Khó phát hiện và xử lý các vi phạm sở hữu trí tuệ trên Internet
Theo ông Marc E.Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ đem lại lợi ích trong trong phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, với sự phức tạp trên không gian mạng, quyền sở hữu trí tuệ rất dễ bị xâm phạm. Điều này không chỉ gây thiệt hại đến chủ sở hữu mà còn tác động tiêu cực đến người dùng.
Đại sứ Marc E.Knapper cũng nhấn mạnh sản phẩm âm nhạc, video… được phát hành trực tuyến bị rất nhiều đối tượng xâm phạm về sở hữu trí tuệ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, tinh thần với các nghệ sĩ. Vị Đại sứ cho rằng Việt Nam cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa bởi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng chính là bảo vệ sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng với sự tham gia của nhiều chuyên gia. |
Chia sẻ tại Hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng diễn ra sáng nay 26/9, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các hoạt động kinh doanh trực tuyến đang bùng nổ với đa dạng nền tảng kinh doanh, hình thức giao dịch. Bên cạnh những lợi ích, mô hình kinh doanh trực tuyến cũng mang đến nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khi mà các hoạt động giao dịch thương mại đã vượt qua giới hạn địa lý, lãnh thổ.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng đánh giá, dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn còn không ít tồn tại. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi hơn, được thực hiện bằng nhiều phương thức, công nghệ, thủ đoạn mới khiến người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện.
Gần đây, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống sang các website thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo…“Với tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc phát hiện và xử lý đối tượng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vô vùng khó khăn”, ông Nguyễn Quang Dũng nêu.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng các cơ quan thực thi pháp luật đã xử lý nhiều vụ việc, hành vi gian lận trong lĩnh vực này. Nhưng cần có sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc chống vi phạm trên không gian mạng.
Bổ sung quy định về sở hữu trí tuệ trên không gian mạng
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình... tạo ra các phương thức sáng tạo mới. Song cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của những cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.
Ông Đoàn Văn Việt nhận định hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, trở thành thách thức lớn trong xác định và xử lý hành vi vi phạm bản quyền.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng thông tin thêm về Luật Sở hữu trí tuệ vừa được thông qua với nhiều nội dung mới sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan; bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng. Bộ luật mới có hiệu lực thi hành vào đầu năm sau sẽ là cơ sở pháp lý để thực thi về quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.
Ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, theo các chuyên gia, muốn thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số, Việt Nam và các quốc gia cần chung tay phối hợp xử lý, nhất là với tội phạm xuyên biên giới. Các hành vi phải được xử lý nghiêm để làm gương.
Duy Vũ
Đề xuất kiểm tra chất lượng hàng hoá trên các sàn TMĐT
Hàng hoá bán trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) có thể được kiểm tra, so sánh tính thống nhất của thông tin trên các trang mạng bán hàng với thực tế.