Đây là chuyến công du thứ 5 của nhà lãnh đạo Nga tới Việt Nam. Tổng thống Putin từng đến Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013 và 2017.
Chuyến thăm lần này của Tổng thống Nga diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga phát triển mạnh mẽ. Việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ở Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập kinh tế rất cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với 224 đối tác và hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế, ký kết hơn 90 hiệp định thương mại song phương, khoảng 60 hiệp định thúc đẩy và bảo hộ đầu tư lẫn nhau, và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA).
Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh và hứa hẹn nhất trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 38% và có triển vọng trở thành nền kinh tế kỹ thuật số lớn thứ hai ở Đông Nam Á vào năm 2025.
Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập dựa trên cơ sở tự quyết, hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập quốc tế. Đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế cho phép Việt Nam củng cố vị thế của mình, từ đó thu hút các nước trên thế giới ủng hộ Việt Nam đảm bảo lợi ích quốc gia, trong đó có vấn đề nhân quyền và bình đẳng giới.
Hiện nay, Việt Nam duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Australia. Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga.
Việt - Nga: Mối quan hệ truyền thống
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga có bề dày lịch sử, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn nhân dân Liên Xô, trong đó có nhân dân Nga về sự giúp đỡ chí tình, to lớn, hiệu quả dành cho chúng tôi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và về sự hợp tác đầy hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay”.
Năm 2024 đánh dấu tròn 30 năm kể từ khi ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị và 12 năm kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Kể từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và Nga không ngừng được củng cố. Hợp tác song phương phát triển nhanh chóng. Hai nước có nhận thức chung là cần tiếp tục mở rộng trao đổi quan điểm và duy trì đối thoại thường xuyên ở các cấp, tại các diễn đàn song phương và đa phương. Điều này cho phép hai bên đánh giá kịp thời tình trạng hiện tại của mối quan hệ song phương và đưa ra các biện pháp để phát triển hơn nữa, cũng như điều phối lập trường của hai bên trên trường quốc tế.
Trong những năm gần đây, lãnh đạo hai nước đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á mà Tổng thống Nga tới thăm 6 lần (ông Putin 5 lần; ông Dmitry Medvedev 1 lần vào năm 2010). Nga cũng đã nhiều đón tiếp các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Hai nước duy trì đối thoại chính trị chuyên sâu ở cấp cao nhất, cũng như liên hệ chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Điều này cho phép hai bên thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được và ứng phó kịp thời với những thách thức hiện nay.
Hai bên có quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp hành động chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong các tổ chức, hiệp hội quốc tế như Liên Hợp Quốc, APEC, Diễn đàn ASEM, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở các nước châu Á (CICA)…
Nga ủng hộ quan điểm của Việt Nam giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong bối cảnh tăng cường và phát triển mối quan hệ chính trị giữa hai nước, được đặc trưng bởi mức độ tin cậy lẫn nhau cao, sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước được thể hiện trong các lĩnh vực như thương mại, kinh tế, năng lượng, quốc phòng và an ninh, giáo dục và đào tạo, khoa học và lĩnh vực công nghệ, văn hóa và nhân đạo.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Nga trong số các nước thành viên ASEAN. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga năm 2023 lên tới 3,6 tỷ USD, tăng 2,3% so với năm 2022.
Hợp tác đầu tư cũng ngày càng được tăng cường. Nhóm công tác cấp cao Nga-Việt về các dự án đầu tư ưu tiên đang hoạt động nhịp nhàng, trong khuôn khổ lộ trình đã thống nhất về một số sáng kiến kinh doanh chung trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, kỹ thuật cơ khí và nông nghiệp.
Một trong những “trụ cột hỗ trợ” quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt là hợp tác trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng, trước hết là hợp tác thăm dò và sản xuất dầu khí. Các hiệp hội chuyên ngành của hai nước (Gazprom, Zarubezhneft, Rosneft và Tổng công ty Dầu khí Nhà nước Petrovietnam) đang triển khai thành công các dự án chung tại Nga và Việt Nam. Cả hai bên cũng đang tìm kiếm các lĩnh vực hành động phối hợp mới, bao gồm năng lượng sạch và công nghệ thông tin và truyền thông.
Việt Nam và Nga cũng có truyền thống hợp tác lâu đời trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đào tạo chuyên môn cho quân nhân Việt Nam tại các trường đại học chuyên ngành của Nga.
Trong những năm gần đây, quan hệ trong lĩnh vực giáo dục và khoa học đã phát triển thành công. Trung tâm nghiên cứu và công nghệ nhiệt đới chung Việt - Nga là cơ sở độc nhất vô nhị trên thế giới. Nhiều thành tựu phát triển và nghiên cứu của trung tâm này trong lĩnh vực khoa học vật liệu và độ bền nhiệt đới, y học và sinh thái có tầm quan trọng lớn về mặt khoa học và ứng dụng.
Nhiều mối quan hệ tốt đẹp đã được thiết lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Việc trao đổi thường xuyên được thực hiện trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân hai nước và hoạt động công tác hợp pháp của họ tại Nga và Việt Nam.
Tương lai phía trước
Trong thời gian tới, quan hệ Nga-Việt có thể đạt mức độ phát triển cao hơn. Hai bên tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, nhờ tận dụng được những lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, đặc biệt trong các lĩnh vực hai nước có thế mạnh như dầu khí, năng lượng, du lịch, giáo dục, khoa học, công nghệ.
Ngoài các lĩnh vực truyền thống như điện, dầu khí, văn hóa, khoa học, giáo dục, Nga cũng quan tâm hợp tác với Việt Nam trong phát triển các lĩnh vực hợp tác mới, chủ yếu là tổ hợp nhiên liệu và năng lượng như năng lượng xanh.