‘Tôi muốn thấy con mình được lớn lên khỏe mạnh’
6 năm. Đây là quãng thời gian mà Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ HRK, bà Thái Như Hằng, cùng các cộng sự nghiên cứu, phát triển sản phẩm túi phân hủy sinh học hoàn toàn bằng vi sinh vật.
Khoảng thời gian trên, tài chính của công ty gặp khó khi chỉ bỏ tiền đầu tư mà không sinh lời. Khách hàng doanh nghiệp B2B chưa sẵn sàng trả tiền cho túi thân thiện với môi trường có giá cao hơn túi nilon truyền thống. “Cơ hội đến quá lâu. Nhiều khoản chi phí để nuôi quân, nuôi ước mơ. Chúng tôi từng nghĩ sẽ từ bỏ. Nhưng khi trở thành phụ huynh, tôi chỉ muốn nhìn ngắm con mình được lớn lên, sống, phát triển trong môi trường trong lành. Chính mỗi chiếc túi ‘xanh’ góp phần thực hiện điều đó”, bà Hằng nói.
Dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng dần thay đổi nhận thức, quan tâm đến các sản phẩm “xanh”, túi đựng hàng hóa trung gian cũng cần yếu tố thân thiện môi trường. Từ đó, lượng đơn đặt sản phẩm túi của HRK dần tăng.
Hiện doanh nghiệp là đối tác B2B của N Kid Group, Biti's, Trung tâm mua sắm Takashimaya, MM Mega Market, Wink Hotel Saigon Centre, Movenpick Resort Waverly Phú Quốc... Đơn vị cung cấp ra thị trường trung bình khoảng 40-50 tấn/tháng dòng túi phân hủy sinh học hoàn toàn bằng vi sinh vật, đồng thời, cung cấp hạt nhựa sinh học cho các nhà máy sản xuất khác.
HRK đang có hai dòng túi gồm: Biodegradable Bag (sản xuất từ bột sắn, bột bắp hoặc khoai tây kết hợp với PE); Compostable Bag (sản xuất từ tinh bột, PLA, PBAT). Hai dòng túi đều phân hủy trong điều kiện chôn lấp ngoài môi trường tự nhiên dưới tác động của vi sinh vật, tạo thành CO2, H2O và mùn.
Đáng chú ý, thời gian phân hủy của Biodegradable Bag là 24-36 tháng, Compostable Bag là 9-12 tháng. Trong khi đó, túi nilon thông thường sẽ tốn vài trăm năm mới có thể phân hủy, còn dòng túi nhựa tự hủy OXO (99% nhựa + 1% OXO) lại phân rã thành hàng tỷ vi nhựa, không biến mất hoàn toàn trong môi trường.
Cà phê, vỏ hàu, sen làm quần áo
Ở một bước tiến xa hơn, đối tác tại Đài Loan của Công ty Thời trang Faslink đã sớm sản xuất dòng sợi bền vững từ cà phê, bạc hà, vỏ hàu, sen...
Chẳng hạn, bã cà phê đã qua sử dụng được doanh nghiệp Đài Loan thu gom từ các cửa hàng cà phê, đem về sấy khô, nghiền mịn ở kích thước phân tử nano, sau đó trộn với polyester được làm từ nhựa tái chế (loại chai nhựa trong, phần thân chai nước suối như Lavie, Aquafina,... ). Polyester đóng vai trò kết nối tinh chất cà phê, sự pha trộn đó tạo thành các hạt chủ, dùng để kéo thành sợi, dệt vải.
Trưởng phòng Phát triển sản phẩm của Faslink, ông Võ Thành Phước, cho hay, một áo thun trơn cơ bản cần khoảng 3 tách bã cà phê (tương đương 75g) và 5 chai nhựa để tạo thành, tùy trọng lượng vải. Công ty này nhập sợi từ đối tác Đài Loan để dệt vải, cung cấp tới khách hàng B2B trong nước. Vải có khả năng khử mùi hôi cơ thể. Ví dụ, sau 24 tiếng người mặc, vải cà phê trên quần jean đã đo được mức độ khử mùi tới 95%.
Trong khi đó, sợi vải làm từ vò hàu có tính năng chống tĩnh điện, hạn chế vải dính vào người trong mùa đông, giảm bám bụi, phù hợp người có da nhạy cảm mùa lạnh; vải sợi sen thì có axit amin, nồng độ ion âm trong sợi được đo ở mức khoảng 800, khiến người mặc có cảm giác tương đương như hít thở khí trời ở công viên...
Tương tự câu chuyện thuyết phục mua túi của Công ty HRK, Faslink cũng mất nhiều thời gian để thay đổi tư duy thị trường. “12 năm trước, khi chuyển hướng sang nguyên liệu bền vững, chúng tôi chào hàng mất cả năm trời mới được đối tác đồng ý. Còn nay, mỗi nguyên liệu mới cần từ 1-2 tháng thuyết phục khách hàng”, ông Phước chia sẻ.
Theo ông, sau dịch Covid-19, tâm thế mua hàng của người tiêu dùng đã khác. Gen Z là đối tượng chủ động, tìm hiểu thông tin, hướng tới các sản phẩm xanh hiện nay. Nhờ vậy, Faslink có thể cung cấp nguyên liệu cho nhiều khách hàng B2B, các thương hiệu thời trang như Owen, Yody... Áo làm từ sợi cà phê được bán tại Owen có giá 500.000-600.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên, giá cả không hẳn yếu tố hàng đầu. Khách hàng Việt quan tâm nhất tới cảm giác tay khi sờ sản phẩm. Vải thô, cứng hay mềm, mượt ra sao, điều này chiếm 70% quyết định việc dòng hàng có được chấp nhận hay không. 30% còn lại thuộc về yếu tố màu sắc, họa tiết của vải bền vững.
Cũng theo ông Phước, công ty Đài Loan quan niệm, toàn bộ phụ phẩm của các ngành cần được tận dụng tối đa để tái chế, tạo thành sợi vải. Trái ngược, nhiều nguyên liệu thô trong nước đang bị lãng phí. Faslink mong muốn trong tương lai gần có thể tự sản xuất các dòng sản phẩm sợi từ bã trà, tạo nên chuỗi cung ứng khép kín từ nguyên liệu tới sản phẩm thời trang “Made in Việt Nam”.