Ngày 14/12, Nhà xuất bản Kim Đồng đã ra mắt truyện tranh tài chính mang tên “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền” của tác giả Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cuốn truyện tranh “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền” với gần 30 câu chuyện xoay quanh kiến thức cơ bản liên quan đến tiền (lịch sử của tiền, giá trị kinh tế - xã hội của đồng tiền, tiền điện tử, lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỉ giá… tác động ra sao đến cuộc sống, ứng xử trong giao dịch tiền tệ, nội tệ, ngoại tệ…); hiểu biết về đầu tư tài chính (chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm, chứng chỉ quỹ…); hoặc về ngân hàng (lịch sử, lưu ý khi gửi tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…).
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia – chia sẻ: “Nên đọc cuốn sách! Cuốn sách có ý nghĩa nâng cao dân trí quốc gia về tài chính, cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cuộc sống và ai đọc cũng thấy mình ở trong đó. Người đọc sẽ có được kiến thức, tránh rủi ro tài chính và đầu tư, sống có khát vọng, trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội”..
Tác giả Lê Thị Thúy Sen chia sẻ: các kiến thức tài chính, ngân hàng vốn khô khan, chuyên sâu nhưng được tác giả thể hiện thông qua hình thức truyện tranh rất thú vị và hấp dẫn, phù hợp với nhiều lứa tuổi, biến việc phải đọc, nên đọc trở thành thích đọc.
Đây cũng là cuốn truyện tranh lần đầu có nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhất tại Việt Nam đến thời điểm này (với hơn 80 câu), đã truyền cảm hứng về tình yêu thương, nhân ái, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động như: “Thế gian giàu bởi chữ cần/Có mà lười biếng thì thân chẳng còn”, “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần", “Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi”; về lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, thầy cô: “Lặng nhìn sợi tóc như sương/Vương trên đầu lược mà thương mẹ già”, “Làm người trước liệu hiếu thân/Cảm ơn cha mẹ ân cần nuôi con”, “Con ơi ghi nhớ lời này/Công cha nghĩa mẹ ơn thầy chớ quên”;
Cuốn sách cũng đề cập tới những kinh nghiệm quý báu mà cha ông đúc kết: “Muốn may thì phải có kim/ Muốn hay thì ắt phải tìm người xưa”; về tiền bạc “Đồng tiền liền khúc ruột”, “Tiền nào của nấy”; về tiết kiệm “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”; về bảo hiểm “Làm khi lành, để dành khi đau”; về đầu tư “Trông giỏ bỏ thóc”, “Chọn mặt gửi vàng”, “Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi”, “Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ”…