Đây là dấu hiệu đáng mừng sau khi cũng tại diễn đàn cao nhất này trong các nhiệm kỳ trước, nhiều đại biểu đã khẳng định mục tiêu hiện đại hóa đất nước vào năm 2020 đã thất bại.
Hôm nọ, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lại nêu lên khát vọng đưa đất nước trở thành nền kinh tế công nghiệp khi nhắc tới Nghị quyết Đại hội 12 "phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" đến năm 2030.
Ông chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: “Xin hỏi Bộ trưởng vì sao chưa phát triển được cơ khí chế tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa. Theo Bộ trưởng nên tập trung vào ngành nào để đột phá, thay đổi vị thế của cơ khí chế tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa?”
Tiếc là câu chất vấn của ông Hàm lại chỉ tập trung vào lĩnh vực cơ khí, chế tạo, tức thu hẹp hơn rất nhiều so với tầm vóc của mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tới đây, sau khi mục tiêu này đã được ghi nhận là không hoàn thành.
Câu trả lời của ông Trần Tuấn Anh khá thẳng thắn và không né tránh: “Chúng ta có rất nhiều thực tế đang tồn tại trong phát triển công nghiệp cũng như công nghiệp cơ khí của Việt Nam. Trước hết, điểm xuất phát chúng ta quá thấp so với mặt bằng chung của các nước, khi chúng ta đang phải hội nhập rất sâu rộng và cách mạng 4.0. Thực tế chúng ta đi chậm sau hơn các nước trong khu vực từ 2 đến 3 thế hệ của công nghệ trong công nghiệp hóa. Bản thân chúng ta cũng chưa xây dựng và thiết lập được hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất vật chất, trong đó có ngành công nghiệp…”.
Khi nào Việt Nam hoàn thành giấc mơ công nghiệp hóa? Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bên cạnh đó, ông cũng nhắc tới góc tối của hội nhập: “Hội nhập …cũng lại gây rất nhiều khó khăn về dư địa trong các chính sách, đặc biệt là để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí và các ngành công nghiệp nói chung cũng như cho phát triển thị trường”.
Đó là một nhận xét thẳng thắn. Khi mở cửa thị trường ra thông thương với thế giới, thuế suất nhập khẩu về 0, thì gần như ngành sản xuất nói chung không còn nhiều cơ hội. Người ta sản xuất nhiều hơn, rẻ hơn thì họ sẽ chiếm lĩnh thị trường này, gây rủi ro cho bao nhiêu nhà sản xuất công nghiệp ở Việt Nam.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, tỷ trọng công nghiệp, ngoại trừ khai khoáng và xây dựng, chỉ chiếm 17-18% GDP trong nhiều năm nay. Công nghiệp luôn là động lực tăng trưởng nhưng đóng góp như vậy cho thấy nền kinh tế này đang ở trình độ nào.
Ở góc độ rộng hơn, tỷ lệ công nghiệp hóa/GDP trong giai đoạn 2011-2020 được các chuyên gia ước tính vào khoảng 39%, tức thấp hơn so với 40% mục tiêu của chương trình phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ/GDP trong cùng giai đoạn đạt tới 45%, tức đạt mục tiêu của các kế hoạch 10 năm qua.
Đưa ra một vài số liệu trên để thấy, trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam mới ‘dịch vụ hóa’ nền kinh tế chứ không phải 'công nghiệp hóa', 'hiện đại hóa'.
