Ông chủ khách sạn đi làm nông dân
Một chiều đầu tháng 4, dẫn chúng tôi vào thăm khu chăn nuôi ốc khép kín của mình tại thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) với từng ô ao được chia đều giữa đồng cát trắng bốn phía hoang sơ, ông Phạm Văn Dũng giới thiệu đây chỉ là 1 trong 5 trang trại ốc hương mà mình đang sở hữu.
Đi tới ao nuôi phía được lót bằng bạt đen, ông khoe: “Ốc trong ao này còn vài ngày nữa đến kỳ thu hoạch. Giá dịp này cao kỷ lục, lên tới 360.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với giá năm ngoái mà vẫn không đủ hàng bán cho các mối. Thế nên, dự là năm nay thắng to”.
Năm 2005-2006, ông Dũng đầu tư tiền làm khách sạn nhỏ ở nơi mình sinh sống, quy mô chỉ 20 phòng nhưng là thu nhập chính của gia đình. Còn bây giờ, vừa làm ông chủ khách sạn, vừa làm nông dân nuôi ốc hương, nhưng nghề nông lại cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần thu nhập từ khách sạn.
"Kho báu" ốc hương của ông Dũng lên tới hàng trăm tấn dưới đáy ao |
Ông kể, thời bắt đầu với sự nghiệp làm nông của mình, ông chọn con tôm chứ không phải con ốc. Khi ấy, ông thuê cả một khu đất hoang ở vùng đất cát đầy nắng và gió Lào này. Mất hơn một năm trời cải tạo, thuê máy móc về đào ao nuôi tôm. Chưa tính đến công sức bỏ ra, chỉ riêng tiền của, ông đã đổ ra cả tỷ đồng để đầu tư.
Song, con tôm rất khó nuôi vì nhiều bệnh, giá cả lại bấp bênh. Thành ra, suốt 5 năm ròng nuôi tôm, số lần thua lỗ nhiều hơn số lần trúng mùa trúng giá. Đặc biệt, có những lần ông mất tiền tỷ vì tôm rớt giá, chết do nhiễm bệnh.
Đến năm 2016, trước ảnh hưởng của sự cố môi trường Formosa, nhận thấy nghề nuôi tôm khó khăn, với diện tích 15ha ao tôm của mình, ông muốn chuyển sang đối tượng nuôi mới. Tình cờ lên Internet để tìm hướng làm ăn mới phù hợp với địa hình giáp biển, đồng thời tận dụng được ao nuôi tôm sẵn có, ông nhận thấy mô hình nuôi ốc hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại ít rủi ro.
“Thế là tôi quyết định khăn gói vào các mô hình nuôi con ốc hương này đã thành công ở trong Nam để học tập kỹ thuật nuôi của họ. Nửa năm sau, tôi trở về, bắt đầu nuôi lứa ốc đầu tiên”, ông nói.
Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, những nơi khác họ nuôi ốc hương bằng ao đất, nước xả ra vào theo mương, còn ông chế lại ao nuôi bằng cách lót bạt xuống dưới đáy ao, bỏ cát lên trên bạt và bơm nước vào nhằm tạo môi trường sống sạch, hạn chế bệnh cho con ốc hương này.
Diện tích ao nuôi ốc hương của ông hiện tại đã lên tới 18ha |
Người làm ở trang trại đang cho ốc hương ăn |
Theo ông Dũng, thức ăn của ốc hương là tôm và cá tươi. Trang trại của ông cạnh biển nên ngoài tôm, ông còn mua cá nục làm thức ăn cho ốc, bởi cá nục vừa rẻ, nguồn hàng lại nhiều. Dùng cá nục làm thức ăn cho ốc sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm ốc hương.
“Không vất vả như con tôm để rồi lo được lo mất, lứa ốc hương đầu tiên sau 7-8 tháng nuôi đã giúp tôi trúng lớn”, ông tâm sự. Giá ốc hương tùy từng thời điểm, có khi chỉ 170.000 đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm lên tới 300.000-400.000 đồng/kg.
Hiện nay, ông Dũng có 5 trang trại nuôi ốc hương với tổng diện tích lên tới 18ha. Sản lượng ốc đạt khoảng 200 tấn/năm. Từ năm 2017 đến nay, lứa ốc nào cũng trúng lớn. Ông chưa chịu cảnh thua lỗ vì con ốc này bao giờ. Thế nên mỗi năm, chỉ riêng bắt ốc hương thương phẩm lên bán cho thương lái Trung Quốc và tiêu thụ nội địa, doanh thu đã đạt khoảng trên 34 tỷ đồng. Trừ đi chi phí, ông lời 17 tỷ đồng.
