Luật sư cho hỏi: Trường hợp nào cha mẹ phải nộp phạt thay cho con?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời: Theo quy định tại khoản 3, điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền nhưng không có tiền nộp phạt, hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
Trường hợp nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính, không áp dụng hình thức phạt tiền.
Ngoài ra, với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền, tiền phạt không quá 1/2 mức áp dụng với người thành niên.
Gần đây, ngày 1/6, Công an huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đã mời làm việc và phạt cảnh cáo đối với M.V.S. (16 tuổi, trú tại huyện Đất Đỏ) về hành vi nằm trên yên xe và điều khiển xe máy chạy lạng lách trên đường với tốc độ cao.
Đồng thời, mẹ của S. là bà N.T.K.H. (50 tuổi) bị xử phạt hành chính 1,4 triệu đồng vì giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông.
Từ vụ việc trên, luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, tại Điểm b Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, hành vi điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị, sẽ bị phạt tiền từ 6- 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2- 4 tháng.
Bên cạnh đó, tại Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP về hành vi “người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên”, mức phạt tiền từ 400- 600 ngàn đồng, tạm giữ phương tiện vi phạm.
Còn tại Điểm đ Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 800 nghìn - 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 - 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.
Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho hay, hành vi vừa nằm trên yên vừa lái xe máy với tốc độ cao trong vụ việc trên chưa gây thiệt hại hoặc gây tai nạn, nên đây là vi phạm hành chính, chịu sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật hành chính. Chỉ trong trường hợp thiếu niên này gây tai nạn hoặc gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường dân sự.
Trong sự việc này, cơ quan chức năng cũng đã xác định nguồn gốc đoạn clip; đánh giá tính chất, mức độ hành vi của thiếu niên này, xem xét độ tuổi tại thời điểm thực hiện hành vi trên để cân nhắc chế tài xử phạt phù hợp.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra dung tích xi-lanh của phương tiện để xem xét tại thời điểm đó thiếu niên đã được phép điều khiển phương tiện này hay chưa, xác định chủ sở hữu phương tiện mà cậu thiếu niên đang điều khiển là của ai, người giao phương tiện cho thiếu niên này là ai… từ đó có căn cứ ra quyết định xử phạt.