Trong chiến lược phát triển, Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng KH&CN, coi KH&CN là bàn đạp và động lực để phát triển.
Vinaseed đã tăng cường đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo và hiện đại hóa cơ sở
vật chất kỹ thuật cũng như chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện công
nghiệp hóa ngành giống.
Mạnh dạn đầu tư ứng dụng KH&CN
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty cho biết,
tại thời điểm cổ phần hóa năm 2003, vốn điều lệ của Vinaseed chỉ có 13 tỷ đồng.
Khi ấy, công ty gặp nhiều khó khăn về vốn, nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, cơ
sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, chưa có bất kỳ sản phẩm KH&CN mang thương hiệu
công ty.
Sau 8 năm chuyển đổi sở hữu, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần-Vinaseed đã
vươn lên trở thành công ty giống hàng đầu của Viêt Nam có quy mô, tốc độ tăng
trưởng cao và đóng góp lớn cho nền nông nghiệp nước nhà. Khối lượng giống hàng
hóa SNC, NC, giống lai F1 (cả lúa và ngô), bình quân hàng năm công ty cung ứng
khoảng 30.000 tấn đáp ứng cho trên 600.000 ha gieo trồng, chiếm 17% thị phần
giống lúa cả nước. Công ty đạt tốc độ tăng trưởng cao bình quân trên 50% /năm và
năm 2011 dự kiến doanh thu đạt 500 tỷ…
Giống lúa lai hai dòng HC1 đã được công nhận là giống lúa quốc gia năm 2007 (Ảnh:
Vinaseed)
Vinaseed đã thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ để
nghiên cứu chọn tạo các giống lai của các cây Lúa, ngô và rau; lọc thuần, phục
tráng, sản xuất giống gốc và giống bố mẹ phục vụ kinh doanh và nghiên cứu các
giải pháp kỹ thuật canh tác. Với đội ngũ nghiên cứu viên trên 30 người có trình
độ đại học và trên đại học, công ty còn có quỹ gen cho các cây trồng đáp ứng nhu
cầu lai tạo với trên 13.000 dòng tự phối F3-F10, trên 1.000 dòng tự phối ưu tú…
Đến nay, công ty còn tập trung đầu tư để hiện đại hóa và thực hiện công nghiệp
hạt giống tại Việt Nam với tổng đầu tư gần 100 tỷ đồng cho việc xây dựng hệ
thống kho bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng hạt giống với công suất
25000 tấn/năm.
Trong ngành giống, Vinaseed là đơn vị đầu tiên tập hợp được trí tuệ các nhà khoa
học, phối hợp với các Viện nghiên cứu, Trường đại học, các Trung tâm ứng dụng và
chuyển giao công nghệ, Trung tâm khuyến nông… để đào tạo nguồn lực, chọn tạo và
ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Hiện tại, nhiều nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tạo giống của Việt Nam đã
và đang hợp tác với công ty. Vinaseed đã ban hành nhiều cơ chế linh hoạt, khuyến
khích lợi ích đối với các cá nhân và tổ chức tham gia vào quá trình tạo giống
cho công ty như trả bản quyền, gắn quyền lợi của người tạo giống với kết
quả kinh doanh.
Theo đó, các cá nhân và tập thể có đóng góp trực tiếp trong quá trình nghiên cứu
chọn tạo ra giống mới và được đưa vào cơ cấu sản phẩm kinh doanh được ghi danh
đồng tác giả giống mới và hưởng 40% tiền bản quyền tác giả theo mặt bằng giá thị
trường tại thời điểm ra giống mới, được hưởng 2-5% doanh số đối với giống được
kinh doanh của công ty trong thời gian 5 năm...
Vinaseed đã và đang sở hữu 12 giống các loại, đưa sản lượng kinh doanh giống bản
quyền chiếm tới 29% tổng sản lượng kinh doanh của công ty, doanh số 120 tỷ đồng.
Lấy đào tạo nguồn nhân lực làm giá trị cốt lõi
Từ năm 2004 đến nay, công ty đã giành trên 5 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn
lực. Đã có trên 700 lượt cán bộ được đào tạo lại (100% lực lượng lao động), đào
tạo được 10 thạc sỹ trong đó có 8 thạc sỹ tạo giống cây trồng, 2 thạc sỹ quản
trị kinh doanh quốc tế, 50 kỹ sư nông nghiệp được Bộ cấp chứng chỉ hành nghề
kiểm tra chất lượng. Công ty còn hợp tác chặt chẽ với nhiều đơn vị nghiên cứu
trong và ngoài nước...
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Vinaseed đã chủ động xây dựng thương hiệu và đăng
ký thương hiệu, trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành giống mua bản quyền của
nhà khoa học và thúc đẩy xã hội hóa công tác nghiên cứu, chọn lọc giống cây
trồng tại Việt Nam. Đến nay Vinaseed đã đăng ký bảo hộ bản quyền di truyền trên
15 giống cây trồng mới tại Văn phòng bảo hộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
Để doanh nghiệp có cơ hội phát triển trong thời gian tới, theo bà Trần Kim Liên,
nhà nước cần tạo điều kiện cho họ tham gia các dự án nghiên cứu khoa học,
tập trung tiếp nhận và chuyển giao công nghệ tiên tiến, khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, nghiên cứu làm chủ công nghệ then chốt, hướng
vào việc tăng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Đồng thời, nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng các Trung tâm nghiên
cứu, thử nghiệm, đầu tư phát triển các Trung tâm ươm tạo công nghệ. Có cơ chế
cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ KH&CN Quốc gia theo cơ chế
tín dụng để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu.
Đổi mới cơ chế tài chính hiện nay cho các cở sở khoa học công lập bằng cơ chế
tài chính sự nghiệp để tạo động lực cho các tổ chức sự nghiệp KH&CN hoạt động
theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Cùng với đó là phát triển thị trường KH&CN và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công
nghệ. Nhà nước nên có chính sách tăng cường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN;
tăng cường tự chủ về tài chính đối với các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ,
hoạt động nghiên cứu khoa học phải gắn với thị trường cạnh tranh…
Về phát triển nguồn nhân lực KH&CN, bà Trần Kim Liên khẳng định, cần đổi mới
chính sách tiền công và thù lao cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu đặc biêt đội ngũ
chuyên gia đầu ngành, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt nhất để các nhà
khoa học yên tâm làm việc, cống hiến. Đồng thời là nâng cao chất lượng đào tạo
nhân lực tại các cơ sở đào tạo bậc đại học, đào tạo theo nhu cầu thị trường,
theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Phương Nga - Đăng Minh