Sáng 24/3, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp năm 2022. 54 tiến sĩ và 862 thạc sĩ được nhận bằng tốt nghiệp.
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mong muốn các tân tiến sĩ, thạc sĩ là những người luôn tôn trọng sự thật, tiến bộ và cần bản lĩnh.
“Khi biết tôn trọng quyền năng đó, mới đóng góp vô tư và cảm nhận được hạnh phúc. Chúng ta hiểu biết hơn để tạo sự tăng tốc, không phải tạo ra lực cản.
Văn minh xã hội phải được xây dựng trên nền móng của sự thật, trên các chuẩn mực đúng đắn mới bền vững. Hãy làm việc và cống hiến vì sự chân chính, không phải vì sự tâng bốc, khoe khoang, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ, nhưng hãy bền chí”.
Theo GS Minh, tiến bộ thường là cái mới và do đó, chắc chắn sẽ gặp cản trở. Chính vì vậy, cần bản lĩnh, bền bỉ và kiên trì.
“Nếu chỉ một mình biết đúng, biết tiến bộ mà đồng nghiệp, người xung quanh chưa nhận thức đầy đủ không thể làm gì được, cần giải thích, thuyết phục để có sự đồng lòng trong hành động của nhiều người”.
GS Minh hy vọng các tân tiến sĩ, thạc sĩ đồng hành cùng nhau để đào tạo ra một thế hệ mới. Đó là những người làm chủ tri thức, những người bản lĩnh, sáng tạo, bao dung, dám dấn thân và làm chủ cuộc đời.
“Chúng ta ở trong thời kỳ hội nhập, sự giao lưu quốc tế là tất yếu. Có khi nào các bạn đặt ra câu hỏi cho chính mình rằng nếu 100 người nước ngoài đến Việt Nam hầu hết là làm chủ; còn 1.000 người Việt Nam ra nước ngoài rất nhiều người trong đó làm thuê với các công việc giản đơn? Không biết các bạn cảm nhận thế nào? Đành rằng, trong lúc nghèo khó phải chịu, nhưng chẳng lẽ cứ thế mãi?”, giáo sư này nói.
Theo GS Minh, rất nhiều vấn đề đặt ra, xã hội đang kỳ vọng vào các tân tiến sĩ, thạc sĩ. “Đừng để lòng tin, tình cảm và khát vọng chính đáng ấy bị phũ phàng”, GS Minh nói.
GS Minh cho rằng, hầu hết các tân thạc sĩ, tiến sĩ hôm nay là nhà giáo và sẽ là nhà giáo. “Phải coi việc xã hội luôn kêu ca giáo dục, phụ huynh luôn phàn nàn giáo dục, không bằng lòng với giáo dục như một đòi hỏi chính đáng, thôi thúc chúng ta thay đổi, đừng nản lòng. Khi không còn ai kêu ca, nghĩa là niềm tin đã nguội lạnh”, GS Minh nói.
GS Minh nhắn nhủ, công nghệ mãi mãi là công cụ và làm chủ, ứng dụng công nghệ trong công việc để giáo dục, phát triển con người là điều phải quan tâm, nhất là hiện nay. Cần biết về AI, Robot, ChatGPT, các tiện ích và dùng nó một cách hữu ích, chính đáng.
Trong giáo dục, theo giáo sư này, chúng ta đừng làm gì để biến con người thành robot, đồng thời phải coi những tiến bộ của công nghệ là “diễm phúc”, là xu thế, đừng hoảng loạn và run sợ, phải biết dùng nó một cách thông minh và chân chính.
“Tấm bằng các bạn nhận hôm nay cao quý, giá trị, nhưng bản thân tấm bằng không tiếp tục tạo ra giá trị, tạo nên ý nghĩa, chỉ chủ nhân của nó với những gì đã có để hành động mới có thể tạo ra những điều tốt đẹp”, GS Minh nói.