Cho dù Chính phủ và Bộ TT&TT rất nỗ lực để triển khai đấu giá băng tần 4G, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng về pháp lý. Điều này khiến các nhà mạng Việt Nam tuy đã cung cấp dịch vụ 4G nhưng lại chưa được cấp phép băng tần 4G. Vì vậy, các nhà mạng không đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng với nhu cầu Internet di động đang tăng mạnh.
Trước đó, Bộ TT&TT cho biết, trong quá trình triển khai đấu giá băng tần 2,6 GHz, phải áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản công nên việc đấu giá quyền sử dụng tần số cần rà soát lại trình tự, thủ tục cho phù hợp với quy định mới. Thêm vào đó, việc xác định giá khởi điểm với băng tần này cũng gặp nhiều khó khăn do đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (một loại tài sản vô hình), trong khi Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg chỉ quy định về nguyên tắc xác định giá, chưa quy định phương pháp cụ thể xác định giá khởi điểm.
Để giải quyết khó khăn, Bộ TT&TT đã phối hợp, lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Trên cơ sở ý kiến trả lời của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT đang dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn để triển khai cấp băng tần 2,6GHz. Đối với nội dung về xác định giá khởi điểm, Bộ TT&TT đã thuê Tổ chức thẩm định giá xác định giá trị băng tần 2,6GHz theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Trên cơ sở kết quả của Tổ chức thẩm định giá, Bộ TT&TT báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 26/7/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn trong cấp thêm băng tần để nâng chất lượng, dịch vụ mạng 4G. Hiện lưu lượng băng thông dành cho mạng 4G trên băng tần 1800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G. Tốc độ trung bình Inetrnet của Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới. Vì vậy, Bộ TT&TT đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz để các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 4G và có 4 doanh nghiệp đăng ký. Đây là những doanh nghiệp đã triển khai mạng 4G thực tế tại Việt Nam. Song giữa các bộ ngành liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện việc cấp phép.
Đầu tháng 1/2020, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ TT&TT đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz triển khai mạng 4G cho các doanh nghiệp viễn thông theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 20/6/2020.
Một trong những kịch bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra là đấu giá tần số 4G và 5G. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta nên sớm đấu giá tần số 4G và 5G trong quí 1/2020 để có thể cấp cho các nhà mạng viễn thông băng tần này. Do đây là lần đầu thực hiện đấu giá nên vướng mắc một số quy định dẫn đến chưa thể tiến hành, vì vậy phải có quyết định đặc biệt của Chính phủ để có thể đấu giá băng tần đúng tiến độ. Khi đấu giá sẽ thu về 6.000 - 8.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các nhà mạng sẽ đẩy mạnh đầu tư, kích cầu cho xã hội, tạo ra các dịch vụ mới để tăng doanh thu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngày 10/3/2020, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi Nghị định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp phép thông qua đấu giá theo trình tự thủ tục rút gọn.