy biến theo đúng nhu cầu.
Nhận thấy nghiên cứu và phát triển (R&D) hệ thống giải pháp kiểm thử tự động dù là “bài toán” khó nhưng nhu cầu thị trường rất lớn, dư địa rất tiềm năng, hai lãnh đạo của KMS Technology gồm Giám đốc điều hành Lâm Quốc Vũ và Giám đốc Phát triển sản phẩm Trần Kiến Uy quyết định triển khai dự án Katalon, công cụ kiểm tra tự động hoá mã code ít (low-code). Theo đó, người không có kỹ năng lập trình hoặc có kỹ năng lập trình cơ bản vẫn có thể sử dụng công cụ để tự động hóa, tăng hiệu quả quá trình kiểm thử.
Sau quá trình thử nghiệm đầy tính khả thi, năm 2016, Katalon tách thành công ty riêng, mô hình nhân sự, vận hành, kinh doanh hướng tới tập khách hàng quốc tế.
“Khác biệt so với các công ty công nghệ khác tại Việt Nam, ngay từ ngày đầu thành lập, Katalon đã đặt mục tiêu phát triển một sản phẩm công nghệ dành cho thị trường toàn cầu. Với kinh nghiệm xây dựng, phát triển QASymphony (công ty được KMS Technology thành lập năm 2011 - PV), tôi và anh Vũ hoàn toàn tin tưởng về việc Katalon sẽ thành công, đánh dấu sự hiện diện của trí tuệ Việt trên bản đồ công nghệ thế giới”, Tổng Giám đốc Trần Kiến Uy nhớ lại thuở ban đầu của Katalon.
Thúc đẩy chuyển đổi số, tạo phong trào kiểm thử tự động
Ngồi hoạch định kế hoạch năm đầu tiên, với đội ngũ vỏn vẹn 6 người, hai nhà đồng sáng lập Katalon chỉ khiêm tốn đặt mục tiêu đạt khoảng 1.000 – 2.000 người sử dụng (user), bởi Katalon là ứng dụng công nghệ B2B (dành cho doanh nghiệp) chứ không phải ứng dụng giải trí cá nhân. Kết quả đạt được 30.000 user sau một năm là một bất ngờ lớn.
Theo đuổi mô hình kinh doanh lấy sản phẩm làm trọng tâm và động lực cho sự phát triển (product-led growth), bên cạnh việc nỗ lực cải thiện, phát triển phần mềm, giải pháp, Katalon còn nhanh chóng xây dựng cộng đồng người dùng quốc tế. Chính cộng đồng này đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến từ trải nghiệm thực tế, giúp đội ngũ Katalon nhanh chóng xác định đầy đủ, rõ ràng hơn nhu cầu của thị trường và kịp thời đáp ứng. Nhờ đó, tốc độ phát triển của Katalon rất nhanh, gần như tháng nào cũng ra một phiên bản mới.
“Về phương diện cộng đồng người dùng, ở Ấn Độ, nhiều bạn YouTuber làm kênh hướng dẫn sử dụng Katalon thu hút hàng chục ngàn người đăng ký theo dõi (subscribers). Cá nhân tôi biết nhiều cá nhân và tổ chức đã xây dựng chương trình đào tạo Katalon Studio trên những kênh giảng dạy trực tuyến thu phí. Ở Việt Nam cũng như quốc tế, khá nhiều diễn đàn như TestingVN, Reddit, StackOverflow… có những nhóm trao đổi về việc sử dụng Katalon Studio. Sự phối hợp giữa kiểm thử thủ công và kiểm thử tự động giúp tiết kiệm đáng kể thời gian thử nghiệm, nâng cao chất lượng phần mềm. Không chỉ là công cụ giúp nâng cao hiệu quả công việc cho nhân viên kiểm thử, Katalon còn trở thành một trào lưu, xu hướng”, ông Uy vui vẻ kể.
Với sự ủng hộ của cộng đồng người sử dụng quốc tế, 2 năm tiếp theo, Katalon “cất cánh” rất nhanh. Năm thứ 3, Katalon đứng đầu danh sách bình chọn của Gartner và Capterra về những công cụ kiểm thử tự động được người dùng đánh giá cao. Số lượng đánh giá tích cực dành cho Katalon cao gấp 3 – 4 lần so với sản phẩm đứng ở vị trí thứ hai. Cho tới hiện tại, Katalon đã 3 năm liên tiếp giữ vững danh hiệu công cụ kiểm thử tự động được yêu thích nhất.