Trong khi các DNNN ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn, thì số lượng những doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chưa đủ lớn và mạnh để tạo tà thực sự cho phát triển công nghiệp. Miếng bánh dành cho các doanh nghiệp FDI, nay đã đóng góp 50% giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Trong một cuộc gặp hiến kế về công nghiệp hóa cho Việt Nam hồi đầu nhiệm kỳ này, Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno khảng khái nhận xét, chính sách công nghiệp của Việt Nam không tốt, ở nhóm cuối của 20 quốc gia mà ông từng làm việc, thậm chí một số quốc gia châu Phi có chính sách công nghiệp tốt hơn Việt Nam. Phê bình Việt Nam viết các bản chiến lược phát triển ngành công nghiệp theo kiểu chương, hồi như các cuốn sách cổ, ông Ohno cho rằng Việt Nam chọn tới 19 ngành công nghiệp làm mũi nhọn là quá nhiều, và chỉ nên giới hạn ưu tiên cho 5 ngành mà thôi.
Trong một tài liệu chắt lọc góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, phần lớn các chỉ tiêu kinh tế đều không hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Bên cạnh đó, kết quả và chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đạt được thấp hơn nhiều so với các nước trong giai đoạn tăng trưởng tương tự như Việt Nam.
Trường đại học hàng đầu này phân tích, khi nói đến nguyên nhân, rào cản làm chậm quá trình phát triển nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua, cần nhìn nhận nguyên nhân mang tính sâu sa và các nguyên nhân trực tiếp hạn chế quá trình phát triển.
Nguyên nhân sâu xa chính là những biểu hiện không phù hợp về tư duy và ý chí thực trong thực thi quá trình đổi mới phát triển của các nhà quản lý và lãnh đạo kinh tế các cấp. Có thể nêu ra 3 biểu hiện không phù hợp về tư duy:
Thứ nhất, tư duy kinh tế giản đơn cộng với tâm lý chạy theo tăng trưởng về số lượng, còn được gọi là bệnh thành tích, đưa đến tình trạng chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, các giải pháp trở nên bị lãng phí, gây ra nhiều tổn thất về kinh tế. Sự lạc hậu tư duy này dẫn đến những sai lầm trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương, trong định hướng về chính sách tái cơ cấu tăng trưởng, chính sách đầu tư phát triển các yếu tố nguồn lực, các ngành mũi nhọn, của địa phương và quốc gia.
Thứ hai, tư duy "sùng bái hoá" vai trò nhà nước trong tổ chức thực hiện quá trình tăng trưởng kinh tế. Các quyết định trong hình thành, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế, các chính sách tăng trưởng, thường dựa trên ý chí chủ quan của nhà nước, không coi trọng hoặc đặt vị trí thứ yếu vai trò của thị trường. Sự sai lầm này trong tư duy đã dẫn đến những bất hợp lý và không thành công trong định hướng phát triển các loại hình tổ chức sản xuất, trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, trong sự tồn tại các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, trong quá trình thực hiện giải phóng sức sản xuất của khu vực tư nhân...
Thứ ba, tư duy cục bộ, lợi ích nhóm, cá nhân, chạy theo lợi ích ngắn hạn, mang tính nhiệm kỳ, đã chi phối quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách kinh tế, chính sách phân bổ ngân sách và làm mất đi tính khách quan đúng đắn của nó. Những méo mó trong hoạch định và thực thi thể chế, chính sách: (i) Xuất phát từ tư duy cục bộ, khép kín, lợi ích nhóm trong từng bộ ngành, địa phương hoặc nhóm lợi ích; (ii) Có thệ bị chi phối bởi sự lũng đoạn, độc quyền, có khả năng chi phối nhà nước của một số tập đoàn tư nhân lớn.
Tất nhiên, những nguyên nhân trên mới chỉ là sơ lược, tổng quát nhất nhưng cũng đáng được quan tâm nhất.
Gần đây đã có nghị quyết Nghị quyết số 23-NQ/TW đặt mục tiêu hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030. Đến năm 2030, khi Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đất nước sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu đã trễ thêm 10 năm. Trong thời gian 10 năm tới, sẽ còn tiếp tục có các câu hỏi mà những đại biểu như ông Hàm và các đại biểu trước ông đã đặt ra. Vấn đề là, thực tiễn, hay kết quả mới là câu trả lời tốt nhất.
Tư Giang