"Don't be evil" (không thành kẻ xấu) là khẩu hiệu kinh doanh của Google. Nhưng qua nền tảng YouTube, cái xấu vẫn ngày ngày được lan rộng, đem về cho mạng xã hội video này hàng trăm triệu lượt xem. Đương nhiên, đi kèm đó là các hợp đồng quảng cáo.
YouTube - sân chơi của giang hồ mạng
Nhắc đến giang hồ mạng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến YouTube. Không phải ngẫu nhiên mà các cái tên bất hảo trong thế giới giang hồ mạng đều được biết đến từ nền tảng video trực tuyến này. Từ Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng đến Phú Lê đều trở nên nổi tiếng hơn từ YouTube.
Văn hóa giang hồ đang lan rộng trên Internet nhờ sự giúp sức của các nền tảng như YouTube, Facebook. |
Gọi là bất hảo bởi cả 4 cái tên được nhắc đến bên trên đều vi phạm pháp luật trong lúc phát triển kênh YouTubevới nội dung đầy bạo lực. Năm 2017, Khá Bảnh "xộ khám" vì tội tổ chức đánh bạc. Cùng năm, Dương Minh Tuyền chịu 32 tháng tù vì tội Gây rối trật tự công cộng và Hủy hoại tài sản. Trong khi đó, Huấn Hoa Hồng không ít lần bị bắt đi cai nghiện cưỡng bức vì sử dụng chất kích thích.
Mới đây nhất là Phú Lê, người thường xuyên rao giảng đạo đức, "nghĩa khí giang hồ" trên YouTube bị khởi tố vì tội Cố ý gây thương tích hai người phụ nữ lớn tuổi.
Điểm chung của 4 cái tên giang hồ mạng trên là họ đều sở hữu kênh YouTube có hàng trăm triệu lượt xem. Điều này giúp tư tưởng bạo lực, văn hóa giang hồ được truyền bá diện rộng. Đồng thời, việc YouTube trao nút vàng, nút bạc cho kênh của nhóm giang hồ mạng này phần nào khuyến khích nhân rộng tư tưởng này.
Tương tự, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền và Phú Lê trong nhiều video họ đều kêu gọi người xem nhấn đăng ký, chia sẻ để họ sớm có được những chứng chỉ vàng, bạc do YouTube cấp.
"Bầu sữa" nuôi sống giang hồ mạng
Năm 2017, cơ quan điều tra cho biết Khá Bảnh được thời gian đầu được 7.000 - 8.000 USD/tháng (khoảng 160-185 triệu đồng), tháng cao nhất được trả lên tới 19.500 USD (khoảng 450 triệu đồng).
Khi Khá Bảnh bị bắt, YouTube mới bắt đầu xóa kênh của người này. Trả lời Zing, YouTube đưa ra lý do kênh của Khá Bảnh bị xóa là bởi nó làm "tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trong mắt các nhà quảng cáo".
Ám ảnh sự nổi tiếng khiến giang hồ mạng ngày càng hoạt động mạnh mẽ. |
YouTube không thừa nhận đây là nội dung xấu, độc hại với người xem. "Hành vi tiêu cực tổn hại hình ảnh" là khái niệm mơ hồ, không nêu được bản chất những gì đang xảy ra với kênh Khá Bảnh và những giang hồ mạng khác.
Chính sự mơ hồ này khiến trào lưu giang hồ mạng không bị chấm dứt từ 2 năm trước mà tiếp tục nở rộ đến nay. Trong đó, cái tên Phú Lê là một điển hình.
Hiện, kênh YouTube của Phú Lê có 1,96 triệu người đăng ký và hơn 310 triệu lượt xem. Để so sánh, ca sĩ Bích Phương hiện có số người đăng ký kênh YouTube là 1,96 triệu, rapper Binz có 980.000 theo dõi và nghệ sĩ Việt Hương là 1,2 triệu lượt.