Năm 2019, lãnh đạo Katalon quyết định thương mại hóa sản phẩm để có thêm nguồn tái đầu tư. Bên cạnh sản phẩm miễn phí dành cho cộng đồng từ những ngày đầu chập chững bước chân vào thương trường, công ty còn chào bán bản đặc biệt gồm một số tính năng cao cấp về bảo mật và quản trị như quản lý người dùng, quản lý dự án, phân quyền…, hướng tới những doanh nghiệp lớn. Đơn hàng lớn nhất của Katalon đến từ khách hàng thuộc lĩnh vực ngân hàng và kinh doanh dịch vụ.
Cuối năm 2020, đội ngũ nhân sự Katalon tăng trưởng lên 20 người, số lượng người dùng tăng vọt lên khoảng 350.000 người, gấp hơn 10 lần so với thời điểm kết thúc năm đầu tiên. Tốc độ tăng trưởng doanh thu luôn đạt 100%.
Toàn cầu hiện có hơn 30.000 tổ chức tin dùng sản phẩm của Katalon. Mức độ gắn kết với sản phẩm rất cao so mới mức chung của ngành. Tỷ lệ duy trì doanh thu (net revenue retention) đạt tới 140%/năm.
Gọi vốn để tăng đầu tư R&D
Với sự tăng trưởng vượt bậc, Katalon “lọt mắt xanh” của khá nhiều quỹ đầu tư, nhưng đã lựa chọn đồng hành với Quỹ Elephant Partners (Hoa Kỳ). Khoản đầu tư vòng series A trị giá 27 triệu USD của Elephant Partners giúp Katalon thêm điều kiện đầu tư R&D, tự tin vững bước hơn trên hành trình phát triển.
Các hoạt động R&D tại Katalon được thực hiện thông qua hai bộ phận chính. Một là bộ phận R&D, đảm nhiệm việc nghiên cứu, phát triển các tính năng, chức năng thực tế có khả năng tích hợp trực tiếp vào nền tảng Katalon (Katalon Platform) thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), qua đó nâng cao trải nghiệm tổng thể trên nền tảng. Song song đó, Katalon cũng có đội ngũ kỹ sư AI (AI Engineer), từ năm 2021 tập trung nghiên cứu, phát triển nhiều tính năng có ứng dụng AI, ML.
Hai là bộ phận Software Scientific Research Department (SSR), được dẫn dắt bởi một Phó Giáo sư - Tiến sĩ, đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển và đánh giá các phương pháp, sáng kiến thuộc lĩnh vực kiểm thử phần mềm. Những nghiên cứu của bộ phận này sẽ được áp dụng để cải tiến sản phẩm hoặc công bố dưới dạng các báo cáo nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự phát triển chung của ngành. SSR đã công bố nhiều nghiên cứu về ứng dụng AI, ML và xử lý ngôn ngữ tự nhiên trong kiểm thử tự động. Mỗi năm, bộ phận này sẽ phát hành 1 báo cáo toàn cảnh về thống kê thị trường cũng như xu hướng thị trường kiểm thử tự động, và công bố các nghiên cứu mới của Katalon trên các tạp chí công nghệ thế giới.
“Các chương trình chạy tự động sinh ra hàng triệu kết quả, nếu không ứng dụng AI thì thật khó để phân tích từng kết quả và đưa ra câu trả lời xác đáng. Lợi thế sở hữu lượng người dùng lớn của Katalon là điều kiện thuận lợi giúp AI, ML phân tích và cho câu trả lời thỏa đáng nhất có thể về chức năng, chất lượng sản phẩm/giải pháp”, Tổng Giám đốc Katalon lưu ý.
Đội nghiên cứu phát triển và kỹ sư công nghệ thông tin chiếm phân nửa tổng nhân sự đã giúp doanh nghiệp Việt xây dựng thành công nền tảng toàn diện về kiểm thử chất lượng với dải sản phẩm đa dạng (TestOps, TestCloud, Studio...) được tin dùng bởi cộng đồng quốc tế.
Hành trình nhiều thử thách
“Không có sự phát triển, trưởng thành nào mà không đi kèm theo thử thách, thậm chí phải trả giá”, Tổng Giám đốc Katalon thẳng thắn chia sẻ trước câu hỏi “Phải chăng hành trình phát triển của công ty chỉ toàn thuận lợi và bứt tốc”.
Một trong những khó khăn đầu tiên Katalon phải đối diện khi tách thành công ty riêng là khan hiếm nhân sự có kinh nghiệm marketing, bán sản phẩm công nghệ cho khách hàng ở thị trường quốc tế.
Không thể làm marketing theo kiểu nhờ người nổi tiếng hay KOLs (những người có ảnh hưởng) quảng cáo giúp như cách thức thường thấy tại thị trường Việt, hay chi tiền rất nhiều tiền vào quảng cáo để tăng độ phủ, Katalon tìm tới các cộng đồng người dùng về kiểm thử ở các quốc gia khác nhau để tự giới thiệu về mình.
