Trong buổi gặp gỡ cuối năm ở một ngôi trường tư hiện đại bậc nhất thành phố, một nhà đầu tư giáo dục bộc bạch, ông muốn tạo điều kiện để góp phần thay đổi giáo dục Việt Nam. Để con người Việt Nam phải được nước khác coi trọng.
Còn riêng với một giáo viên dạy lịch sử ở bậc phổ thông trên 20 năm, tôi muốn nhấn mạnh, con người Việt Nam muốn được các nước khác coi trọng, thì chúng ta phải coi trọng lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình vì những điều này đã tạo nên cái “chất” không thể lẫn lộn của người Việt.
Lịch sử không bao giờ là nhàm chán khi nó hiện diện xung quanh các bạn, từ những phong tục ngày Tết đến các phong tục tôn giáo của nhiều nơi trên thế giới |
Gần đây, môn Lịch sử đang dần mất đi vị thế từ xã hội cho đến trong nhà trường. Một trong những nguyên nhân chủ quan không thể phủ nhận là cách dạy và cách học đang có “vấn đề”.
Sự bùng nổ, thay đổi phương pháp giáo dục theo hướng khoa học kĩ thuật hiện đại khiến thầy cô có tâm lý ngại khó, dạy cho có. Người học không tìm thấy điều thú vị nên học sử cho có. Tình trạng học để đối phó nên sự thờ ơ với lịch sử dân tộc, với truyền thống văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ là cái kết đã được báo trước.
Một năm mới đang đến nhưng với giáo viên lịch sử có thêm một thách thức phía trước. Chương trình giáo dục mới đã được Bộ GD-ĐT công bố, tuy không xác định vị trí quan trọng đáng lẽ môn lịch sử phải có trong việc đào tạo con người Việt Nam nhưng sự thay đổi về chương trình học tập, nội dụng học tập cho thấy người dạy sử phải thay đổi.
Việc dạy theo chuyên đề hướng tới liên môn tích hợp mang lại cho người dạy sử cơ hội thoát ra việc chìm đắm trong bể sự kiện và dạy sâu hơn những vấn đề lịch sử được đề cập trong chương trình. Tuy nhiên cũng là thách thức khi các chuyên đề lịch sử có kiến thức liên môn hay các kiến thức về văn hóa, khoa học buộc người dạy sử không ngừng nâng cao kiến thức, làm “tươi mới” kiến thức của chính bản thân mình.
Người dạy sử cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Các hình thức giảng dạy, truyền thụ một chiều của theo truyền thống đã quá cũ kĩ và lạc hậu. Phương pháp “lấy học sinh làm trung tâm” tuy được đưa vào trường phổ thông từ lâu nhưng ít người thực hiện vì nhiều lý do thì bây giờ phải thay đổi. Phải coi đó là phương pháp “sống còn” để môn lịch sử trở về đúng vai trò của một bộ môn khoa học, để học sinh có hứng thú học về lịch sử và tìm hiểu về lịch sử.
Hãy cho học sinh, những người học sử cơ hội phản biện, cơ hội trao đổi kiến thức lịch sử với người dạy sử. Với vai trò trung tâm, học sinh sẽ cảm thấy việc học sử không chỉ đơn thuần là ghi chép, và học một cách máy móc mà sử sẽ mở ra một chân trời mới cho kiến thức của chính bản thân người học sử.
Trong thời đại 4.0 với sự bùng nổ thông tin, người dạy sử cũng cần ý thức rằng việc trao đổi và phản biện với học sinh chính là cơ hội để chúng ta giữ gìn sự chuẩn xác của lịch sử. Người dạy sử phải là “cái neo” về kiến thức, để lèo lái kiến thức lịch sử của người học sử giữa muôn trùng thông tin mà độ xác thực của nó luôn luôn là một dấu hỏi.
Với người học sử, thời đại của các em đã khác trước. Các em thông minh hơn, năng động hơn, tự tin hơn và có nhiều khát khao chính phục những cái mới hơn các thế hệ trước thì tại sao không mang lợi thế đó vào việc học sử.
Lịch sử không bao giờ là nhàm chán khi nó hiện diện xung quanh các bạn. Từ những phong tục ngày Tết đến các phong tục tôn giáo của nhiều nơi trên thế giới. Từ toán học đã trở thành một bộ môn khoa học như thế nào cho đến những tác động của các công trình nghiên cứu khóa học gần đây nhất đều có trong lịch sử. Lịch sử là những câu chuyện về con người, về dân tộc về cả thế giới nên không bao giờ thiếu hấp dẫn. Hãy nhìn lịch sử bằng con mắt hấp dẫn các em sẽ thấy nó hấp dẫn.
Hãy tự tin trao đổi với người dạy sử những điều các em muốn tìm hiểu về lịch sử. Hãy dùng những kiến thức chuẩn xác mà các em tự tìm hiểu để phản biện bài những điều mà người dạy sử chưa chuẩn xác và cơ hội trao đổi phản biện đó sẽ giúp cho người học sử và người dạy sử có thêm sự hứng thú với bộ môn lịch sử. Đã đến lúc cả người dạy và học sử chúng ta phải cùng nhau thay đổi.
Nguyễn Viết Đăng Du
Thay đổi giáo dục đại học: Nửa mừng nửa băn khoăn
-“Ra đời” vào sát ngày cuối cùng năm 2019, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học sửa đổi được đón nhận với cả niềm vui lẫn điều chưa như ý.