Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đã đạt khoảng 41,5%, với 888 đô thị
Có thể nói, giai đoạn 2011-2020 vừa qua, Việt Nam đã thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với đô thị hóa. Tính đến tháng 9/2022 cả nước có 888 đô thị.
Đô thị hóa đã tạo ra khu vực đô thị với không gian kinh tế được mở rộng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hạ tầng phát triển, nguồn lao động dồi dào và thị trường lớn, từ đó tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, thu hút FDI và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế; Hệ thống đô thị quốc gia cơ bản được phân bố theo mô hình mạng lưới, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và quy luật phát triển kinh tế.
Hai vùng đô thị lớn (vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh) ngày càng đóng vai trò là các cực tăng trưởng kinh tế chủ đạo. Các đô thị trung bình và nhỏ được quan tâm đầu tư phát triển trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng của tất cả các vùng, liên kết hỗ trợ nhau kể cả khu vực nông thôn, làm cho tất cả các vùng đều phát triển; Tăng trưởng kinh tế đô thị bình quân ở mức 12 -15%/năm, gấp 1,2 đến 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2020, ước tính kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Các giải pháp pháp để thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam hướng đến bền vững, thịnh vượng.
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho hệ thống đô thị Việt Nam giai đoạn tới gồm: nhóm nhiệm vụ về i) hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; ii) Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; iii) Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; iv) Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với Biến đổi khí hậu; v) Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; vi) Phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị. Cụ thể hóa Nghị quyết này, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã có sự phân công cho các cơ quan, tổ chức có liên quan với những nhiệm vụ cụ thể.
Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ các điểm nghẽn cần tập trung giải quyết để có thể thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam thời gian tới, theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cần tập trung vào các vấn đề sau:
Thúc đẩy đô thị hóa nhanh trong sự kiểm soát
Đô thị hóa là động lực cho sự phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho sự thay đổi về cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng phi nông nghiệp, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân nhưng nó cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy không mong muốn. Đô thị hóa là một xu thế tất yếu và khách quan, tuy nhiên trong quá trình này, cần có sự kiểm soát để phát triển đô thị có thể tận dụng được lợi thế từ đô thị và hạn chế những hệ lụy, thách thức. Bên cạnh việc thúc đẩy mối quan hệ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn quốc gia, lập chương trình phát triển đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh, đô thị là cần thiết.
Thời gian tới quá trình đô thị hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt các huyện vùng ven của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…là các huyện phải chịu áp lực đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh trên vùng đất nông nghiệp, là nơi chịu nhiều áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học rất lớn…dẫn đến quá tải về các vấn đề quản lý, trường học và môi trường. Đối với các khu vực chịu tác động mạnh của quá trình đô thị hóa, nhất là khu vực dự kiến sẽ thành quận, thị xã, việc phát triển, xây dựng nông thôn mới tùy từng giai đoạn sẽ không đồng nhất với quá trình phát triển đô thị.
Đối với các khu vực này, quá trình đô thị hóa chủ yếu do yếu tố ngoại lực, rất khó chủ động được, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới không phù hợp sẽ gây đầu tư lãng phí, không thích ứng với định hướng đô thị hóa trong tương lai. Do đó, cần xây dựng các chính sách phát triển gắn kết phát triển đô thị và phát triển nông thôn, từng bước thu hẹp khoảng cách kinh tế - xã hội giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Phát triển đô thị nhỏ (thị trấn), vùng ven đô thị để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn.
Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị
Quy hoạch đô thị là công cụ quan trọng và nền tảng để tối đa hóa tiềm năng cho việc xây dựng phát triển đô thị hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên, xác định các khu vực phát triển và bảo tồn, tăng cường an ninh, an toàn trong các thành phố/đô thị. Quy hoạch không hợp lý và không được thực thi có thể cản trở sự phát triển chung của đô thị. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch chưa thực sự phát huy hiệu quả của một công cụ định hướng và đầu tư phát triển đô thị.
Ngoài việc quy hoạch chưa phủ kín so với tổng diện tích đất xay dựng đô thị (Tính đến tháng 12/2021, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu tại các đô thị loại I, loại đặc biệt đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị) thì phương pháp thực hiện quy hoạch còn hạn chế (trên cơ sở dữ liệu đầy đủ, công tác dự báo thiếu chính xác, thiếu khoa học) dẫn đến quy hoạch không theo kịp và đáp ứng nhu cầu thị trường và thực tế.
Ngoài ra quy hoạch thiếu kết nối với nguồn lực thực hiện nên đã hạn chế hiệu quả định hướng đầu tư… Điều chỉnh quy hoạch còn xảy ra nhiều nơi với quy mô và mức độ khác nhau ở các loại đồ án quy hoạch khác nhau. Việc điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và giảm diện tích đất công cộng, đất cây xanh dẫn đến tạo áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị.
Thời gian tới, phương pháp quy hoạch đô thị cần phải có sự đổi mới nhất định theo hướng gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia; phương pháp quy hoạch tổng hợp, tích hợp, đảm bảo phát triển không gian hợp lý, kiểm soát chặt chẽ phát triển đất đai, dân số, lao động ngoài ra phải gắn kết với nhu cầu thực tế của thị trường, gắn với xu thế đô thị hóa của vùng, địa phương, gắn với nhu cầu đầu tư thị trường, nhu cầu về không gian ở và giao thông, gắn kết với kế hoạch đầu tư, đầu tư công trung hạn và hàng năm, bảo đảm nguồn lực thực hiện và đặc biệt lồng ghép yêu cầu nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống rủi ro hướng đến tăng trưởng xanh, thông minh, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào quá trình lập quy hoạch cũng như triển khai thực hiện.
Trước mắt công tác quy hoạch cần cải thiện chất lượng trên cơ sở căn cứ dữ liệu đầu (thực trạng, nhu cầu) và dự báo khoa học, chính xác; áp dụng công nghệ tiên tiến (như áp dụng GIS- hệ thống thông tin địa lý) vào phân tích, nhận diện vấn đề và ra quyết định hỗ trợ cho lập quy hoạch; bổ sung hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đơn giá về quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị.
Xuân An, Ngọc Ánh, Hồ Giáp