“Chúng tôi đã dùng cách tiếp cận phi truyền thống, gọi vui là “marketing du kích”. Chúng tôi tiếp cận và tương tác với các nhóm người dùng một cách linh hoạt, dựa vào giá trị sử dụng thực tế của sản phẩm để kết nối với nhóm người dùng thích nghi nhanh (early adopters), và chính những nhóm người dùng này lại là đội ngũ tuyên truyền miệng giúp lan tỏa sản phẩm”, ông Uy tiết lộ bí quyết.
Định hướng công ty phát triển sản phẩm toàn cầu, lãnh đạo Katalon không ít lần đau đầu về câu chuyện nhân sự. Từng tuyển nhiều người nước ngoài từ Anh, Mỹ, Ấn Độ… về làm, bên cạnh câu chuyện lương bổng cao, loạt vấn đề khác phát sinh liên quan tới ngôn ngữ, văn hóa, môi trường làm việc… cho thấy xây dựng mô hình nhân sự không phải chuyện đơn giản. Không có một mô típ chung cho mọi công ty công nghệ mà “mỗi nhà mỗi cảnh”, phải tự tìm giải pháp phù hợp cho mình.
Từ khi thành lập, Katalon phải qua không ít “phép thử” không thành công rồi mới đi đến mô hình thương mại hóa hiệu quả, đúng với nhu cầu thị trường như hiện nay.
“Giai đoạn đầu, tự tin có hàng trăm ngàn người dùng, Katalon thử tạo Market Play, tương tự App Store, Google Store… (cho người dùng sử dụng miễn phí sản phẩm, thu phí ứng dụng, plugins bán kèm) nhưng không đạt kết quả như ý muốn. Nguyên nhân sớm được nhận diện: Người dùng là nhân viên doanh nghiệp, thường không sẵn sàng dùng chi phí cá nhân mua ứng dụng phục vụ công việc của doanh nghiệp. Một “phép thử bất thành” khác: Làm chương trình đóng gói đặc biệt cho những công ty có nhu cầu test rất đặc biệt. Nhưng tiếp cận theo mô hình này thì chỉ phục vụ được một nhóm đối tượng khác hàng hạn chế, không thể mở rộng kinh doanh”, ông Uy kể lại những thử nghiệm không thành công trong quá khứ.
Sẵn sàng chia sẻ “kinh nghiệm xương máu” với các doanh nghiệp Việt khác, đặc biệt là khởi nghiệp, Tổng Giám đốc Trần Kiến Uy mong muốn “cộng đồng doanh nghiệp Việt tự tin kinh doanh trên thị trường quốc tế với những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, giải quyết những khó khăn, khát khao của người dùng cuối, làm những việc chưa ai làm”, và tin rằng “con đường tương lai rất rộng, nhiều công ty, bạn trẻ Việt Nam có thể làm được điều tương tự như Katalon”.
Môi trường làm việc “công ty nhà người ta”
Dù là một công ty công nghệ, văn phòng của Katalon luôn có hoa tươi. Nhân viên có nhiều quà tặng như ly, túi, mũ, áo… Tiêu chuẩn máy tính tại công ty là Macbook. Không chỉ thế, Katalon đã và đang triển khai nhiều chương trình và sáng kiến nhằm nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần, cải thiện cân bằng giữa công việc và cuộc sống, học tập và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên.
Những chính sách nổi bật gần đây bao gồm: Làm việc linh hoạt - nhân viên có thể làm việc tại nhà 2 ngày/tuần; Gói bảo hiểm hỗ trợ sức khoẻ toàn diện cho nhân viên và 2 thành viên gia đình; Chuỗi chương trình chia sẻ về sức khoẻ tinh thần. Đặc biệt, tất cả nhân viên Katalon đều được hưởng một khoản kinh phí như nhau cho các hoạt động phát triển cá nhân tự chọn.
2 năm vừa rồi, Katalon liên tục đạt giải thưởng “Great place to work – Nơi làm việc tuyệt vời”.
Những thông tin này khiến nhiều người trong giới công nghệ Việt không khỏi trầm trồ: “Đúng là công ty nhà người ta”.
“Con người là yếu tố then chốt trong hành trình phát triển Katalon. Tôi và anh Vũ đều mong muốn Katalon sẽ là một môi trường làm việc quốc tế ngay tại Việt Nam, mang đến nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp cho những bạn trẻ Việt Nam cũng như các bạn người Việt Nam ở nước ngoài có hoài bão, năng lực. Bộ máy hiện tại của chúng tôi có rất nhiều bạn từng học tập nước ngoài về. Có bạn cho biết 1 năm làm việc ở Katalon tương đương 3 năm ở công ty khác”, ông Uy tâm sự.
