Chật vật chống đỡ “bão giá”
Khảo sát thị trường cho thấy, nhiều sản phẩm lương thực chế biến gần đây đồng loạt tăng giá, ví như các loại mì ăn liền, bún, phở khô đóng gói,... đã tăng 12.000-21.000 đồng/thùng. Tại các siêu thị, mì Gấu đỏ trước đây có giá khoảng 72.000 đồng/thùng nay tăng lên 86.000 đồng/thùng, phở Vifon 173.000 đồng nay lên 193.000 đồng/thùng, mì Hảo Hảo trước kia 100.000 đồng/thùng nay tăng lên 112.000 đồng/thùng.
Công ty TNHH Vnflour, đơn vị cung cấp bột mì cho các DN chế biến thực phẩm, cho hay công ty đã phải điều chỉnh tăng 5-10% giá các sản phẩm. Từ năm 2021 đến đầu năm nay, giá lúa mì thế giới tăng gần 100%, có thời điểm từ hơn 200 USD/tấn tăng lên 400 USD/tấn. Do đó, giá bột mì cung ứng cho các DN sản xuất buộc phải thay đổi theo tỷ lệ thuận với giá nguyên liệu đầu vào.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết, thời gian qua chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập đã tăng 20-30%, nguyên liệu trong nước cũng tăng giá. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao khiến các DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm gặp khó khăn. Có nhiều đơn hàng thực phẩm ăn liền, đồ uống, bún, miến, mì ăn liền từ Mỹ, châu Âu,... nhưng các DN không dám nhận vì không có vốn mua nguyên liệu dự trữ.
Nếu trước đây cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí phải cần tới 150 tỷ đồng. Các DN đang khó khăn muôn bề. Nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến không còn giữ được giá, bởi mức tăng đầu vào rất cao. Dù vậy, các đơn vị sản xuất, kinh doanh vẫn nỗ lực để không tăng giá “sốc”. Nhưng mức giá hiện nay với nhiều sản phẩm vẫn chưa bù đắp được chi phí, sẽ không thể kéo dài lâu được.
Chủ tịch HĐQT chuỗi thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho biết, thời gian qua, giá hàng loạt nguyên liệu đầu vào như cám, ngô, đậu tương,... tăng theo giá xăng, mức 20-40%, khiến công ty thực sự “ngấm đòn”. Tình hình giá đầu vào tiếp tục tăng như hiện nay buộc DN phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm, tuy nhiên lại gặp bất lợi là khả năng cạnh tranh của sản phẩm giảm, doanh số giảm nên rất khó khăn.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cũng cho hay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30-40% kể từ đầu năm; chi phí nguyên vật liệu như bao bì, phí logistics, phí cầu đường đều tăng, lương cơ bản cũng tăng,... Chi phí đầu vào vẫn cứ tăng, chưa có điểm dừng.
Hiện DN cố giữ giá được đến lúc nào hay lúc đó. Nhưng nếu mọi thứ vẫn tiếp tục tăng giá, DN chịu đựng hết nổi thì sẽ điều chỉnh giá bán, ông chia sẻ.
Đáng lo là, nếu tăng giá, DN cũng rất khó bán vì sau hai năm khó khăn vì dịch Covid-19, người tiêu dùng rất cân nhắc chi tiêu. Sức mua giảm, hàng bán không được, nên nhiều sản phẩm tiếp tục lỗ. Không ít DN đang tính toán lại cơ cấu sản phẩm với giá trị lợi nhuận thu được. Ví dụ, những sản phẩm bán được nhiều nhưng lợi nhuận thấp, từ 5% trở xuống thì giảm dần, tập trung vào những sản phẩm có giá trị lợi nhuận từ 10-15%. Vì vậy, nguy cơ sẽ dẫn tới khan hiếm hàng hóa.
Với hàng xuất khẩu, theo các DN, việc nâng giá sản phẩm không thể thực hiện ngay và trong một số trường hợp là bất khả thi, vì đã cố định trong hợp đồng ký kết trước đó từ 6 - 8 tháng. Do vậy, DN chỉ còn cách sản xuất cầm chừng, tích lũy nguyên liệu theo kiểu “ăn đong”. Điều này gây ra nhiều rủi ro và bị động.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện giá thức ăn đã tăng 30%-40% so với cuối năm 2021 và sẽ còn tăng tiếp. Giá thức ăn tăng cao đẩy giá thành chăn nuôi gà, lợn tăng. Giá bán có tăng nhưng nhiều người chăn nuôi không dám tái đàn, do không có lợi nhuận, ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết.
Thuế, phí vẫn là gánh nặng
Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, giá nhập khẩu các mặt hàng chiến lược, thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, lương thực và nhiều nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục tăng cao. Chẳng hạn, giá nhập lúa mỳ tăng 39,5%; phân bón tăng 48%, than đá tăng gần 110%, xăng dầu tăng 123% so với cùng kỳ năm 2021. Một số mặt hàng chạm mốc kỷ lục, đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều ngành sản xuất công nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, DN đang trong thời điểm phục hồi sản xuất, lấy lại thị trường thì gặp khó với chi phí đầu vào tăng cao. Nhiều DN đã mất khách hàng hoặc phải bỏ khách hàng giữa chừng. Bên cạnh đó, đời sống người lao động cũng bị ảnh hưởng, chi tiêu giảm nên sức mua giảm. “Bão giá” giống như một vòng xoáy tác động liên tiếp dẫn đến suy giảm kinh tế.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của các hiệp hội DN, DN thành viên về vấn đề khó khăn do “bão giá” gây ra, không chỉ với riêng ngành lương thực chế biến thực phẩm.
Kiến nghị phổ biến nhất của các DN hiện nay là Chính phủ cần giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ DN. Tình hình kinh doanh gặp khó khăn, chưa kịp hồi phục sau đại dịch, lại gặp ngay “bão giá” khiến chi phí đầu vào tăng mạnh, nếu không được hỗ trợ giảm thuế, phí thì nhiều DN có nguy cơ khó tồn tại.
Trong khi đó, thu ngân sách vẫn tăng trưởng hai con số. Như năm ngoái, dù đại dịch Covid khiến nhiều DN kiệt quệ, đời sống người dân khó khăn nhưng số thu vẫn tăng 16% với hơn 60.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy gánh nặng thuế, phí vẫn áp lực rất lớn cho người dân và DN.
Trần Thủy