Những điều cha mẹ không nên làm
Đầu tiên, chúng ta phải ý thức được những điều cha mẹ không nên làm. Đó là trở thành một vị quan tòa để phán xét, buộc tội con mình.
Các con không cần chúng ta định danh con đang phạm tội gì, đang là một kẻ như thế nào... Con cái cần ở cha mẹ thái độ chở che, bảo bọc trong những lúc yếu đuối, khổ đau.
Cha mẹ cũng đừng vì quá yêu thương con mà không kìm chế được cảm xúc tức giận, thất vọng khi thấy con va vấp, thất bại... Bởi, những cảm xúc tiêu cực đó sẽ làm cho con thêm mất tự tin vào bản thân, không còn ý chí để vượt qua.
Cha mẹ không được thể hiện sự bi lụy, xót thương, hay khóc than. Làm như thế chỉ khiến con càng thêm nhụt chí, càng muốn buông tay, mắc kẹt sâu thêm vào vũng lầy khổ đau.
Tiếp đến, chúng ta không nên thúc ép con làm những gì con không thấy thoải mái, không được tự nhiên, chưa sẵn sàng để làm. Việc này sẽ khơi dậy những vết thương mà con đang cố gắng chăm sóc, chữa lành.
Chúng ta cũng không nên đặt ra kỳ hạn là trong bao lâu con phải chữa lành, con phải vượt qua, con phải ổn định, con phải đứng lên... Cha mẹ đừng hô những khẩu hiệu như: “Con là đứa rất là mạnh mẽ, con không thể như thế được”, “bố mẹ không thể chấp nhận một đứa con yếu đuối như vậy”….
Những câu nói này, cách nói này chỉ làm cho đứa trẻ thêm cảm thấy xấu hổ trước cha mẹ, thấy mình không xứng đáng, không thuộc về gia đình.
Cha mẹ đừng tự cho mình là bác sĩ chữa lành chuyên nghiệp dù có những yếu tố đặc biệt quan trọng mà các nhà chữa lành không có được là tình thương yêu con vô bờ bến.
Cha mẹ không có nhiều chuyên môn để có thể hiểu hết những ngóc ngách tâm lý, những nỗi khổ, niềm đau của con. Và cha mẹ cũng không có đủ các liệu pháp để giúp cho con mình được chữa lành hoàn toàn.
Với tình yêu thương của mình, cha mẹ có thể xoa dịu hoặc phần nào giúp con được chữa lành. Nhưng nếu muốn chữa lành tất cả thì phải trông cậy vào sự nỗ lực của riêng bản thân con, thậm chí cần có sự giúp đỡ của các nhà chữa lành chuyên nghiệp.
Những điều cha mẹ nên làm
Cha mẹ phải khiêm nhường, đừng quá tự tin và cho rằng chúng ta đã làm như thế rồi con sẽ được chữa lành, con phải vượt qua. Thay vào đó, cha mẹ nên đồng hành cùng con để vết thương lành đến đâu, cha mẹ sẽ cùng con hân hoan, vui mừng đến đó.
Cha mẹ cũng phải học cách lùi lại, im lặng và lắng nghe con mình thở than. Những lúc ấy, cha mẹ phải nghe cho thật sâu, nghe cho hết lòng để hiểu những niềm đau, nỗi khổ của con. Lắng nghe sâu như vậy sẽ cho con cảm giác được cha mẹ tôn trọng mình.
Thêm vào đó, mỗi khi thấy mình bất ổn, thấy mình tức giận… cha mẹ không nên đến gần con, không nên nói bất cứ một câu nào. Nếu không, cha mẹ chỉ kích hoạt vào vết thương của con, mời gọi những năng lượng tiêu cực trong con trỗi dậy. Điều này sẽ làm cho con sợ hãi, hoảng loạn.
Cha mẹ phải tập nói ra những lời yêu thương, những lời có tính chất nâng đỡ, nói lên điều hay, điều tốt đẹp về con. Cha mẹ cần nói ra những giá trị của con trong mắt mình để nhắc cho con nhớ lại rằng con không chỉ có những lầm lỡ, thất bại…
Ngược lại, con còn là những gì vô cùng tốt đẹp mà cha mẹ từng biết. Điều này rất quan trọng. Nó giúp cho con không đồng nhất với vết thương, với những nỗi khổ niềm đau, với sự thất bại để trở về với tổng thể tốt đẹp.
Cha mẹ có thể đánh thức trong con những giá trị tốt đẹp, những giá trị tích cực bằng cách tạo ra các chương trình phù hợp với khả năng của con trong mỗi giai đoạn. Chúng ta có thể cùng con ra ngoài đạp xe, đi dã ngoại, cắm trại, bơi lội…
Hoặc chúng ta có thể tạo ra các buổi thiền trà để ngồi lại với nhau trong sự ấm áp, chân thành. Đây là lúc cha mẹ cùng con lắng nghe nhau. Cha mẹ có thể chia sẻ kinh nghiệm vượt qua nỗi đau của bản thân nhưng hãy chia sẻ mà không mang tính áp đặt, không giáo điều, không phải là một buổi giảng giải luân thường đạo lý.
Những buổi tâm tình như thế, cha mẹ nói ra những yếu kém, thất bại của bản thân trong quá khứ để con thấy mình gần hơn, thật hơn. Như thế, con sẽ mở lòng và tiếp thu rất nhanh. Khi con thấy có người thân thiết bên cạnh, thực sự đồng hành và sẻ chia với mình, con sẽ có niềm tin, có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn.
