Xây dựng thế trận lòng dân là bài học quý trong lịch sử dựng nước và giữ nước của toàn dân tộc nhằm phát huy vai trò to lớn của nhân dân để chống thù trong, giặc ngoài, giữ yên non sông, bờ cõi. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học đó còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng.
Để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay.
Nhằm hiểu rõ hơn vấn đề này, hôm nay Báo VietNamNet tổ chức chương trình tọa đàm: “Xây dựng thế trận lòng dân trong bảo vệ và phát triển đất nước” với sự tham gia của 2 vị khách mời:
- Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Mời độc giả theo dõi video Tọa đàm tại đây:
Lòng dân là câu chuyện nhân tâm và sức mạnh vô địch
Nhà báo Diệu Bình: Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, không khó để nhận thấy việc quy tụ lòng người là bài học quý báu đóng vai trò quyết định dẫn đến thắng lợi trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Xin ông phân tích rõ hơn về bài học kinh nghiệm này?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Một đặc điểm rất nổi trội của lịch sử Việt Nam là dựng nước luôn luôn đi kèm với giữ nước, bởi vì chúng ta ở vào một vị trí địa chính trị hết sức đặc biệt. Do đó, gần như thường xuyên phải chống lại các thế lực ngoại xâm nhòm ngó, đưa quân sang xâm lược. Trong hoàn cảnh đất nước không rộng lắm, tiềm lực kinh tế không hùng cường lắm, việc cấu kết nhân tâm để tạo ra sức mạnh toàn dân gần như là lẽ sống, điều kiện tiên quyết để dân tộc ta tồn tại hàng nghìn năm qua.
Vì vậy, có thể nói rằng, lòng dân lòng người không phải là câu chuyện nhân tâm mà còn là sức mạnh vô địch và vô biên giúp cho đất nước ta trường tồn. Đấy là bài học lịch sử và cũng là lời nhắn nhủ của ngàn xưa cho chúng ta hôm nay.
Nhà báo Diệu Bình: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, bài học về lòng dân của cha ông xưa đã được áp dụng thế nào, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn: Bài học về lòng dân được đúc kết thông qua những câu chuyện về văn hóa, và chuyển hóa thành sức mạnh vô cùng lớn của dân tộc. Chính vì thế, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Bài học lòng dân đã được Đảng nhìn nhận ra ngay từ khi hình thành quan điểm về xây dựng văn hóa. Năm 1943, cách đây gần 80 năm, trong Đề cương Văn hóa Việt Nam, chúng ta đã nhấn mạnh 3 nguyên tắc xây dựng văn hóa, đó là dân tộc, khoa học và đại chúng. Trong đó, nguyên tắc đại chúng chính là khơi dậy sức mạnh của lòng dân. Từ câu chuyện khơi dậy sức mạnh lòng dân, chúng ta sẽ vượt qua được sức mạnh của kẻ thù. Đó chính là bài học còn giá trị đến tận ngày hôm nay.
Đến năm 1954, Bác Hồ trước khi về Thủ đô có dừng chân ở Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ) và nói rằng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trước đó, năm 1946, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã từng nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, tức là từ ánh sáng soi đường của văn hóa giúp chúng ta nhìn ra được chân giá trị, rất nhiều điều trong đó có đề cập đến vấn đề lòng yêu nước.
Câu chuyện về tình đoàn kết đã trở thành sức mạnh của chúng ta. Trong thời kỳ kháng chiến hay giai đoạn chiến tranh, sức mạnh đó đã được hun đúc, tạo ra những điểm tựa tinh thần giúp vượt qua mọi kẻ thù.
Tôi rất đồng ý với ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang rằng đất nước của chúng ta ở vị trí rất quan trọng, có ý nghĩa trong con đường giao lưu văn hóa thế giới. Chúng ta nằm cạnh hai nền văn minh rất lớn nhưng vẫn có văn hóa riêng. Chính văn hóa ấy giúp dân tộc ta trường tồn đến ngày hôm nay.
Trong thời kỳ kháng chiến, văn hóa kháng chiến của chúng ta cực kỳ rực rỡ và có những nét riêng độc đáo. Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó. Từ những câu ca, lời hát, từ những bức tranh cổ động… đã tạo sức mạnh tinh thần, sức mạnh văn hóa, giúp chúng ta có được sự tự tin. Trên cơ sở sự tự tin đó, chúng ta đã chiến thắng kẻ thù. Dù kẻ thù có sức mạnh kinh tế, sức mạnh về quân sự nhưng sức mạnh lòng dân, sức mạnh văn hóa đã biến lợi thế của chúng ta vượt qua mọi lợi thế của kẻ thù và từ đó đã giành được chiến thắng.
Những bài học có giá trị trường tồn
Nhà báo Diệu Bình: Bài học “lấy dân làm gốc”, “yên dân” đã được các thế hệ ông cha ta vận dụng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đến nay, bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự. Xin ông chia sẻ một số câu chuyện cụ thể?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Về bài học lấy dân làm gốc, trong lịch sử đất nước ta, gần như giai đoạn nào cũng có những bài học quý giá nhưng có lẽ, người ta thường nhắc đến và nhấn mạnh bài học này ở giai đoạn lịch sử thế kỷ thứ XIII, khi Đại Việt phải đương đầu với một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới.
Thời điểm đó, đế chế Mông - Nguyên là một lực lượng hùng mạnh, hung hãn, đánh đâu thắng đó. Có thể nói, vó ngựa của quân Mông - Nguyên đã đi khắp các lục địa Á – Âu, mở rộng lãnh thổ của đế chế này lên tới hàng chục triệu. Trong lịch sử thế giới, chưa có một đế quốc nào mở rộng được lãnh thổ lớn liền khoảnh như đế chế Mông – Nguyên, vậy mà đến Đại Việt, thất bại không phải 1 lần mà 3 lần thất bại. Đó là kỳ tích trong lịch sử nhân loại, người ta nói rằng có 1 không 2, không đâu có thể làm được.
Thế nhưng khi tổng kết lại, nguyên nhân nào để Đại Việt làm nên kỳ tích, có một câu chuyện được chép lại. Đó là khi Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lâm trọng bệnh, Hoàng đế Trần Anh Tông đã tới thăm và có hỏi (theo ngôn từ xưa là vấn kế) để nếu Quốc Công Tiết Chế có mệnh hệ gì thì làm cách nào giữ nước trước những thế lực ngoại xâm còn có thể tiếp tục nhòm ngó, đem quân xâm lược.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã thong thả trả lời: Ta thắng được giặc dữ bởi vì trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức. Cho nên, kế sách giữ nước quan trọng nhất hay thượng sách giữ nước là “Khoan thư sức dân”, lấy đó là kế sâu rễ, bền gốc (hay ta gọi là lấy dân làm gốc).
Đấy là thượng sách giữ nước, tổng kết của một vị thiên tài quân sự không một lời nói về binh thư, không một câu nào nói về quân sự mà nói về kế giữ dân, phải làm sao để “Khoan thư sức dân”. Bài học đó có giá trị trường tồn.
Lịch sử đã nhiều lần chứng kiến các thế hệ nối tiếp cũng phải đối phó với các thế lực đế quốc hùng cường nhất thế giới. Đặc biệt là sự lãnh đạo của Đảng qua hai cuộc kháng chiến đi đến thành công, đấy chính là nhờ bài học lấy dân làm gốc.
Gần đây nhất, chúng ta đã trải qua một thời kỳ kinh hoàng như đại dịch Covid-19. Lúc đó, người đứng đầu Nhà nước kêu gọi người dân hãy chống dịch như chống giặc, tức là nhiệm vụ chống dịch không phải chỉ là cơ quan, tổ chức mà còn là sự hiệp lực, đồng lòng của toàn dân tộc.
