Theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) có hiệu lực từ 1/9/2023 quy định hạn mức cho vay tối đa đối với khách hàng cá nhân qua phương tiện điện tử là 100 triệu đồng tại một tổ chức tín dụng.
Quy định này góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, là cơ sở để các ngân hàng triển khai đại trà, áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, về cơ bản, các Tổ chức tín dụng đã triển khai ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ hoặc thay thế các khâu tác nghiệp thủ công.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã triển khai hoạt động cho vay trên nhiều kênh giao dịch khác nhau (như App MBBank, Biz MBBank… hay liên kết với hệ thống của bên thứ 3 như Mcredit). Đồng thời ứng dụng công nghệ định danh xác thực khách hàng điện tử (eKYC), nhận dạng ký tự quang học (OCR)…trong cho vay.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng áp dụng các công nghệ chuyển đổi số trong việc cho vay đối với khách hàng (đặc biệt là tệp khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và tiêu dùng tín chấp) không giấy tờ hồ sơ, đảm bảo an toàn, chi phí thấp; thực hiện thẩm định và xét duyệt tín dụng trên hệ thống luân chuyển hồ sơ và phê duyệt tín dụng nội bộ (thay vì các hồ sơ bản cứng trước đây), định giá, phê duyệt và quản lý tài sản bảo đảm sau cho vay được thực hiện trên hệ thống quản lý tài sản bảo đảm, tiến tới áp dụng đại trà các sản phẩm online rộng rãi hơn, cả trên kênh ebank và kênh LiveBank.
Hay như Ngân hàng Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã thực hiện kết nối trực tiếp với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) để tối ưu thời gian, chi phí tra cứu CIC, áp dụng quy trình thẩm định, phê duyệt và giải ngân qua platform điện tử (dự án ACL) và sử dụng chữ ký điện tử giảm bớt thủ tục văn bản giấy.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhà băng này đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với khách hàng doanh nghiệp trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến; ứng dụng cho phép khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút; ứng dụng cho phép cán bộ bán hàng gặp trực tiếp khách hàng, thực hiện nhập liệu thông tin/nhận diện khách hàng và trình hồ sơ chứng từ trực tuyến; ứng dụng công nghệ cho phép khách hàng tự thực hiện KYC thông qua nhận diện khuôn mặt trên CMND/CCCD (ứng dụng eKYC và OCR); cài đặt các luồng nguyên tắc xử lý phê duyệt hồ sơ dựa trên chính sách sản phẩm và chính sách thẩm định được ban hành.
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN – với việc cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay vốn không cần phải đến ngân hàng, quy trình vay nhanh hơn, thuận tiện hơn.
Ông Hoàng Ngọc Phương – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank – cho biết, việc triển khai cho vay đối với khách hàng cá nhân bằng phương tiện điện tử đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, với khách hàng doanh nghiệp, dù đã được ngân hàng triển khai nhưng còn nhiều hạn chế.
Để tăng tính hấp dẫn của sản phẩm, ông Phương đề xuất NHNN thay vì áp dụng hạn mức tối đa 100 triệu đồng như hiện nay, cần xem xét nâng hạn mức cho vay tối đa bằng phương tiện điện tử nếu khoản vay đó được cầm cố bằng chính khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
“Nếu bỏ được quy định về hạn mức như trên, các giao dịch sẽ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, rút ngắn được thời gian giao dịch cho khách hàng.”, Phó Tổng Giám đốc VietinBank nói.
Trước kiến nghị nâng hạn mức cho vay theo phương thức này, bà Bùi Thuý Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN – cho biết, Thông tư 06 mới chỉ đi vào thực tiễn kể từ ngày 1/9/2023, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp ý kiến về phương thức cho vay này.
“Nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn thì chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét và đề xuất cụ thể.”, bà Hằng cho hay.