Sự công nhận trong công việc như “tiền thưởng” về tinh thần. Sự công nhận có thể là lời tuyên bố của lãnh đạo trong một buổi sinh hoạt chung của công ty, cũng có thể là lời đánh giá tích cực trong cuộc họp 1-1.
Khi được công nhận đúng lúc đúng chỗ, nhân viên thường có những biểu hiện tích cực hơn trong công việc như: có tinh thần hợp tác, làm việc nhóm; cởi mở khi nhận được phản hồi từ người khác; chủ động kết nối với đồng nghiệp; nhiệt tình truyền cảm hứng và động lực hơn; tin tưởng rằng họ sẽ được đối xử công bằng; cảm thấy thông suốt về sự phản hồi của sếp; chủ động hơn trong công việc; ít có ý định bỏ việc hơn…
Điều quan trọng với người lãnh đạo là ý thức được bạn sẽ công nhận điều gì và bối cảnh nói điều đó với nhân viên ra sao.
Lời khen “chất lượng”
Nhân viên thích nhận được lời khen từ quản lý trực tiếp. Vì họ thấy lời khen đó có căn cứ hơn là từ những người không liên quan.
Lời đánh giá cao và cụ thể sẽ có ý nghĩa hơn nhiều so với những câu khen chung chung như “Làm tốt đấy”. Nếu bạn định khen ai, bạn hãy đề cập đến tình huống hoặc việc làm cụ thể đã mang lại hiệu quả tích cực của họ, cũng như tác động tích cực của nó đến khách hàng, đối tác, đồng nghiệp… ra sao. Điều này giúp họ thấy bạn thật lòng đánh giá cao đóng góp của họ.
Đôi khi, việc nhân viên làm chưa thực sự mang lại kết quả to lớn do các yếu tố khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ. Nhưng việc họ đặt ra mục tiêu, kiên trì, chăm chỉ và sáng tạo cũng xứng đáng được công nhận.
Lời khen đúng lúc đúng chỗ
Với một số người, lời khen trước toàn tập thể có thể khiến họ không thoải mái. Bạn hãy chú ý nếu họ là những người muốn nhận lời khen trong những tình huống có tính cá nhân hơn.
Bên cạnh đó, lời khen không nhất thiết lúc nào cũng cần nói ra thành lời. Một chiếc thiệp, một lời ghi nhận trong cuốn sách quà tặng… có thể gây ấn tượng hơn với nhân viên.
Một lưu ý khác là người lãnh đạo không nên “tiết kiệm” lời khen, điều này nhằm giúp nhân viên dần dần làm quen với việc được khen ngợi và không cảm thấy đó là điều “bất thường”. Bạn càng khen ngợi nhân viên kịp thời thì giá trị mà họ cảm nhận được càng cao.
Coi sự công nhận như một lối sống
Đừng lo rằng việc bạn khen ngợi nhân viên thường xuyên sẽ làm giảm giá trị lời khen. Để lời khen của bạn có căn cứ và không hời hợt, hãy tập suy nghĩ về các đóng góp tích cực của nhân viên như một thói quen vào mỗi cuối ngày. “Hôm nay ai đã làm nhiều hơn mong đợi?”, “Ai đã có đóng góp hữu ích?”, “Ai đã vượt lên trên chính họ?”, “Ai đã vượt xa sự mong đợi so với mọi người xung quanh?”... Khi bạn tìm ra được những cái tên cho câu trả lời, đừng ngần ngại khen họ theo cách phù hợp, có ý nghĩa nhất với họ.
(Nguồn CareerBuilder)