Sau lời hiệu triệu đó, người người, nhà nhà đều hưởng ứng và đã có rất nhiều tấm gương cảm động khi người có tiền góp tiền, người có sức góp sức, chia sẻ lẫn nhau. Việc khắc phục được hậu quả đại dịch có sự lãnh đạo sáng suốt của những người có trách nhiệm nhưng đồng thời sức mạnh toàn dân đã được khơi dậy. Vì vậy, bài học lấy dân làm gốc đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
""
Nhà báo Diệu Bình: Danh nhân Nguyễn Trãi đã khái quát cô đọng về sức mạnh của nhân dân như sau: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết sức dân như nước”. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng rất lớn của thế trận lòng dân qua các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin ông phân tích về nội dung này?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Câu nói này của Nguyễn Trãi, người tham gia cùng Lê Lợi lãnh đạo cuộc kháng chiến để cứu dân tộc Việt Nam thoát khỏi họa hủy diệt văn hóa. Bối cảnh lịch sử lúc đó là quân xâm lược nhà Minh có chủ trương hết sức tàn khốc nhằm hủy diệt văn hóa, tức là không để tờ giấy nào còn nguyên chữ, không để tấm bia nào được khắc in mà tồn tại. Chúng đập hết, phá hết, đốt hết. Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược đã phải nếm mật nằm gai, trải qua bao nhiêu hy sinh, gian khổ để giành được thắng lợi.
Qua những hoàn cảnh lịch sử thấy được vai trò của nhân dân nhưng bài học lịch sử của thế kỷ XV còn cho thấy sự thất bại của nhà Hồ. Trước khi quân Minh xâm lược, Hồ Quý Ly đã xây dựng một đội quân lên tới hàng triệu người với vũ khí rất hiện đại, có những tòa thành xây bằng đá, mỗi khối đá nặng tới 7 – 8 tấn. Hiện nay chúng ta biết, cả Đông Nam Á không có tòa thành nào kiên cố như thế. Vũ khí hiện đại, quân đội đông, thành cao hào sâu nhưng cũng chỉ cầm cự được 6 tháng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thất bại này? Đó chính là lòng dân oán thán.
Chúng ta nhớ câu chuyện về Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (con trai cả của Hồ Quý Ly) đã đau đáu về kế sách giữ nước. Cuối năm 1405, Hồ Quý Ly cho triệu tập hội nghị đặc biệt để bàn kế chống quân Minh. Khi được hỏi, Hồ Nguyên Trừng khảng khái nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”. Thực tế, Hồ Quý Ly không giữ được nước, không giữ được thành là do lòng dân không theo.
“Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” là triết lý từ gan ruột của Nguyễn Trãi, không phải chỉ từ những chiến thắng mà từ cả thất bại của triều Hồ. Từng đỗ Tiến sĩ triều Hồ, Nguyễn Trãi đã từng phụng sự triều Hồ và ông hiểu rằng, nhà Hồ không giữ được nước không phải Hồ Quý Ly không yêu nước, không ai nghi ngờ lòng yêu nước của ông nhưng Hồ Quý Ly không có kế sách đúng để giữ được lòng dân.
Ý nghĩa của triết lý “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, khi lật thuyền mới biết sức dân như nước” chính ở bối cảnh lịch sử đó. Tư tưởng Nguyễn Trãi truyền lại đến hôm nay là không phải chỉ tìm mọi cách để cấu kết lòng dân mà còn phải nuôi dưỡng sức dân, làm sao để giữ được lòng tin của dân. Đối với những người lãnh đạo, đối với những người cầm quyền, đó là những bài học còn nguyên giá trị.
Nhà báo Diệu Bình: Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta vừa phải chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, vừa xây dựng hậu phương lớn phục vụ tiền tuyến. Trong bối cảnh ngặt nghèo đó, sức mạnh nhân dân đã thể hiện ra sao, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn: Qua những bài học Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang đã nêu, chúng ta biết rằng, lịch sử dân tộc là dòng chảy không ngừng. Trong dòng chảy đó, chúng ta kế thừa những tinh hoa, những giá trị văn hóa truyền thống để từ đó có bài học cho hiện tại và cả trong tương lai.
Quá trình kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta đã kế thừa toàn bộ tinh hoa văn hóa dân tộc, trong đó có những tinh hoa về văn hóa quân sự. Để huy động lòng dân có nhiều cách, như câu chuyện về bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” hay “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”... Đó là những cách để tạo ra động lực tinh thần, sự đoàn kết và quan trọng nhất là tạo ra được thế trận lòng dân. Đó cũng chính là những bài học mà chúng ta đã học được và vượt qua những cuộc chiến gần đây.
Cuộc chiến tranh nhân dân là một thành tựu vĩ đại đã được đúc kết từ quá khứ như vậy. Khi giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh hay rất nhiều tấm gương từ những người phụ nữ, từ em nhỏ, từ người công nhân, hoặc là bất kỳ thành phần nào trong xã hội đều cống hiến sức lực, ý chí của mình để tạo ra sức mạnh dân tộc.
Tất cả câu chuyện đó cho thấy, sức mạnh của chúng ta đến từ nhân dân. Nếu có được lòng dân, có được sự tin tưởng của nhân dân, đó sẽ là sức mạnh vô địch. Để làm được điều đó, tất cả những hành động của chúng ta đều hướng đến xây dựng được niềm tin trong xã hội, lòng tin của tất cả mọi người.
Từ lòng tin đó, người dân có thể hy sinh xương máu của mình, hy sinh tất cả để giành được thắng lợi cuối cùng. Đó là bài học vô cùng quan trọng cho tới ngày hôm nay. Nếu làm được điều này sẽ phát huy được hết sức mạnh của đất nước và tạo ra thời cơ đưa đất nước tiến vào những giai đoạn mới.
Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh
Nhà báo Diệu Bình: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa thế nào với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay? Làm sao để quy tụ và phát huy sức mạnh này, thưa ông?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là lẽ sống còn, gần như là một chân lý và chúng ta cũng không cần phải phân tích nhiều. Tôi nghĩ rằng, từ những em nhỏ đến những người dân bình thường, cho đến những người gánh vác những trọng trách đều coi đó là những điều thiêng liêng. Làm sao để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và vun bồi ý thức xây dựng khối đoàn kết có lẽ là công việc mà chúng ta luôn luôn phải có ý thức một cách sâu sắc.
Một bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào để duy trì, phát huy, khơi dậy được tinh thần đoàn kết trong bối cảnh không hề đơn giản, khi đất nước đã phát triển và sự phân hóa người giàu, người nghèo ngày càng rõ ràng. Đây là quy luật phát triển bình thường. Chúng ta phải có điểm chung để tất cả cùng nhìn về một phía, không kể thành phần nào, hoàn cảnh hay địa vị xã hội ra sao, đó là lợi ích dân tộc. Trước đây, trong bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra rất rõ, khi quân địch đến, chẳng những bổng lộc của ta không còn, mà các ngươi cũng không còn, tức là có một lợi ích chung.
Tôi nghĩ rằng, cái cố kết nhân tâm, củng cố tinh thần đoàn kết đó là mọi chính sách đều phải coi lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là trên hết. Điều này trong các kỳ Đại hội Đảng đã nhắc đến, trong đường lối quán triệt, vận hành của các cấp ủy cũng như chính quyền các cấp cũng luôn luôn nói đến. Vì vậy, nếu những quyết sách, chủ trương, quyết định của các cấp lãnh đạo mà người dân nhìn thấy là vì dân vì nước, vì lợi ích của dân tộc, vì quyền lợi của quốc gia thì cái đó có giá trị rất lớn cho việc cố kết nhân tâm.
