Ở Mỹ lâu sẽ thấy nhiều gia đình sở hữu nhà khoảng 60%, còn lại 40% là thuê. Trong số 60% sở hữu chỉ có khoảng 25-30% đã trả hết tiền vay ngân hàng, còn lại vẫn nợ và có khi phải trả cho tới lúc chủ rời bỏ thế giới này.
Nhìn vào việc thuê nhà, sở hữu kiểu vay ngân hàng (cũng ngang đi thuê), đủ hiểu dân Mỹ vốn hay nhảy việc. Theo thống kê của Bộ Lao động Hoa Kỳ, người Mỹ giữ việc trung bình 4,6 năm và trong những năm sắp tới họ còn dự đoán khoảng 45% sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ nhảy việc sau hai năm.
Nhảy việc là chuyện thuộc về nhân loại có từ xa xưa, người Nhật trung thành suốt đời với một công ty, nhưng người Mỹ thì tình yêu lan tỏa khoảng 8-10 công ty. Và trong số nhảy việc thì dân IT nổi tiếng hay… thay đổi vì chiếm tới 42%.
TS. John Sullivan viết trong tạp chí Career Builder về lợi ích khi tuyển dụng người nhảy việc rất thú vị. Ông cho rằng, nhiều nhà tuyển dụng (42%) thích dân nhảy việc vì họ cho rằng, có giỏi mới dám thay đổi, đóng góp trí tuệ mới, được coi là những tài năng tương lai, quen biết nhanh và tạo dựng quan hệ dễ dàng, dễ nhận việc mới, không so đo, lại nhìn được khó khăn trong tương lai.
Tôi có hai người bạn, một anh tốt nghiệp đại học Nông nghiệp bỗng nhiên thích IT và chuyển ngành, anh thứ 2 làm ngược lại đang an yên với nghề IT trong ngân hàng bỗng chuyển sang kinh doanh thực phẩm sạch.
Dân IT làm nghề nông cũng logic, thận trọng như anh lập trình
Anh Hồng quê Ninh Bình, mẹ bán bún ốc ngon nổi tiếng ở thị xã. Anh tốt nghiệp IT rồi vào làm cho một ngân hàng tới 10 năm. Cơ duyên đưa đẩy, anh chuyển nghề từ tự do sang làm nông nhưng không nhàn.
Anh lang thang vào tận Phú Quốc tìm giống vịt biển, xem người ta làm trang trại ở Tây Nguyên, vào Đà Lạt xem rau sạch để học cách làm nghề nông.
Có lần nghe tin tôi sắp đi Mỹ, anh mang bánh phở, mấy cái giẻ rửa bát làm bằng xơ mướp, nhờ tôi quảng cáo hộ bên đó xem có ai quan tâm.
Hôm rồi trên blog tôi đăng vài bài về cỏ Vetiver nghe nói là “cứu rỗi thế giới”, tôi hỏi mua xem nó hình thù ra sao trước khi viết bài, thì anh Hồng alo ngay: em biết cỏ này, em trồng, làm tinh dầu và cả đồ chơi bằng rễ cỏ.
Hóa ra thời làm IT ở ngân hàng, anh đã đọc về cỏ Vetiver trong các dự án bê tông xanh Quốc lộ 1 nhằm hạn chế sạt lở, giữ và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, rồi còn được World Bank giúp các nước kém phát triển.
Đến khi tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nông dân, chứng kiến những thiệt hại trong sản xuất do yếu tố thiên nhiên và sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, anh bỗng nhớ ra loài cỏ này và từ đó mà sinh sôi nảy nở, chưa kể các sản phẩm đem lại sinh kế từ Vetiver như thú nhồi cỏ, xà bông hương cỏ, gối cỏ... ra đời; từ tác dụng diệt khuẩn, đem lại hương thơm tự nhiên, được người tiêu dùng chú ý.
Nói chuyện qua điện thoại, anh Hồng IT nông dân dặn tôi là dân IT viết báo nghiệp dư, đừng nghe/đọc trên mạng quảng cáo đôi khi làm hại nền nông nghiệp đấy. Nếu chỉ dùng cỏ Vetiver cho bảo vệ đất, chống xói mòn, phục hồi đất ô nhiễm thì ok anh ạ. Nhưng bảo đó là thứ cỏ vạn năng thì không nên.
Kể chuyện này để thấy, dân IT làm nghề nông cũng logic và thận trọng như ông lập trình.