“Nhiều người hỏi tôi làm ông chủ khách sạn, lại chủ của 5 trang trại ốc hương lớn nhất vùng này vậy có phải lội ao mò bắt ốc lên bán không? Tôi đương nhiêu là phải làm rồi. Ngày thu hoạch cũng xuống ao mò bắt ốc giống như những người làm khác mà tôi thuê. Tiền của mình cả. Bắt ốc bán còn thu tiền lời”, ông cười nói.
Nuôi loại ốc có tí hon có giá đắt đỏ
Sau khi đi qua khu ao nuôi được ví như “kho báu” chứa hàng trăm tấn ốc dưới ao, ông Dũng dẫn chúng tôi vào khu nhà, bên trong là những bể nước hình vuông được xây bằng xi măng kiên cố, hệ thống dây dẫn oxi được trang bị cho từng bể đầy đủ. Ông cho hay toàn bộ khu nhà này để làm con ốc giống. Chúng được phân thành từng khu gồm: ốc bố mẹ đẻ lấy trứng; khu bể chứa trứng ấp nở và một khu nuôi ốc giống tới khi kích thước đạt chuẩn (khoảng 40.000-50.000 con/kg) thì đưa ra ao nuôi.
“Khu làm ốc giống này có bao nhiêu bể tôi không nhớ chính xác, nhưng diện tích thì phải đến hơn 1ha chứ không ít”, ông chia sẻ.
Ốc bố mẹ được nuôi trong bể để lấy trứng |
Đây là khu ấp nở |
Ốc hương kích thước đạt tiêu chuẩn để đưa ra ao nuôi thương phẩm. Một năm ông Dũng sản xuất khoảng 100 triệu con ốc hương giống loại này |
Ông cho biết, năm 2017 khi mới nuôi con ốc hương, ông phải nhập giống ở các địa phương khác với giá khá đắt đỏ. Vì vậy, khi bán ốc thành phẩm không thu được lợi nhuận cao như bây giờ. Mãi đến năm 2019, ông quyết định đầu tư tiền của xây khu sản xuất ốc giống để có quy trình nuôi khép kín từ lúc ốc đẻ trứng cho đến khi thành ốc thương phẩm bán ra thị trường.
Quy mô nhà nuôi ốc giống mới đầu chưa lớn, số ốc giống làm ra chủ yếu để thả ao nuôi ở các trang trại của mình, thừa mới bán ra thị trường. Kỹ thuật làm con giống theo ông Dũng là khá phức tạp. Thế nên, để duy trì được khu nhà sản xuất ốc hương giống này, ông phải thuê thêm người có kinh nghiệm, kỹ thuật giỏi về làm, bởi một mình ông không thể làm xuể.
Vớt lên tay một nắm ốc hương tí hon, ông nói đây là ốc hương giống có kích thước đạt chuẩn để đưa ra ao nuôi. Từ khi ấp nở thành con đến khi đạt được kích thước này phải mất 1,5 tháng nuôi trong bể.
Tính cả ốc giống và ốc thương phẩm, mỗi năm ông Dũng lãi khoảng 19-20 tỷ đồng |
“Nói thế thì rất khó hình dung. Nhưng cứ tính là 40.000 con ốc giống loại này thì được 1kg. Nếu tính theo giá thành thì ốc này rất đắt đỏ”, ông nói.
Năm ngoái ông đã có ốc giống bán ra thị trường nhưng số lượng chưa nhiều. Năm nay với diện tích khu nuôi rộng, ông dự kiến sản xuất ra khoảng 100 triệu con ốc giống. Một nửa số ốc này ông để thả nuôi ở trang trại của mình, nửa còn lại bán ra thị trường.
Nhu cầu mua ốc hương giống của bà con vùng này rất lớn. Bán 50 triệu con ốc giống ra thị trường, ông Dũng khiêm tốn nhận rằng mình có lời thêm khoảng 1,5-2 tỷ đồng. Đặc biệt, ông đang có hướng mở rộng diện tích ao nuôi nên sản xuất được ốc hương giống sẽ giúp ông chủ động hơn trong vấn đề thả nuôi, ông nói.
Tâm An - Anh Đức
Ảnh: An Nhiên