Điều thứ hai, để duy trì được khối đoàn kết, tôi rất chia sẻ ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn, đó là làm sao ngày càng củng cố lòng tin của người dân vào tương lai, tiền đồ của đất nước và vào Chính phủ, vào sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp, các cá nhân – những người có trách nhiệm. Đó chính là để duy trì và phát huy khối đoàn kết. Một khi lòng tin vào tiền đồ, lòng tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, tự nhiên người dân cùng nhìn vào một hướng. Hiện nay, xã hội có nhiều vấn đề phức tạp nhưng người dân đang nhìn vào những chủ trương, quyết sách của Đảng và Chính phủ để củng cố lòng tin. Đấy là giải pháp tôi cho rằng rất quan trọng.
Sau nữa, khi nói tới khối đoàn kết, làm sao cho mỗi người thấy lợi ích đó là lợi ích cho chính bản thân mình, chứ không phải là đoàn kết chung chung. Cách tuyên truyền hiện nay của chúng ta cũng để mọi người hiểu rằng, đoàn kết không phải vì cái gì chung chung, không xác định mà chính là cho chúng ta, cho gia đình mình, cho người thân mình. Lợi ích giữa cá nhân, giữa gia đình với cộng đồng, với quốc gia hòa làm một. Như vậy, khối đoàn kết sẽ vô cùng vững chắc.
Nhà báo Diệu Bình: Có ý kiến cho rằng, khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc chính là sức mạnh nội sinh của mỗi dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn: Tinh thần yêu nước là giá trị đặc biệt của người Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay rất cần có giá trị để từ đó định hướng hành vi của con người, hành vi của cả cộng đồng và của cả xã hội.
Nếu chúng ta có những giá trị phù hợp sẽ tạo ra những hành vi phù hợp, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Khi bàn về giá trị, chúng ta thấy được rằng có rất nhiều giá trị khác nhau và giá trị nào cũng hợp lý. Dù vậy, các nhà khoa học đều thống nhất cần phải lấy giá trị yêu nước là giá trị then chốt của văn hóa và đất nước Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, yêu nước là giá trị mang tính xuyên suốt và bất kỳ một dân tộc nào cũng có, trong thời đại nào cũng hợp lý, vì yêu nước mới giúp hình thành nên quốc gia dân tộc, thiếu đi tinh thần yêu nước không thể hình thành nên quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, hoàn cảnh đất nước ta lại rất đặc biệt như Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang đã phân tích, vì thế, chúng ta luôn nhấn mạnh về tinh thần yêu nước, coi đây là giá trị quan trọng nhất của dân tộc để hình thành nên sức mạnh dân tộc.
Khi xây dựng hồ sơ thờ cúng tín ngưỡng Hùng Vương ở Phú Thọ, chúng tôi nhận định đây là dấu mốc rất quan trọng, thể hiện tính cách, phẩm chất của con người Việt Nam. Chúng ta tôn thờ một vị tổ tiên chung có rất nhiều chức năng khác nhau và tạo dựng niềm tin, tinh thần đoàn kết là một trong số chức năng đó. Trong cuộc sống có thể còn những khác biệt nhưng khi chúng ta cùng chia sẻ tình yêu nước thông qua thừ phụng một tổ tiên chung là Vua Hùng, chúng ta sẽ cùng hướng đến một mục đích, cùng tạo ra một sức mạnh.
Đó là lý do tại sao phải giương cao ngọn cờ yêu nước, để trong bất kỳ hoàn cảnh, khó khăn nào, tình yêu nước cũng giúp chúng ta có sức mạnh. Chúng ta đã chứng kiến câu chuyện này trong thời kỳ chiến tranh, khi tinh thần yêu nước giúp có niềm tin vững chắc, vượt qua những hạn chế về kinh tế, về quân sự và đạt được chiến thắng cuối cùng.
Trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho thấy rất nhiều hình ảnh cảm động chạm đến trái tim của mỗi người. Những sự chia sẻ như ATM gạo hay vắc xin, khẩu trang… cho thấy tinh thần yêu nước, tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” và nhiều giá trị được hun đúc từ tinh thần yêu nước đã tạo ra một sức mạnh. Nếu tiếp tục tận dụng sức mạnh này, tiếp tục lấy tinh thần yêu nước, giương cao ngọn cờ đó để tập hợp quần chúng, tập hợp lòng dân, chúng ta sẽ còn nhiều thế mạnh, lợi ích nữa để đạt được trong tương lai.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa hai vị khách mời, việc xây dựng thế trận lòng dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh ngày nay giống và khác xưa thế nào?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Tình hình thế giới hiện nay hết sức phức tạp và cũng không dễ gì chúng ta giải đáp được. Trước khi đi vào vấn đề này, tôi có một vài ý kiến muốn nói thêm ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn về lòng yêu nước. Những ý kiến đó rất đúng nhưng chúng ta thấy lòng yêu nước không đơn giản chỉ là yêu quê hương mà còn yêu tương lai của đất nước mình, hướng tới những giá trị cao đẹp mà dân tộc này, quốc gia này ước mơ đi tới.
Tôi muốn nói tới khát vọng. Tại sao nhiều thế hệ hy sinh không phải cho họ mà cho tương lai của đất nước, cho con cái của họ nên khát vọng độc lập là để xả thân cho thế hệ mai sau. Chính vì vậy, chúng ta mới hiểu giá trị lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi thầy và trò nhân những ngày độc lập đầu tiên của năm 1946: “Non sông Việt Nam có bước tới đài vinh quang được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ công học tập của các cháu”. Đấy chính là lòng yêu nước. Yêu nước không chỉ yêu quê hương mình đang sống mà yêu về triển vọng, tương lai mà đất nước, dân tộc đi tới.
Khi Đại hội Đảng lần thứ XIII ra lời hiệu triệu là phải khơi dậy khát vọng trở thành quốc gia phồn vinh, tôi thấy trong nhân dân có một sự chuyển biến rất mạnh mẽ về ý thức, về tinh thần. Một lần nữa, tinh thần dân tộc được khơi dậy theo nghĩa là nhìn thấy tương lai của đất nước.
Mỗi thành tích của một cá nhân nào đó trên trường quốc tế, thành công của đội bóng nước nhà trong giải đấu quốc tế đều làm cho mọi người sôi sục lên như là ý thức về tinh thần yêu nước và nó được bày tỏ, được thể hiện ra.
Tôi nghĩ rằng, lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay cần phải nói nhiều, cần phải động viên tinh thần, ý thức để khơi dậy khát vọng, hướng tới tương lai của cả một dân tộc. Nó khó mà lại dễ, chưa bao giờ chúng ta sống trong hoàn cảnh phức tạp như hiện nay. Bạn đấy rồi thành thù, kẻ thù đó vẫn là đối tác. Lúc này, cần có nhìn nhận thật sáng suốt, thật tỉnh táo trong thế trận lòng dân. Cuối cùng trong bối cảnh thế giới hiện nay, lợi ích dân tộc vẫn là số một.
Chúng ta đã nói khá nhiều về thế giới phẳng, toàn cầu hóa, sự phát triển về khoa học kỹ thuật, về công nghệ, về thông tin… Dường như khoảng cách giữa các quốc gia, dân tộc được thu hẹp nhưng sự khác biệt giữa các dân tộc, lợi ích của mỗi quốc gia còn nguyên đó. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần phải củng cố ý thức dân tộc, chủ nghĩa yêu nước và thế trận lòng dân. Trong tương lai gần và xa, lợi ích dân tộc cần được bảo vệ một cách chặt chẽ, mạnh mẽ hơn. Cái đó không gì có thể thay thế được sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp lớn lao và thiêng liêng này của đất nước chúng ta.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn: Tinh thần chủ nghĩa yêu nước giống nhau ở trong bất kỳ giai đoạn nào, tuy nhiên, nội dung cụ thể lại khá khác nhau. Chính vì thế, cách thể hiện của tình yêu nước phải phù hợp với thời đại.
