Bảo vật triều Nguyễn tự kể câu chuyện của mình nhờ công nghệ

Sáng 18/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng các đơn vị liên quan đã ra mắt dự án “Đế Đô Khảo cổ ký”.

Đây là một dự án sưu tầm đồ chơi độc đáo thông qua việc kết hợp di sản văn hoá Cố đô Huế với xu hướng “hộp mù”, đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ trong thời gian vừa qua. 

baovatkechuyen.jpg
Các bảo vật triều Nguyễn trong dự án Đế Đô Khảo cổ ký. Ảnh: Lê Mỹ

Lấy cảm hứng từ các bảo vật biểu tượng triều Nguyễn như Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ, Khẩu Hạ, Cao Đỉnh và Ngai vàng của Vương triều Nguyễn; Đế Đô Khảo cổ ký sẽ có hai phiên bản là phiên bản trải nghiệm khảo cổ được thiết kế đặc biệt, với những món bảo vật bọc trong lớp thạch cao và kèm theo dụng cụ giả lập khảo cổ, tạo cơ hội cho người tham gia tự tay khám phá và tìm hiểu các cổ vật như một nhà khảo cổ thực thụ.

Trong khi đó, phiên bản phổ thông với bao bì thông thường, trở thành món quà ý nghĩa dành tặng bạn bè, người thân, hoặc gửi qua bưu điện. 

Ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập Phygital Labs cho biết, Đế Đô Khảo cổ ký là dự án tiên phong trong việc kết hợp công nghệ và di sản văn hoá, mở ra một mô hình khai thác bản quyền di sản để phát triển công nghiệp văn hoá, thu hút sự quan tâm của giới trẻ và cộng đồng yêu lịch sử, văn hoá. 

Theo đó, các phiên bản phái sinh của các bảo vật triều Nguyễn ở trên được ứng dụng công nghệ định danh Nomion với chip NFC gắn bên trong; khách hàng khi sở hữu dùng smartphone “chạm” vào sẽ khám phá chi tiết, hình ảnh, câu chuyện lịch sử, văn hoá của từng bảo vật... Đáng chú ý, phiên bản mà du khách sở hữu sẽ là độc nhất, được xác thực bản quyền từ Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành công nghiệp văn hoá

Theo ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập Phygital Labs, tại các nước trên thế giới như Nhật, Mỹ, ngành công nghiệp văn hoá có doanh thu hàng tỷ USD, nhưng ở Việt Nam mọi thứ vẫn còn rất mới mẻ. 

Chính vì thế, bản quyền được xem là xương sống để phát triển ngành văn hoá và để công nghiệp văn hoá phát triển cần tìm đến một “điểm chạm”, mà ở đây là ứng dụng công nghệ. 

Các di sản văn hoá khi được ứng dụng công nghệ định danh sẽ được bảo tồn trên không gian số, đồng thời nó cũng được quảng bá thông qua các triển lãm số để mọi người có thể trực tiếp khám phá.

Bên cạnh đó, với việc định danh bản quyền sẽ tạo ra các phiên bản cổ vật phái sinh (F1), có thể bán trực tiếp cho các du khách tham quan hay đưa lên các sàn thương mại…

Với cách làm này các sản phẩm văn hoá sẽ được đi khắp nơi trên thế giới và người sở hữu chỉ cần chạm nhẹ là sẽ biết đến văn hoá Việt Nam. 

Tuy nhiên, để làm được điều này, theo ông Huy Nguyễn là không hề đơn giản; Phygital Labs đã đi gõ cửa nhiều nơi với mong muốn đưa công nghệ của mình vào để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế. 

dedokhaoco.jpg
Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ sẽ đưa văn hoá Việt Nam đi khắp thế giới. Ảnh: Lê Mỹ

Là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ này, ông Võ Quang Huy, Phó Chánh văn phòng của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng cho rằng, ở đây phải có sự quyết tâm của người đứng đầu.

Với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số để phát triển ngành công nghiệp văn hoá và quảng bá di sản ra thế giới, cùng sự quyết đoán của người đứng đầu, tin tưởng vào các startup trẻ với niềm đam mê đưa công nghệ vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, đặc biệt là các công nghệ mới theo xu hướng trên thế giới; Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã mạnh dạn hợp tác đầu tư lâu dài với Phigytal Labs, để cùng nhau phát triển.

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cũng chia sẻ, giống như thời điểm Hội Tin học đi lan toả tin học hoá cách đây 30-40 năm, để các đơn vị mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, yếu tố công nghệ phải đóng vai trò quan trọng. Công nghệ phải tạo được sự tin tưởng và đem lại hiệu quả khi triển khai mới thuyết phục được mọi người tham gia. 

Ông Nguyễn Khánh Dương, sáng lập công ty Comicola, đơn vị đồng hành cùng dự án Đế Đô Khảo cổ ký cho biết, để phát triển ngành công nghiệp văn hoá là một điều không hề đơn giản. Ở đây đòi hỏi sự chung tay của nhiều người và làm sao để họ nhận ra có một sự bền vững. 

Đại diện đến từ Comicola dẫn chứng, ở Hàn Quốc khi khởi đầu cũng chỉ có 1 đến 2 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, điển hình là CJ và giờ đây họ đã có một ngành công nghiệp văn hoá nổi tiếng trên thế giới.

Chính vì thế, ông Nguyễn Khánh Dương mong chờ thêm nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia vào ngành này, khi thị trường còn rộng mở và không lo ngại câu chuyện cạnh tranh.