Không chỉ chăm lo cho hiện tại, lãnh đạo Katalon còn tính cả đường dài cho tương lai. Những năm gần đây, Katalon tích cực hợp tác với các trường đại học, tài trợ license để từng bước đưa giải pháp kiểm thử tự động vào chương trình học; hỗ trợ sinh viên đến trải nghiệm thực tế tại công ty để có dữ liệu làm đề tài, luận văn, luận án. Một điều khá đặc biệt, hệ thống giải pháp kiểm thử tự động Katalon đã trở thành đề tài nghiên cứu khoa học của nhiều sinh viên.
Năm 2023, Katalon lần đầu tiên triển khai Chương trình The Next Gen-K hỗ trợ phát triển tài năng trẻ, nền tảng của phát triển nguồn lực bền vững cho ngành công nghiệp phần mềm tại Việt Nam. Trong 6 tháng tham gia chương trình thực tập, các sinh viên sẽ được trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp, học hỏi những kiến thức, kỹ năng thực tế cần thiết, để sau khi tốt nghiệp sẽ sẵn sàng gia nhập thị trường lao động cạnh tranh, thích ứng với mọi biến chuyển của công nghệ trong tương lai.
Sau quá trình nghiêm túc trải nghiệm đầy đủ vòng đời làm sản phẩm công nghệ tại Katalon, những người trẻ muốn khởi nghiệp sẽ tự tin hơn vì nắm được cơ bản những việc cần làm.
Khách quan đánh giá thì không nhiều công ty có môi trường thực tập tốt như Katalon. Chẳng thế mà đã có hơn 3.000 đơn ứng tuyển thực tập sinh. Chung cuộc chỉ có 30 bạn được chọn.
“Katalon rất vui vì đang làm một số việc tốt cho cộng đồng và các em sinh viên. Hy vọng các công ty công nghệ khác cũng sẽ làm những điều tương tự. Bây giờ mình không “gieo hạt” thì làm sao có ngày “hái trái”, có đội ngũ giỏi để làm những việc tiếp theo”, Tổng Giám đốc Katalon bày tỏ.
Ứng dụng công nghệ Việt chinh phục khách hàng quốc tế
Danh sách khách hàng của Katalon có rất nhiều thương hiệu quốc tế lớn. Trong đó, một tập đoàn viễn thông, truyền thông lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Hoa Kỳ, ghi dấu ấn đặc biệt trong tâm trí của Tổng Giám đốc Trần Kiến Uy.
Tập đoàn này đến với Katalon qua sự giới thiệu của một số đơn vị tư vấn. “Ông lớn” viễn thông đưa ra nhiều yêu cầu rất cao về giải pháp công nghệ, bảo mật, an toàn thông tin… Qua rất nhiều lần đánh giá, phân tích trên nhiều khía cạnh, Katalon được chấp thuận trở thành sản phẩm testing chính của tập đoàn. Hợp đồng bán license cho tập đoàn là hợp đồng lớn nhất của Katalon tại thời điểm 3 năm trước. Mới đây, hai bên vừa ký lại hợp đồng mới. Tập đoàn Hoa Kỳ đã gửi email cảm ơn sự hỗ trợ của doanh nghiệp Việt.
Từ góc nhìn của một người sử dụng, ông Johnson, Trưởng Nhóm kỹ sư đảm bảo chất lượng tại SAGA đánh giá cao Katalon đã giúp đội ngũ SAGA nâng cao hiệu suất làm việc với giải pháp kiểm thử tự động linh hoạt: “Trước kia, thao tác kiểm thử thủ công chỉ có thể kiểm tra khoảng 30 kịch bản trong 2 ngày. Nền tảng thử nghiệm Katalon đã tăng gấp ba lần khả năng thử nghiệm và giảm quá trình từ 2 ngày xuống còn 2 giờ”.
Năm ngoái, Katalon ở Ấn Độ chính thức khai trương với khoảng 40 nhân viên. Hành trình “ra biển lớn” của doanh nghiệp Việt gần như không giới hạn khi ứng dụng công nghệ Việt luôn được cộng đồng người dùng quốc tế người quan tâm, yêu thích. Tại Nhật Bản, có người “ái mộ” đến mức viết cả cuốn sách về Katalon.
“Hiện tại Katalon có hơn 250 nhân sự tại Việt Nam và hơn 100 nhân sự ở quốc tế (Mỹ, Ấn Độ, Canada...). Phần lớn ban lãnh đạo đều đã có kinh nghiệm làm việc ở những tập đoàn quốc tế với quy mô lớn. Nhìn về tương lai, Katalon đang có một “bức tranh” tăng trưởng rất ổn định, lâu dài. Tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi định hướng Kalaton sẽ là một trong Top 5 giải pháp được nhiều người dùng nhất thế giới trong lĩnh vực kiểm thử tự động, góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam tốt hơn trên thị trường công nghệ quốc tế”, ông Uy tự tin nói.