Trước kia, tình yêu quê hương đất nước của chúng ta là giành lại độc lập cho dân tộc. Mục tiêu giành lại độc lập cho dân tộc trở thành mong muốn, ước vọng của bất kỳ người dân nào. Chúng ta giành toàn bộ tâm sức, trí lực, của cải vật chất cho mục tiêu giành lại độc lập cho dân tộc là để thể hiện tình yêu nước.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, cũng là câu chuyện về tình yêu nước nhưng nó được thể hiện dưới nội dung khác. Đó là làm thế nào để thực hiện được khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đó là làm thế nào để có thể tự hào, tự tôn dân tộc và sánh vai với các cường quốc năm châu. Làm thế nào để kinh tế của chúng ta phát triển hơn…
Như vậy, tình yêu nước được hình thành, thể hiện qua hành động của mỗi người bằng cách phải học tập, phải phát triển kinh tế tốt hơn để GDP cao hơn, mức độ thu nhập bình quân đầu người cao hơn để có thể sánh vai với bạn bè năm châu.
Về văn hóa, làm thế nào để ứng xử một cách văn minh hơn cho mọi người thấy sức mạnh mềm, thấy hình ảnh của chúng ta lan tỏa những thông điệp tích cực. Đó là những câu chuyện cho thấy tình yêu nước đa dạng, muôn màu, muôn vẻ hơn.
Muốn làm như thế, mỗi người dân từ tầm vóc, từ cách tiếp cận có thể thể hiện lòng yêu nước theo cách riêng của mình. Điều đó là vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tình yêu nước được thể hiện bởi từng con người cụ thể theo nhiều cách, bằng khả năng của mình nhưng điều quan trọng nhất là tạo ra một vị trí, uy tín của quốc gia, một hình ảnh dân tộc đẹp đẽ hơn, hình thành nên sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm của dân tộc trong dòng chảy chung của thế giới.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Trước đây, lòng yêu nước thể hiện bằng ý chí quyết tâm giữ nước. Ngày nay, điều đó vẫn còn nguyên giá trị nhưng nó đã khác trước ở chỗ là làm sao xây dựng đất nước hùng cường để có thể sánh vai với các nước hùng cường trên thế giới. Hay nói cách khác, chúng ta không chỉ giữ độc lập, tự chủ của mình mà phải sánh vai các nước hùng mạnh trên thế giới.
Điều thứ hai cũng không kém phần quan trọng mà chúng ta đang làm, tức là lan tỏa hình ảnh của mình càng xa càng tốt, càng nhiều càng tốt. Đấy chính là sự khác biệt của tinh thần yêu nước trong thời đại ngày nay khi mối liên hệ giữa các quốc gia đã ngày càng rộng rãi.
Nhà báo Diệu Bình: "Thanh niên là rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định vai trò của thanh niên vô cùng to lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Xin ông đánh giá về vai trò của thanh niên với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn: Chúng ta luôn nhận thức rằng, thanh niên là tương lai của dân tộc. Chính vì thế, có một thế hệ thanh niên đầy đủ phẩm chất đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước thì sẽ có một tương lai tươi sáng cho dân tộc.
Đó là lý do tại sao, bất kỳ một giai đoạn nào trong lịch sử dân tộc, vai trò của thanh niên luôn luôn được đánh giá cao. Tôi thấy ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang rất hay ở chỗ, trong mỗi thời kỳ chúng ta có thuận lợi và khó khăn riêng. Ví dụ như thuận lợi ngày hôm nay có rất nhiều, thanh niên có sự tiếp cận với các thành tựu văn minh trên thế giới. Họ có điều kiện tốt về vật chất, về kinh tế hay rất nhiều yếu tố tạo thuận lợi khác cho sự phát triển của thanh niên.
Tuy nhiên lại cũng có rất nhiều khó khăn nên có lúc chúng ta nhìn thanh niên với con mắt lo ngại, ví dụ như thiếu lý tưởng sống bởi bối cảnh xã hội hiện nay, họ bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố.
Thứ nhất, nền kinh tế thị trường khiến cho lợi ích vật chất chi phối con người rất nhiều, đặc biệt là thanh niên đang trong lứa tuổi chưa hình thành vững chắc bản lĩnh của mình. Những lợi ích vật chất đó khiến cho họ bị chi phối bởi câu chuyện: làm gì cho cá nhân mình hơn là làm gì cho cộng đồng.
Thứ hai, quá trình hội nhập quốc tế với những bóng bẩy, hào nhoáng đến từ nước ngoài nhiều khi thanh niên chưa phân biệt được cái tốt, cái chưa tốt, cái gì phù hợp hay chưa phù hợp. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội khiến cho thanh niên lạc lối trên không gian mạng là điều không mong muốn...
Nhìn thấy được những thuận lợi, khó khăn, chúng ta mong muốn toàn bộ sức mạnh của dân tộc được thể hiện qua vai trò của thanh niên, để họ có bản lĩnh văn hóa, sự tự tin nhất định, từ đó xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời thanh niên chuyên chở những khát vọng của cha ông, những gì cha ông đã hy sinh, cố gắng để có được một cơ đồ như ngày hôm nay và truyền tải toàn bộ vào tương lai. Chúng ta mong muốn sức mạnh đó thanh niên thực hiện tốt và đáp ứng trong tương lai.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Gần đây, tôi nghe một số ý kiến không hài lòng, cho rằng thanh niên bây giờ không chú ý đến truyền thống, lo chạy theo việc kiếm tiền hay chú ý nhiều đến hưởng thụ.
Nhận xét đó cũng có lý nhưng điều vượt lên trên những nhận xét mang tính chất phiến diện như vậy là tương lai của một dân tộc nằm trong tay thế hệ trẻ. Xưa nay những lớp người lớn tuổi luôn lo lắng cho lớp trẻ có cáng đáng được sứ mệnh, có đáp ứng được kỳ vọng hay không?
Thực tế cho thấy, hàng nghìn năm bao giờ cũng xứng đáng trao cho họ. Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào thế hệ trẻ hiện nay. Đó là một thế hệ trẻ có điều kiện học hành, tiếp thu các kiến thức về khoa học, công nghệ, có hiểu biết về thế giới hơn các bậc cha anh rất nhiều. Vì vậy, họ có cách thể hiện và thực hiện vai trò theo cách của họ.
Tôi hoàn tin tưởng vào thế hệ trẻ. Chúng ta phải thấy thực tế, không thể lấy những giá trị ở một giai đoạn lịch sử nào đó, của một lớp người nào đó để làm chân lý cho những thế hệ tiếp theo hoặc những lứa tuổi tiếp theo. Ý tôi muốn nói là sự nhìn nhận về cuộc sống, về nhân sinh quan có những khác nhau.
Điều quan trọng là có kim chỉ nam để tất cả các thế hệ hướng hành động của mình vào, cho dù lứa tuổi nào, ở giai đoạn nào, đó là lợi ích dân tộc. Anh làm như vậy có đi ngược lại lợi ích dân tộc hay không? Có làm lợi cho quốc gia hay không? Đấy chính là kim chỉ nam và cái đó sẽ được cộng đồng điều chỉnh, mọi người trong xã hội chấp nhận, họ khích lệ hoặc họ phản đối.
Với những gì thanh niên Việt Nam đã thể hiện, tôi hoàn toàn tin tưởng. Còn những khác biệt như về âm nhạc, loại hình nghệ thuật thì không vì thế mà cho rằng thế hệ sau không tiếp nối những gì mình đã làm. Sự khác biệt của thế hệ chỉ là sự khác biệt về lứa tuổi, về điều kiện, về hoàn cảnh, về sở thích, còn điều lớn hơn như tôi nói, nó là kim chỉ nam cho hành động sẽ không đổi.
