Sau hơn 1 tháng ra quyết định thu hồi 819 phù hiệu kinh doanh vận tải, trong đó có xe vi phạm hơn 2.000 lần/tháng, đến nay Sở GTVT Hà Nội chỉ nhận được 9 phù hiệu. Tình trạng này cũng xảy ra phổ biến tại các địa phương.
Điều 12 Nghị định số 10/2020 quy định xe khách, ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Nghị định cũng quy định, sẽ thu hồi phù hiệu, biển hiệu phương tiện khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT cho thấy trong 1 tháng vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km xe chạy.
Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, khi bị thu hồi phù hiệu thì xe đó sẽ không được lưu thông trên đường.
Tuy nhiên trên thực tế cho thấy nhiều chủ phương tiện không tuân thủ quy định, chây ì không nộp phù hiệu, biển hiệu.
Tháng 4, Sở GTVT Hà Nội cho biết đã ra quyết định tước phù hiệu, biển hiệu của 819 phương tiện vi phạm tốc độ, trong đó có nhiều phương tiện vi phạm hàng trăm lần/tháng.
Cá biệt xe hợp đồng mang BKS 29B-147.12 của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Hòa Phát vi phạm tốc độ 2.040 lần trong tháng 1/2023.
Ngày 9/5, trao đổi với VietNamNet, đại diện phòng Quản lý phương tiện, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến nay đơn vị này chỉ nhận được 9/819 phù hiệu doanh nghiệp tự giác nộp về. Phòng đã chuyển thông tin cho thanh tra Sở GTVT Hà Nội xử phạt.
Tương tự, tại Bắc Ninh, sáng 16/5, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo phòng Quản lý phương tiện, Sở GTVT cho biết, từ tháng 1-3, đơn vị này ra 3 quyết định thu hồi phù hiệu của 68 phương tiện. Tuy nhiên đến nay cũng chỉ có 31 xe nộp trả lại.
Tại Quảng Ngãi, ngày 19/4, Sở GTVT tỉnh ban hành quyết định thu hồi phù hiệu của hàng loạt phương tiện vi phạm về tốc độ sau khi cơ quan này trích xuất dữ liệu lưu trữ trên thiết bị GSHT.
Nhưng đến ngày 15/5, đại diện Sở GTVT cho biết, vẫn còn 70 phương tiện vi phạm tốc độ nhiều lần nhưng không tự giác nộp phù hiệu và vẫn tiếp tục đưa phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải.
Phụ thuộc hoàn toàn vào tính tự giác của doanh nghiệp?
Đánh giá hiệu quả thu hồi phù hiệu từ các xe vi phạm tốc độ, đại diện các Sở GTVT đều nhìn nhận “tỷ lệ chấp hành ít”, “hoàn toàn phụ thuộc vào tính tự giác của doanh nghiệp”.
Theo quy định hiện hành, xe vi phạm tốc độ quá 5 lần/1.000km chạy/tháng, Sở GTVT các địa phương sẽ ra quyết định thu hồi phù hiệu. Thông báo này được công khai trên website của Sở đồng thời được gửi qua đường bưu điện tới các doanh nghiệp.
Sau 7 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực, các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm phải giao nộp phù hiệu của phương tiện bị thu hồi.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo phòng Quản lý phương tiện tỉnh Bắc Ninh, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết “không nhận được thông tin”.
Trong khi đó để xử phạt, đoàn thanh tra từ Sở GTVT các địa phương phải chứng minh cho doanh nghiệp thấy họ đã nhận được quyết định thu hồi nhưng không chấp hành.
Trao đổi với VietNamNet ngày 16/5, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Võ Phiến cho biết, những chủ phương tiện bị thu hồi phù hiệu nhưng đến nay vẫn chưa giao nộp nếu lưu thông trên đường là vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải.
Hiện các dữ liệu đối với phù hiệu của phương tiện bị thu hồi đã bị hệ thống dữ liệu “khóa”, không còn hiệu lực để lưu thông. Theo ông Phiến, với những xe này khi cơ quan chức năng kiểm tra phương tiện chỉ cần quét mã vạch là có thể truy được ngay.
Nhưng với tình trạng chây ì khá phổ biến ở nhiều địa phương, đại diện phòng Quản lý phương tiện Sở GTVT Hà Nội lo ngại “lực lượng chức năng trên đường (thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông) cũng khó để tra cứu”.
Vì thế, vị này kiến nghị về lâu dài nên tính đến phương án phạt nguội hoặc tăng thêm các chế tài xử phạt hành chính như nếu không tự giác nộp sẽ tạm dừng cấp lại phù hiệu.
Phương tiện bị thu hồi phù hiệu không được phép lưu thông
Theo quy định tại khoản 12 Điều 22, Nghị định 10/2020 quy định phương tiện bị thu hồi phù hiệu không được phép lưu thông, kinh doanh vận tải trên đường.
Điều 23, Nghị định 100/2019, quy định người điều khiển ô tô chở hành khách nhưng phù hiệu không còn hiệu lực hoặc đã bị thu hồi phù hiệu thì sẽ bị phạt từ 5 - 7 triệu đồng.
Với lỗi vi phạm tốc độ, Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền 800.000 đến 1 triệu đồng với người điều khiển ôtô quá tốc độ 5-10 km/h, 4-6 triệu nếu quá 10-20 km/h và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Nếu quá 30-35 km/h sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2-4 tháng. Nếu quá trên 35 km/h phạt 10-12 triệu và tước giấy phép lái xe 2-4 tháng.