Nhưng cũng có lúc chúng ta cảm thấy không còn giải pháp nào để giúp được con. Những lúc như thế, cha mẹ hãy ngồi yên, giữ sự vững chãi cho riêng mình, chăm sóc cảm xúc tiêu cực của mình, bớt lo nghĩ về con.
Cha mẹ hãy làm sao để mình có thể ngồi thật yên, thật thảnh thơi, nhẹ nhàng, trên môi lúc nào cũng sẵn nụ cười năng lượng, lúc nào cũng tỏa ra sự an lành. Như thế cũng là một cách giúp đỡ con.
Bởi, cho dù không tiếp xúc trực tiếp nhưng nặng lượng an lành của cha mẹ có thể đi đến con bất cứ lúc nào con kết nối với cha mẹ. Khi đó, cha mẹ vẫn là một điểm tựa an lành, vô cùng quý giá dành cho con.
Khi tình trạng của con quá nặng, cha mẹ hãy cầu cứu một người nào đó, một chuyên gia chữa lành chuyên nghiệp để được giúp đỡ chứ không nên cố chấp cho rằng chỉ có cha mẹ mới có thể giúp đỡ được con.
Chúng ta nên nhớ nguyên tắc giúp mà như không giúp. Đó là trong khi giúp đỡ con, cha mẹ đừng kẹp cái tôi của mình vào đó để thể hiện uy quyền, ép buộc con phải làm thế này, thế kia.
Cha mẹ đừng lợi dụng lúc con cái yếu đuối, mắc, phạm sai lầm để thao túng, dẫn dắt con theo ý định của mình. Chúng ta cũng đừng dựa vào sự thành khẩn, tha thiết muốn được giúp đỡ của con mà không kiềm chế được cảm xúc, tính cách muốn kiểm soát của mình.
Cha mẹ cũng đừng để bị mắc kẹt trong việc giúp đỡ con mà phải nhớ chúng ta là một ngọn núi vững vàng để cho con nương tựa. Trong suốt quá trình giúp đỡ con, cha mẹ vẫn phải giữ sự cân bằng với các mối liên hệ tình cảm khác, với các đứa con khác, với công việc, với đời sống.
Cha mẹ đừng nhập cuộc quá, đừng vào vai quá mà quên cắm rễ vào sự sống để rồi bị ảnh hưởng sâu nặng từ những năng lượng tiêu cực, độc hại của con, thậm chí trở thành nạn nhân của con.
Khi chúng ta giúp đỡ con cái vượt qua khó khăn, đau khổ cũng là quá trình chúng ta học hỏi để trở thành những người cha, người mẹ đích thực, vẹn toàn. Bởi, trong quá trình giúp đỡ con, cha mẹ cũng sẽ nhận ra những yếu kém, khó khăn của bản thân để tự điều chỉnh, chuyển hóa.
Thầy Minh Niệm sinh năm 1975. Quê quán: Châu Thành, Tiền Giang. 1992: Xuất gia tại Phật học viện Huệ Nghiêm, TP.HCM. Tại đây, hấp thu tư tưởng truyền thống Phật giáo Đại thừa. 2001: Chính thức bước lên con đường thiền tập. Thực hành dòng Thiền “Hiện Pháp Lạc Trú” dưới sự truyền dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tại Pháp. 2005: Bước sang thực hành Thiền Vipassana, dòng Quán Tâm, dưới sự dẫn dắt của Thiền Sư Sao Tejaneya, tại Mỹ. 2010: Xuất bản cuốn sách đầu tay, “Hiểu về trái tim”. Được xem là một hiện tượng vì nó là cuốn sách viết về tâm lý đầu tiên của người Việt bán chạy nhất trong nhiều năm cho đến tận bây giờ, từng được bình chọn là cuốn được yêu thích nhất, được dịch sang nhiều thứ tiếng. 2011: Thực hiện hành trình “tu bụi” 3 năm, đi bộ qua 25 tiểu bang nước Mỹ. Sống một mình nơi hoang dã và làm tình nguyện viên ở các nông trại hoa màu, trung tâm trị liệu tâm lý. 2014: Trở về Việt Nam, chia sẻ phương thức trị liệu tâm lý và khai sáng tâm trí bằng thiền tập cho nhiều trường đại học, doanh nghiệp… 2016: Xuất bản cuốn sách “Làm như chơi” - cũng là cuốn sách bán chạy nhất. 2021: Khởi động dự án đào tạo chuyên gia Thiền tâm lý trị liệu tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Đây là mô hình hoàn toàn mới mẻ, mang tính đột phá, vì nó đào tạo các nhà chữa lành tâm lý bằng con đường thiền tập, chuyển hoá và khai sáng bản thân liên tục suốt 2 năm. Gần đây, Thầy và cộng đồng Miền Tỉnh Thức phát triển nhiều dự án mang tính nuôi dưỡng tâm hồn, nâng dậy tinh thần đại chúng khắp xa gần trong thời khắc lịch sử nhân loại đứng trước đại dịch Covid-19. Điển hình là các chuỗi radio "Dìu con vào đời", “Bình yên giữa biến động”, “Nâng dậy tâm hồn”, và “Chỉ tình thương ở lại” được phát sóng trên Youtube và Spotify. |
(Trích Radio Dìu con vào đời, số thứ 5, Con ngã ai nâng)