Trong tiết trời lất phất mưa xuân, hình ảnh người đứng đầu Chính phủ trực tiếp điều khiển máy cấy để cấy lúa, cùng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng xuống đồng cùng bà con, như một sự chia vui trước việc nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong gieo cấy lúa.
Sau khi nghe báo cáo về mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất lúa (cánh đồng không dấu chân) tại Hải Dương, Thủ tướng bày tỏ phấn khởi khi bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, giảm chi phí, bớt lao động nặng nhọc, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất.
Có thể thấy rõ, nông nghiệp là lĩnh vực mà Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2023.
2023 được đánh giá là năm thực hiện đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Ngành đã chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết "tam nông" và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Với những điểm sáng, thành tích nổi bật năm 2023 như tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, ngành đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Vì thế, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong chuyến công tác tại Hải Dương, Thủ tướng cũng đã đi thăm vùng sản xuất cà rốt tập trung phục vụ xuất khẩu tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng; thăm cơ sở sơ chế, đóng gói cà rốt tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Chính.
Trực tiếp xuống đồng thu hoạch cà rốt cùng nông dân, nói chuyện, động viên bà con, cắt băng chúc mừng xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu Xuân Giáp Thìn 2024 đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Thủ tướng biểu dương mô hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà rốt của xã Đức Chính.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp, gợi ý việc hình thành các hợp tác xã chuyên môn (chuyên về từng khâu trong sản xuất) và liên kết, hỗ trợ nông dân, phát triển kinh tế chia sẻ.
Một điểm đáng chú ý được Thủ tướng gợi mở, đó là trong quá trình này phải luôn thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư phát triển hạ tầng để giảm chi phí logistics. Đồng thời, cần đầu tư chế biến sâu, tự động hóa nhiều hơn để nâng cao chất lượng, giảm giá thành và tạo sự cạnh tranh cao hơn cho sản phẩm.
Thay đổi tư duy cũng là cách làm nên thành công của ngành nông nghiệp trong năm 2023 khi đã vượt "cơn gió ngược", chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế để đạt thành tựu.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng từng đặt ra yêu cầu, ngành phải đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2024, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, coi đây là động lực mới, đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.
Và khi 60-70% dân số Việt Nam là nông dân thì chính họ mới là người quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số Việt Nam.
Với nông nghiệp, yêu cầu không chỉ là xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, quy hoạch vùng nguyên liệu, mà còn là chủ động mời gọi, kết nối, giúp đỡ các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm cho người dân, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, ngân hàng và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tất cả những việc trên nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định, xanh, bền vững và giúp bà con nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.