Nhà báo Diệu Bình: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lòng dân tiếp tục quy tụ với quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu thống nhất đất nước. Giai đoạn sau, thời kỳ đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, nền kinh tế phải đối mặt với hàng loạt thách thức, đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn… Ở bối cảnh này, sức mạnh toàn dân đã được thể hiện rõ nét như thế nào?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Điều có tính quy luật là bất cứ dân tộc nào cũng trải qua những thang bậc như vậy. Nếu một quốc gia có chiến tranh, nó có bối cảnh của thời chiến và lúc đó tất cả mọi người nhằm vào mục đích giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh, nhất là những cuộc chiến tranh vệ quốc, chiến tranh yêu nước. Chúng ta đã trải qua một thời kỳ như thế.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lúc đó toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dốc hết tất cả sức lực, tinh túy cho chiến trường, cho thắng lợi. Tôi cũng là một trong những sinh viên nhập ngũ và tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc được huy động vào lực lượng vũ trang. Lúc đó tất cả những suy nghĩ khác đi đều lạc lõng, đều bị đào thải, lên án. Nhờ vậy, chúng ta đã tập trung công sức cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Giai đoạn sau khi giành được thắng lợi, thời kỳ hậu chiến, nước nào cũng vậy. Hậu chiến là hậu quả chiến tranh, là đói, là thiếu thốn, là đòi hỏi quyền lợi. Chúng ta cũng không nằm ngoài quy luật này và đã trải qua giai đoạn này. Rất mừng, chúng ta đã nhanh chóng vượt qua, khắc phục bằng công cuộc đổi mới với rất nhiều thành tựu hết sức vĩ đại. Hiện nay, chúng ta đã đến một giai đoạn bước vào thời kỳ phát triển. Có thể ví như sau thời kỳ hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới như đã sang sửa mặt bằng, xây dựng được đường băng, đào tạo phi công và đến giờ cất cánh.
Khi chuẩn bị cất cánh, yêu cầu cao hơn nhiều, đòi hỏi mọi công đoạn phải được chuẩn bị rất tỉ mỉ, cẩn thận và không được phép sơ suất. Đây chính là lúc chúng ta hướng tới một mục tiêu cao hơn, lớn hơn là đất nước mình phải trở thành quốc gia hùng cường, phải sánh vai với các nước phát triển trên thế giới. Cố kết lòng dân chính là mục tiêu đó.
Đảng đã đưa ra lời kêu gọi là khơi dậy khát vọng. Khát vọng chính là cái cố kết lòng dân rất có hiệu quả. Đây không chỉ là bảo vệ, xây dựng đất nước một cách chung chung mà mục tiêu rõ ràng là cùng nhau gắng sức, mỗi người đóng góp theo vị trí của mình, theo tài trí của mình để đưa đất nước đi lên, vào hàng ngũ những nước văn minh, phát triển trên thế giới. Cái cố kết lòng dân hiện nay là làm sao để mỗi người thúc đẩy được khát vọng phát triển của dân tộc.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông, cần làm gì để khơi dậy lòng yêu nước, nâng cao ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giới trẻ hiện nay khi sự hội nhập diễn ra ngày càng sâu rộng về mọi mặt?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn: Để thanh niên tự tin vào tương lai và sức mạnh của đất nước, trước hết phải nâng cao nhận thức của thanh niên. Nhận thức này vô cùng quan trọng vì nó quyết định hành vi của thanh niên, đặc biệt trong bối cảnh xã hội có rất nhiều yếu tố phức tạp, ảnh hưởng đến nhận thức của họ.
Tôi đồng ý với ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang là cần phải tin vào thanh niên. Trên thực tế, chúng ta luôn giữ niềm tin đó nhưng cũng phải giữ cho họ một cái đầu tỉnh táo vì bất kỳ một sự khen ngợi thái quá, thậm chí chưa quá cũng khiến họ dễ chủ quan. Điều đó rất nguy hại trong bối cảnh thế giới cạnh tranh như ngày hôm nay.
Chính vì thế, cần nâng cao nhận thức cho thanh niên để họ hiểu rằng đang đứng ở đâu trong dòng chảy phát triển của đất nước. Họ cần những hành trang gì để có sự tự tin và phát triển bản thân, từ đó có lợi cho đất nước. Điều này vô cùng quan trọng bởi quá trình hội nhập quốc tế khiến rất nhiều thanh niên trở thành bản sao văn hóa của các nước khác.
Chúng ta mong muốn thế hệ thanh niên là những người Việt Nam mang tinh thần Việt Nam, mamg hoài bão và ước vọng của Việt Nam. Chỉ khi họ có bản lĩnh, tự tin về chính văn hóa của mình, về đất nước, về tương lai dân tộc của mình, họ mới trở thành sức mạnh của dân tộc và giúp đạt được ước mơ của chúng ta. Đó là những yếu tố quan trong nhất.
Bên cạnh câu chuyện nhận thức, chúng ta cần có những hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho thanh niên. Phải thừa nhận rằng, đất nước ta không thiếu những con người tài năng có bản lĩnh và ý chí nhất định. Tuy nhiên, chúng ta cần hoàn thiện hơn nữa môi trường, hệ thống pháp luật, thể chế để tạo điều kiện cho thanh niên cống hiến nhiều hơn cho đất nước, dân tộc.
Trong xã hội hôm nay, có lúc chúng ta còn lúng túng trong việc xác định những hình mẫu chuẩn mực, phát triển đất nước, văn hóa. Vì vây, cần có những nhân vật anh hùng, những tấm gương người tốt việc tốt, gương điển hình truyền cảm hứng để từ đó định hướng tư duy, hành động cho thanh niên. Đó là những bài học, giải pháp mà chúng ta cần thực hiện.
Văn hóa là hồn cốt của dân tộc
Nhà báo Diệu Bình: Vấn đề xây dựng thế trận lòng dân đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức, đặc biệt giữa bối cảnh có nhiều thế lực thù địch chống phá, tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường. Xin ông chỉ rõ những nguy cơ và thách thức này là gì? Chúng ta cần làm gì để tiếp tục củng cố, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong giai đoạn mới?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Càng ngày, tôi càng nhận ra một điều, lợi ích của dân tộc, quốc gia không phải lúc nào cũng thuận chiều với quyền lợi của những nước khác. Đấy dường như là một quy luật của thế giới đa cực, đa chiều và chúng ta chấp nhận điều đó.
Hiện nay, chúng ta đang sống với những tác động của quy luật ấy. Điều đáng mừng là những tác động trái chiều, thậm chí thù địch ấy không có tác động bao nhiêu đến đất nước, có lẽ bởi thế trận lòng dân của chúng ta vẫn vững. Tức là người dân của mình vẫn một lòng tin tưởng vào tiền đồ, tương lai của đất nước, vẫn tin vào những cơ quan lãnh đạo đang vận hành đất nước. Có một thực tế để đi tới nhận định như vậy nên những việc cần phải làm còn rất nhiều song làm sao để chúng ta có được hai chữ tự tin là điều cực kỳ quan trọng.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 là sự kiện rất quan trọng vì sau gần 80 năm mới có hội nghị lần thứ 3, tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài tổng kết, trong đó nhấn mạnh, văn hóa là hồn cốt của dân tộc.
