LỜI TÒA SOẠN:

Sống ở bất cứ môi trường nào, chúng ta cũng có những người hàng xóm và có những câu chuyện bi hài khó nói. Báo VietNamNet mở diễn đàn Chuyện hàng xóm. Mời quý độc giả chia sẻ những câu chuyện của mình qua địa chỉ mail: Bandoisong@vietnamnet.vn. 

Mấy tháng hè con cái được nghỉ nên tôi đưa chúng về quê ngoại chơi. Ở quê đất rộng, cây cối mát mẻ, được chạy nhảy nên lũ trẻ rất thích. Tôi cũng tranh thủ gác lại công việc về ở với bố mẹ vài ngày, rồi gửi các con ở quê nhờ bố mẹ trông.

Nhưng mấy ngày ở quê, tôi luôn cảm thấy khó chịu vì mới 6h các bác hàng xóm đã sang nói chuyện vang nhà. Các bác lớn tuổi nghễnh ngãng nên chuyện gì cũng nói to. Các con tôi liên tục bị giật mình, tỉnh giấc.

Có hôm tôi bực quá phải ra nhắc khéo: "Các bác nói chuyện nhỏ chút ạ, cháu bé đang ngủ". Thấy tôi tỏ thái độ, mấy bác nán lại chừng 5 phút rồi ra về. Bố tôi không hài lòng với cách ứng xử của tôi, nên nhắc tôi lần sau không được nói vậy.

Tôi lại tặc lưỡi: "Ở quê đúng là vô công rồi nghề. Mọi người không phải làm gì sao mà sáng sớm đã sang uống nước thế ạ, không cho người ta ngủ. Nhà mình bình thường không có trẻ nhỏ, chứ nhà có trẻ thì sao chịu nổi?". 

hangxom4.jpg
Ảnh minh họa: FP

Bố nghe tôi nói vậy thì lắc đầu. Hôm sau, lại có vài bà sang buôn chuyện với mẹ tôi từ sớm. Hôm đó tôi nhớ mẹ bảo còn phải đi góp giỗ, nhưng mấy bà cứ ngồi chôn chân ở đó từ 6h30 đến 9h chưa về.

Mẹ tôi cứ nhấp nhổm nhưng không dám đứng dậy vì sợ họ tự ái. Mà cuộc nói chuyện có gì đâu, toàn là chuyện lông gà vỏ tỏi. Thế nhưng, gần 10h mẹ tôi mới đi góp giỗ được. 

Mấy ngày ở quê, tôi rất khó chịu vì tiếng ồn ào và những câu chuyện trời ơi đất hỡi của các bác ấy. Có bác còn hỏi tôi: "Lương cháu cao không, chồng con ít về thế" làm tôi rất bực. Tôi ghét ai tò mò chuyện lương lậu, chồng con của mình.

Bởi lẽ nhiều lần tôi về một mình, họ đã ác ý đồn tôi bỏ chồng. Vậy nên mấy lần thấy hàng xóm sang, tôi chỉ chào vội một câu rồi vào buồng, không tiếp chuyện ai cả.

Và lần nào trước khi lên thành phố, tôi cũng nhắc mẹ: "Mẹ ngủ nhiều chút, dậy sớm làm gì cho khổ. Mẹ cũng đừng tiếp chuyện người ta nhiều quá, rồi lại mang tiếng nhà mình là trung tâm buôn chuyện". 

Đã ngoài 70 tuổi, nhưng ngày nào mẹ cũng lọ mọ dậy từ 5h để đun nước sôi, pha trà, chuẩn bị tiếp khách.

Mới đây, tôi về đón các con, thấy cảnh đó lại diễn ra. Tôi than phiền tại sao mẹ lại phải khổ như vậy, nước nhà ai, người ấy uống, sao phải dậy từ sớm để phục vụ họ? Mẹ nhẹ nhàng bảo: "Mẹ dậy sớm quen rồi, chẳng mệt đâu. Người ta quý mới sang nhà mình.

Bố mẹ sống ở quê, có tình làng nghĩa xóm mới vui, có ai để nương tựa lúc hoạn nạn ngoài hàng xóm? Các con ở xa, trông cậy vào mấy đứa con thì chắc ông bà già này chết lâu rồi.

Hôm nọ, bố con lên cơn khó thở giữa đêm, mẹ phải gọi ông Mạnh (nhà bên cạnh -nv) sang hỗ trợ dùng cái máy trợ thở. Không có ông ấy thì mẹ loay hoay nửa tiếng không xong, bố con làm sao mà chịu được.

Ngày xưa con bé, mẹ đi vắng, phải gửi con sang nhà các bác ấy suốt. Con ăn cơm nhà các bác ấy, chơi với con các bác ấy mà giờ quên rồi à? Người ta có nói gì thì cũng là chuyện làng, chuyện xóm. Ở đây không giống thành phố đâu con".

Những lời nói ấy khiến tôi giật mình. Đúng là nhiều năm nay tôi chỉ về quê những dịp đặc biệt, đôi khi chưa kịp quen nhịp sống của làng quê thì đã về lại thành phố. Bố mẹ đã sống ở đây cả đời, quen với việc hàng xóm ghé thăm, chia sẻ chuyện hàng ngày. 

Sáng hôm sau, khi mấy bác hàng xóm ghé qua, tôi lại nghe tiếng cười nói rôm rả. Lần này, thay vì cảm thấy khó chịu, tôi thử ngồi lặng lẽ để quan sát. Và tôi nhận ra rằng, những cuộc gặp gỡ này mang lại niềm vui lớn lao cho bố mẹ tôi.

Độc giả Thanh Bình