Từ nông dân “lông bông” thành công dân toàn cầu
Chu Tuấn Anh lại khác, anh tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp 1, nhà ven đê bãi sông Hồng, quyết chí thú nhà nông.
Có mảnh vườn, rồi đi làm cho cơ quan bên Nông nghiệp, anh thích ghép cây, lai cỏ, trồng chuối, nuôi khỉ rất thiện nghệ, nhưng chỉ là chơi chứ không ra tiền, kiểu một cha lông bông ven sông đã quen.
Những năm giữa 1990, nghề IT đang hot, thấy công ty IT Lạc Việt cần người lập trình chứ không trồng cây, anh nghĩ bụng, hay bỏ nghề nông đi, chuyển sang IT có khi kiếm khối. Thế là đi học thêm cái bằng IT. Loáng cái, đang nông dân giờ đã thành dân IT thứ thiệt.
Tôi nhớ, hồi WB có văn phòng ở 53 Trần Phú, anh hay sang sửa máy tính, máy in, đi dây mạng, cài Windows 3.1 với 15 cái đĩa, bê màn hình CRT 21 inches nặng 20kg như bê chân dài nhẹ tênh.
Văn phòng WB mở rộng, cần thêm IT, Tuấn Anh là ứng viên số 1 và đương nhiên thành IT chuyên nghiệp tầm quốc tế. Năm 2004, tôi sang Mỹ thì anh thay tôi phụ trách văn phòng với hơn 100 nhân viên. Ở đó vài năm thì chuyển sang Brussels làm đó cho tới khi lên sếp cao hơn. Vợ con đi theo sướng, hai đứa con biết 10 thứ tiếng vì mỗi đứa biết 5 ngoại ngữ.
Làm IT nhưng nhớ nghề nông, anh hay chém gió về nông nghiệp châu Âu, về nông nghiệp của Bỉ. Chàng nông dân - IT này từng vác 10kg café hạt sang thủ đô EU để quảng cáo cho thương hiệu Việt, từ nhà giàu tới nhà nghèo, từ siêu thị đến cửa hàng bé tý. Vài ngày sau quay lại hỏi, café “Việt Nam anh hùng đánh Mỹ tới cùng” thế nào. Ah, để chỗ kia kìa, gần sọt rác ý. Các anh đánh Mỹ giỏi, sản xuất café nhiều nhất thế giới, nhưng chưa biết tinh chế.
Tuấn Anh kể, dân Âu chơi café sành điệu, thu mua, chế biến thuộc hàng nhất thế giới. Họ có thể chế tác cho từng khẩu vị, khi chua, khi đắng, đắng chua. Khách hàng là thượng đế, 10% Robusta 90% Arabica hay 100% một loại cho sành, kiểu gì cũng chiều. Nghe anh đàm đạo về café rất mê. Kiến thức nhà nông cộng với IT thành một tay chơi xứ Brussels.
Dù đã chuyển sang làm IT đã lâu, nhưng anh quyết không quên nguồn gốc.
Dám dấn thân, thì thành công dân toàn cầu chẳng khó
Trong đời đôi lúc bạn cũng phải đổi việc, một chuyện hết sức bình thường. Đôi lúc chuyển đổi cả vợ chồng do nhà không có điều kiện, việc bất đắc dĩ nhưng giời đày cũng phải làm.
Để chuyển nghề phải có kỹ năng chuyển đổi, đang IT sang nhà nông thì phần IT lập trình phải teo bớt đi và mảng “chân lấm tay bùn” phải nhiều kỹ năng hơn. Trong bối cảnh IoT, 4.0 như báo chí hay chính trị gia dùng làm cửa miệng, thì IT có thể giúp rất nhiều cho nghề nông.
Từ hai anh bạn IT - Nông dân nhảy việc, tôi nghiệm ra một điều, các anh có đam mê mới nhưng chuẩn bị khá kỹ cho việc chuyển đổi. Chả hiểu họ có thành tỷ phú hay không nhưng ít nhất hiện nay họ đủ tiền nuôi gia đình và theo đuổi thứ họ đam mê và cả những gì đã học.
Tới một lúc nào đó, nước mình cũng giống Mỹ, cứ dăm năm nhân viên lại nhảy việc. Nếu nhìn Tuấn Anh và Viết Hồng như những người dám dấn thân, thì chuyện dệt ước mơ bằng cỏ hay thành công dân toàn cầu chẳng có gì là khó.
Hiệu Minh - Thu Trà - Văn Chuyên