Đấy chính là luận điểm cực kỳ quan trọng để chúng ta hiểu rằng, đất nước này có được sự vững vàng, có sự phát triển bền vững chính là nằm ở hai chữ “văn hóa”. Vì vậy, tôi suy nghĩ rằng, học rất tốt, rút kinh nghiệm nước ngoài rất tốt, lứa trẻ hiện nay hướng ra những nước văn minh cũng rất cần thiết nhưng nên nhớ một điều, chúng ta có thể phát triển mạnh và sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói hay không? Vậy chúng ta phải biến tất cả những gì của mình thành lợi thế cạnh tranh thì mới hy vọng sánh vai với họ được, còn đi học người ta mãi mãi chỉ là học trò, cùng lắm là học trò giỏi. Chúng ta phải biết đứng trên đôi chân của mình bởi nhìn lại thấy chúng ta có được những kỳ tích, những phi thường trong lịch sử là toàn làm theo cách của mình, đứng trên đôi chân của mình.
Trở lại câu chuyện kháng chiến chống Pháp, tôi có may mắn được chứng kiến, học hỏi trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng có nói rằng, các nhà sử học đừng bao giờ đánh giá thấp tướng lĩnh của các quốc gia xâm lược mình, họ rất giỏi, họ tính toán không chệch đi đâu nhưng chỉ có điều, họ không hiểu được người dân Việt Nam. Chẳng hạn như chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, làm sao bằng những lý thuyết quân sự hoàn chỉnh của họ hiểu được rằng chúng ta đã giải quyết bài toán hậu cần và hậu phương thông qua hàng vạn cái xe đạp, không có tài liệu nào, không có sách vở nào, trường lớp nào dạy như thế. Cái đó là ta đi trên đôi chân của mình, bằng cách của mình, văn hóa của mình.
Về câu chuyện đang bàn hiện nay, trong giai đoạn mới khó khăn rất nhiều nhưng rõ ràng phải nhận thức một cách thật tinh tế ý tưởng của lãnh đạo rằng: Tại sao lại tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào lúc này? Bởi lần trước đó, chúng ta vừa bước vào cuộc kháng chiến một thời gian, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là để động viên sức mạnh dân tộc ta giành chiến thắng, nhưng bây giờ Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, gọi là thời kỳ cất cánh, thời kỳ phát triển mạnh. Đây là lúc chúng ta phải ý thức để cố kết lòng dân, huy động toàn bộ sức mạnh, phải biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh, tất cả mọi người sẽ đồng tâm, hiệp lực, thực hiện mục tiêu cao cả.
Nhà báo Diệu Bình: Năm 2022 là năm thứ 2, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đi vào thực tiễn cuộc sống. Xin ông đánh giá về những kết quả cũng như hiệu quả trong công tác xây dựng và thực hiện thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn: Chúng ta thấy rằng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có rất nhiều quan điểm tư tưởng đề cập đến câu chuyện thế trận lòng dân. Cách triển khai chính là cách chúng ta xây dựng niềm tin cho thế trận lòng dân đó.
Điều này thể hiện qua rất nhiều hành động cụ thể. Chúng ta biết rằng, mọi quan điểm trên giấy tờ, mọi lý thuyết phải có những minh chứng cụ thể để tạo ra niềm tin. Sau khi đã có Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, lần thứ hai năm 1948 và năm 2021 chúng ta tiếp tục tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Câu chuyện văn hóa của thời đại ngày hôm nay khá là khác so với ngày hôm qua hay là khi chúng ta bước vào cuộc chiến. Chúng ta cần phải khơi dậy ý chí về độc lập dân tộc, tinh thần yêu nước, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Việc này chỉ có thể thực hiện được khi có sự chung tay, chung sức của toàn dân tộc. Hội nghị Văn hóa toàn quốc một lần nữa nhấn mạnh câu chuyện “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa là hệ điều tiết cho sự phát triển của đất nước, văn hóa còn thì dân tộc còn. Những câu chuyện đó chắc chắn sẽ được cụ thể hóa bằng những sản phẩm hết sức cụ thể.
Chẳng hạn như việc phát triển công nghiệp văn hóa, tưởng đó là của nền kinh tế thị trường nhưng không phải. Chúng ta chỉ hình thành được tinh thần yêu nước từ những sản phẩm văn hóa hết sức cụ thể, từ những bài hát, những bộ phim, những câu chuyện. Tất cả những sản phẩm đó lan tỏa tinh thần yêu nước phù hợp bối cảnh xã hội ngày hôm nay.
Thứ hai, công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta đã đạt được rất nhiều kết quả và tạo ra được niềm tin vững chắc của nhân dân. Niềm tin đó là hạt nhân then chốt của thế trận lòng dân. Qua những kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vụ việc, những cán bộ chủ mưu ở bất kỳ cấp nào đều được xử nghiêm. Đó chính là yếu tố tạo nên niềm tin cho quần chúng, cho nhân dân.
Từ khi tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, càng ngày chúng ta thực hiện càng tốt. Tất cả những câu chuyện đó truyền cảm hứng cho dân tộc, tạo ra niềm tin cho tất cả mọi người rằng sẽ có một tương lai tươi sáng với những hành động hết sức cụ thể, để hưởng ứng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII. Điều đó giúp cho chúng ta củng cố thế trận lòng dân.
Nhà báo Diệu Bình: So với các kỳ đại hội trước, trong tình hình mới thế trận lòng dân được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Trước hết phải thấy được những giá trị là hằng số không bao giờ thay đổi là lãnh đạo Đảng bao giờ cũng coi thế trận lòng dân, vai trò của nhân dân rất quan trọng, quyết định sự thành bại. Nhân dân là phạm trù được ví quan trọng bậc nhất cho sự trường tồn của một dân tộc. Từ Đại hội I cho đến Đại hội XIII bao giờ cũng coi trọng vị trí của nhân dân.
Tuy nhiên hiện nay, bối cảnh lịch sử đã có rất nhiều đổi khác, đất nước chúng ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như hiện nay. Có thể thấy, cái cần nhất của việc cố kết lòng dân hiện nay là lòng tin và gần như chúng ta đang làm tương đối tốt công việc này.
Một thời kỳ, nạn tham nhũng hoành hành, là quốc nạn nên dân chúng có phần suy giảm lòng tin với lãnh đạo. Tuy nhiên, với thực tế công cuộc phòng chống tham nhũng ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt không có vùng cấm, niềm tin đang dần trở lại, lòng tin của người dân ngày càng tăng lên một cách rõ rệt. Đối với sức mạnh của cộng đồng, cái đó rất là quan trọng.
Ngoài ra, nó liên quan đến đời sống, đến chính sách an sinh xã hội và điều đó cũng đang làm tốt. Thế nhưng, chúng ta phải chú ý tới lực lượng tinh hoa. Nếu như cố kết toàn dân là lòng tin nhưng tinh hoa phải có chiến lược nhân tài. Tại sao thế kỷ XV thời vua Lê Thánh Tông, người ta nói là người tài lũ lượt ra giúp nước. Chính sách sử dụng nhân tài thể hiện trong Văn bia Đại Bảo: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.
Vai trò của đội ngũ hiền tài lớn đến như vậy nên trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, bên cạnh việc củng cố lòng tin của người dân, phải tăng cường hơn nữa những chính sách trọng dụng nhân tài. Từ đó có được những người đủ sức thi thố với thế giới, đủ sức đưa ra tài trí của mình phát triển đất nước đáp ứng yêu cầu của tình hình thế giới. Bối cảnh hiện nay khác trước ở chỗ đó và nhìn vào những chính sách, đường lối mới của Đảng và Nhà nước thì có thể thấy, chúng ta đang triển khai theo hướng này.
Bên cạnh tăng cường củng cố lòng dân, làm trong sạch Đảng nhưng đồng thời đã tìm cách phát huy được tài trí của đội ngũ tinh hoa. Đến lúc chúng ta phải làm sao để người tài thực sự là nguồn nguyên khí của quốc gia. Chiến lược nhân tài của chúng ta sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin cho toàn dân cũng như có bước phát triển mới của đất nước.