Giữa ca sĩ, rapper, diễn viên và một giang hồ mạng điển hình thì với YouTube, độ nổi tiếng được xếp ngang hàng nhau.
Bên cạnh câu chuyện hư danh nút vàng, nút bạc, YouTube cũng được xem là bầu sữa nuôi sống cái xấu, cái ác.
Như trường hợp của Phú Lê, người này kiếm tiền, kinh doanh phần nhiều dựa trên nền tảng YouTube.
Theo SocialBlade, ước tính kênh YouTube của Phú Lê nhận được từ 3.700-60.000 USD mỗi tháng tiền quảng cáo từ những nội dung giang hồ mạng. Ngoài ra, YouTube cũng giúp Phú Lê kiếm tiền từ việc quảng bá các loại thực phẩm chức năng, thuốc tăng cường sinh lực.
Điều này lý giải vì sao Phú Lê mạnh tay đầu tư hàng trăm triệu để quay những video đầy máu me và bạo lực như Chạm mặt giang hồ phần 1 và phần 2.
Với vài trăm triệu đồng làm MV, thứ Phú Lê nhận lại là sự nổi tiếng trong giới giang hồ, kênh quảng bá sản phẩm thực phẩm chức năng và cả tiền quảng cáo từ YouTube.
Facebook xem một gã giang hồ là "người của công chúng"
Ngoài YouTube, Facebook cũng tạo điều kiện để Phú Lê từ một gã giang hồ bước chân vào thế giới của sự nổi tiếng. Theo đó, trang cá nhân của Phú Lê được Facebook cấp tick xanh từ năm 2019.
Facebook định nghĩa tick xanh cho người dùng biết tài khoản đã được xác nhận chính chủ dành cho người của công chúng, người nổi tiếng hoặc các nhãn hiệu toàn cầu.
Ngôn ngữ, hành động bạo lực lan truyền trên Internet rất nhanh nhờ sự giúp sức của các nền tảng như Facebook, YouTube. |
Ngoài Phú Lê, Huấn Hoa Hồng cũng được mạng xã hội này xác nhận là "người của công chúng" dù liên tiếp sử dụng ma túy, phát ngôn chửi bới trên trang cá nhân. Điều này khiến việc trở thành người nổi tiếng theo "chuẩn" của Facebook đang dần vô giá trị.
Không chỉ vô giá trị khi tick xanh xuất hiện bừa bãi mà còn bởi dấu xác nhận này không giúp được gì cho người sở hữu.
Gần đây nhất là câu chuyện Ivanovic. Dù sở hữu trang tick xanh nhưng khi bị hacker chiếm quyền, livestream bán quần áo, Facebook hoàn toàn không có sự hỗ trợ nào.
Đồng thời, fanpage tick xanh cũng đang trở thành món hàng béo bở trên chợ đen. Với tính năng quảng cáo livestream hái ra tiền, nhiều người bán hàng online luôn muốn sở hữu một trang như vậy. Nhu cầu này khiến trang tick xanh trở thành mục tiêu mới của các hacker.
Nhiều chuyên gia cho rằng cách quản lý tài khoản tick xanh này của Facebook có thể dẫn đến những hệ lụy to lớn về sau.
"Đặc quyền của fanpage tick xanh là có thể mua quảng cáo cho video phát trực tiếp. Facebook không thể kiểm duyệt nội dung của quảng cáo livestream nhưng vẫn muốn nhận tiền từ quảng cáo. Bằng chứng là hàng giả với logo của các thương hiệu được bán công khai trong livestream", Minh Phương, chuyên gia Digital Marketing từ SeaEvent cho biết.
(Theo Zing)
Lật tẩy chiêu trò lừa đảo, giả mạo nhiều thương hiệu lớn để bán hàng trên Facebook
Mua hàng online đang là xu thế phát triển mạnh trong thời đại 4.0. Nhưng đi kèm với sự thuận lợi và phổ biển của nó là thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.