Nhà báo Diệu Bình: Những năm qua, công tác xây dựng thế trận lòng dân đã được chúng ta triển khai và thực hiện ra sao? Xin ông cho biết một số kết quả điển hình?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn: Thế trận lòng dân của chúng ta trong những năm vừa qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Theo tôi, thành tựu lớn nhất là chiến lược thế trận lòng dân đã được thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp và quy củ. Từ đó, lan tỏa được những thông điệp tích cực mà chúng ta mong muốn chuyển tải đối với người dân trong nước cũng như quốc tế. Chính vì lý do đó nên qua các khảo sát của thế giới, niềm tin của người dân Việt Nam với Chính phủ ở mức rất cao so với khu vực và trên thế giới. Điều đó chứng tỏ, thực sự đã có những thành công nhất định trong công cuộc xây dựng thế trận lòng dân.
Có thể kể đến câu chuyện liên quan đến dịch Covid-19. Dù đã trải qua một thời kỳ khó khăn nhưng so với nhiều nước, việc chống dịch Covid-19 của ta tốt hơn rất nhiều. Để có được thành công đó, không phải vì chúng ta có kinh tế tốt hơn rất nhiều nước khác hay có hệ thống y tế tốt hơn mà chính nhờ thế trận lòng dân, có sự tin tưởng của người dân.
Khi Nhà nước đề nghị người dân chung tay, chung sức với khẩu hiệu: “Ở nhà là yêu nước”, hay tiêm vắc xin là yêu nước, hay hưởng ứng 5K là mọi người đều tuân thủ theo phương châm hành động đó. Tất cả đã giúp chúng ta có được kỷ luật sắt, có được sự đồng lòng, nhất trí, hay có sự chia sẻ của tất cả người dân trong những khó khăn của đất nước, từ đó vượt qua được.
Đây là những biểu hiện cụ thể, không thể chối cãi về việc triển khai rất tốt thế trận lòng dân. Nó thực sự có ý nghĩa khi tận dụng được sức mạnh của dân tộc, vận dụng bài học mà cha ông đã đúc kết trong lịch sử để có được những thành công của ngày hôm nay.
Nhà báo Diệu Bình: Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm “lấy dân làm gốc”. Người khẳng định: “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa”. Vậy nhân hòa được hiểu thế nào? Chúng ta đã kế thừa tư tưởng này ra sao trong thời đại mới?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là một chân lý phương Đông để giải thích cho thắng lợi hay thành công nào đó. Nếu không hội tụ đủ 3 yếu tố đó sẽ rất khó thành công. Tuy nhiên, trong 3 yếu tố này, con người vẫn là quyết định, thiên có thời mấy, địa có lợi mấy nhưng nhân không hòa thì không thành công. Hai yếu tố trên làm cho thành công đó thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn mà thôi, còn con người mới là quyết định.
Khi nói đến nhân hòa, chúng ta phải hiểu rằng, nhân hòa có một bộ phận tinh hoa, tức là phải có đoàn kết, đồng lòng như câu chuyện chống quân xâm lược Mông – Nguyên. Chúng ta phải có một khối cố kết, đoàn kết của cộng đồng rộng lớn. Ta nói đến dân tộc là nói đến cộng đồng cả nước, bách tính trăm họ.
Thứ nhất là phải có lòng tin vào thắng lợi, tin vào những người dẫn dắt mình, cái đó rất quan trọng liên quan đến khái niệm nhân hòa. Quay lại câu chuyện mất nước của Hồ Quý Ly ở đầu thế kỷ XV, ông không phải có được tất cả những yếu tố đó trong tay nhưng thiếu lòng tin. Họ không tin vào ông lãnh đạo, không huy động được lòng người.
Thứ hai, khi đã có lòng tin thì đồng tâm, nhất trí để có thể đoàn kết. Yếu tố nhân hòa thể hiện trong cuộc kháng chiến chống Minh của nghĩa quân Lam Sơn “khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi Huyện quân không còn một toán”, hết cả người lẫn lương thực, họ vẫn kiên trì nếm mật, nằm gai để giành thắng lợi. Hai cuộc kháng chiến gần đây nhất cho thấy rất rõ sự đồng tâm nhất trí.
Thứ ba, nói đến nhân hòa là họ có thể xả thân để đóng góp, như câu chuyện “xe chưa qua, nhà không tiếc” ở Hà Tĩnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó không còn cái gì có thể cao quý hơn là mục đích giành thắng lợi. Nhân hòa ở đây phải hiểu là có được lòng tin, có được sự đồng thuận và có được sự xả thân.
Trong chiến tranh, điều này thấy rất rõ. Trong sự nghiệp xây dựng cần phải hiểu sâu sắc hơn, không thể nhìn một cách đơn giản như trong chiến tranh. Đến bây giờ, những vấn đề này chúng ta cần phải nhìn ở tầm cao mới. Đó là sự tin tưởng, phải có một điểm nhìn là có phục vụ lợi ích quốc gia hay không? Có vì lợi ích của nhân dân hay không?
Tiếp đến là đồng lòng, sụ đồng lòng ở đây là hướng tới khát vọng nào đó, tự nhiên mọi người sẽ làm theo với khả năng, góc độ của mình. Bây giờ không còn phải hô khẩu hiệu mà phải cân nhắc xem nó có hợp lý không? Ví dụ như một chính sách thu phí, nhân dân có ý kiến phản ứng, lãnh đạo phải xem xét cái đó có phù hợp hay không phù hợp.
Bác Hồ nói rằng, yếu tố con người có vai trò quyết định và tôi vi phân nó ra, đó là lòng tin, là sự đồng thuận, đó là sự xả thân. Trong bối cảnh hiện nay, phải có những chính sách phù hợp thì mới có những yếu tố làm nên nhân hòa.
Dân vận để tạo sự đồng thuận
Nhà báo Diệu Bình: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Xin ông phân tích rõ hơn câu nói này của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn: Dân vận ở đây là sự vận động người dân để tạo sự đồng thuận, đồng lòng, đồng tâm, nhất trí. Từ đó tạo sự đoàn kết, sức mạnh. Nói thì tưởng là dễ vì chúng ta nói rằng, tất cả mọi người phải vì lợi ích dân tộc, đã vì lợi ích dân tộc thì không ai có tranh cãi gì. Họ sẵn sàng hy sinh thân mình vì dân tộc, vì tình yêu đất nước nhưng trên thực tế, đây không phải câu chuyện đơn giản. Trong thời kỳ chiến tranh đã không đơn giản, thời kỳ hòa bình càng không đơn giản.
Tất cả những câu chuyện này chung quy liên quan đến câu chuyện về lợi ích. Trong xã hội có rất nhiều lợi ích khác nhau và lợi ích này đến từ những nhận thức khác nhau. Ai cũng vì lợi ích của riêng mình, làm sao cho mình được cơm ngon, áo đẹp, hay là những lợi ích cho gia đình của mình rồi mới nghĩ xa xôi đến lợi ích chung của dân tộc.
Làm thế nào chúng ta vượt qua được suy nghĩ nhỏ đó mà nghĩ đến vấn đề lớn của quốc gia, dân tộc là cần có vận động khéo, vận động tốt để mọi người từ bỏ những giấc mơ nhỏ, hướng đến giấc mơ chung của cả dân tộc. Khi có giấc mơ chung của cả dân tộc, nó sẽ có lợi ích đến từng người. Để làm được điều đó, chúng ta phải dân vận rất tốt để tạo ra nhận thức tốt, từ đó tạo ra hành vi tốt. Đó là ý nghĩa của việc dân vận.
Nhà báo Diệu Bình: Công tác dân vận là một nhiệm vụ quan trọng nhằm vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh:“Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”. Để hoàn thành mục tiêu này, chúng ta cần thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Dân vận là công tác cực kỳ quan trọng để chúng ta có được khối đoàn kết toàn dân, để có được sự đồng thuận của nhân dân, sự tin tưởng của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng.
Khi thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, quân đội đầu tiên của chúng ta là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tức là tuyên truyền để nhân dân hiểu mục đích là chúng ta giành độc lập, khôi phục lại quốc gia bị thực dân Pháp đô hộ suốt gần 1 thế kỷ.
Nhiệm vụ trước khi chúng ta đánh đồn là phải tuyên truyền cho nhân dân, qua đó mới thấy vai trò của tuyên truyền thực chất là dân vận quan trọng nhường nào. Tôi được biết, trong bối cảnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn học tiếng dân tộc và nói được rất nhiều thứ tiếng, bởi vào vùng đồng bào dân tộc phải nói chuyện với đồng bào bằng tiếng dân tộc. Đây là câu chuyện của lịch sử.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ tuyên truyền rất quan trọng để hiểu rõ được đường lối chủ trương chính sách của Đảng, nhất là những chính sách đối với nhân dân. Tổng Bí thư đã nhiều lần nhắc nhở, tuyên truyền phải bằng chính tấm gương của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tấm gương đó, hành động đó có tác dụng gấp nhiều lần so với lời nói. Một khi mình nói là vì dân, vì nước nhưng quan sát thấy cuộc sống, tác phong của người lãnh đạo không giống như thế rất khó thuyết phục người dân. Vì vậy, bất cứ lúc nào, việc dân vận rất quan trọng.
Hiện nay, khi đất nước phát triển, sự gần gũi giữa những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền với dân cần hơn bao giờ hết. Phải làm sao người dân thấy rằng đấy là những người đại diện cho họ, là những người gần gũi, hiểu biết những mong muốn, nguyện vọng của họ.
Tôi cũng suy nghĩ, trao đổi với nhiều người việc Tổng Bí thư nhiều lần nói đến chuyện phải củng cố hệ thống pháp luật, để quyền lực phải được pháp luật giám sát, “trói” quyền lực trong “giỏ” pháp luật để người ta không tự tung, tự tác. Nhưng pháp luật có hoàn thiện đến đâu cũng không kín hết được. Đó là quy luật vì pháp luật phải luôn luôn được hoàn thiện, luôn có lỗ hổng, luôn có chỗ để người ta khai thác thì có một “lưới trời lồng lộng” là nhân dân.
Khi làm dân vận, bày tỏ sự tin cậy với dân, chúng ta vẫn nói dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… Về mặt quan điểm là rất tốt nhưng trên thực tế, cần cơ chế, giải pháp để người dân có vai trò thực trong rất nhiều quyết định của Đảng, Nhà nước. Ví dụ như chống tham nhũng, nếu chúng ta nhìn và tin vào tai mắt của nhân dân sẽ sớm ngăn chặn được rất nhiều những hành vi phạm pháp, hoạt động tham nhũng. Mặc dù chúng ta vẫn nói về quan điểm này nhưng thực tế vẫn chưa có sự tương thích giữa những quy định pháp luật với việc lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh hiện nay có lẽ phải sớm tính đến chuyện luật hóa những tiếng nói của dân. Quốc hội thực chất là nơi phản ánh nguyện vọng, tiếng nói của dân làm sao có cách tiếp thu và biến nó thành kênh chính thức để đi tới những quyết định cũng như có thể làm tốt công tác dân vận.
Nhà báo Diệu Bình: Ông nghĩ sao về sự ảnh hưởng của truyền thông đến công tác xây dựng thế trận lòng dân ở nước ta? Làm sao để phát huy hơn nữa vai trò của công tác tư tưởng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc giai đoạn này?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn hóa Bùi Hoài Sơn: Truyền thông có vai trò hết sức quan trọng trong xã hội hôm nay. Chúng ta đang sống trong xã hội truyền thông, xã hội thông tin vì ở đó nhận thức của chúng ta đều đến từ phương tiện truyền thông. Nhiều người cho rằng, hơn 80% những gì chúng ta biết là từ thông tin và truyền thông, chúng ta không có kinh nghiệm trực tiếp với cuộc sống này.
Chính vì lý do đó, những gì biết được từ truyền thông quyết định để điều chỉnh hành vi của chúng ta trong cuộc sống. Đó là lý do tại sao cần hình thành một môi trường tích cực, lành mạnh, phù hợp với thế trận lòng dân từ thông tin truyền thông. Cần những thông tin tích cực, lấy cái tốt dẹp cái xấu để đề cao những tấm gương đạo đức, đề cao giá trị chúng ta thượng tôn.
Các thông tin của người dân rất quan trọng, Quốc hội đang họp và thảo luận Luật Thực hành dân chủ cơ sở, là điều chúng ta mong muốn rằng người dân trở thành kênh tai mắt để giám sát tốt hơn. Tất cả những vấn đề này được nối dài, phát huy bởi các phương tiện truyền thông. Nếu chúng ta đưa phương tiện truyền thông này tới người dân, người dân phản ánh thông tin đến các phương tiện truyền thông, việc giám sát sẽ giúp làm tốt hơn thế trận lòng dân và tạo thêm niềm tin với những quyết sách của Đảng, Nhà nước. Điều đó vô cùng quan trọng để tạo ra môi trường tích cực, giúp có được thế trận lòng dân tốt hơn.
Nhà báo Diệu Bình: Qua các kỳ Đại hội Đảng, nhiệm vụ xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân đã được xác định và điều chỉnh phù hợp ra sao, thưa ông?
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Cách đây hàng nghìn năm, chúng ta đã nhận thức được sức mạnh của lòng dân nên danh nhân Nguyễn Trãi, người có rất nhiều tổng kết cuộc chiến tranh nhân dân thế kỷ thứ XV đã đưa ra cả quan điểm công tâm dựa vào lòng dân. Đó là chủ trương rất lớn, nhất quán ở trong tất cả giai đoạn lịch sử.
Đến thời kỳ Đảng ta ra đời là một bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt khi đất nước đã hoàn toàn mất chủ quyền nên những đảng chính trị như Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có lòng yêu nước và sức mạnh của nhân dân, ngoài ra không có gì. Do đó, ý thức sâu sắc của những người lãnh đạo cách mạng là làm sao để huy động được toàn dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Trong tất cả các kỳ Đại hội đều toát lên quan điểm chỉ đạo là phát huy mức cao nhất lòng dân, tinh thần đoàn kết… từ đó biến thành những chủ trương, quyết sách lớn.
Sau một loạt những công việc đã triển khai, đến nay chúng ta đã có một chiến lược xây dựng thế trận lòng dân không chỉ trong lực lượng vũ trang, quân đội, công an mà là toàn Đảng, toàn dân, tất cả các cấp chính quyền đều có tư tưởng thực hiện chiến lược này.
Tôi nghĩ rằng, thế trận lòng dân gồm cả việc bố trí lực lượng đến việc giáo dục ý thức đối với mỗi người dân tới việc làm sao thế trận lòng dân chúng ta có một sức mạnh vật chất cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Đến nay, khi đã có chiến lược thế trận lòng dân, có thể nói rằng đường lối của Đảng trong việc huy động sức mạnh toàn dân tộc cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước đến thời kỳ hoàn chỉnh. Chúng ta đang ở thời kỳ sung sức, tổng kết toàn bộ lịch sử rất dài của các giai đoạn khác nhau và chúng ta thành công trong các giai đoạn dựng và giữ nước.
Xuân Quý, Hà Tiến, Thúy Tình, Ngân Phương, Thanh Hùng, Ngọc Ánh