- Các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam luôn duy trì ở tốp đầu khu vực ASEAN và có thứ hạng cao trên thế giới.
Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thông tin khi trả lời câu hỏi của VietNamNet về vị trí của khoa học cơ bản Việt Nam tại họp báo giới thiệu Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" năm 2016, sáng 3/6.
Theo ông Chu Ngọc Anh, trong năm 2014, về Toán học, Việt Nam đứng thứ 50 thế giới và thứ 4 ASEAN. Tương tự, về Vật lý, chúng ta xếp thứ 60 thế giới và thứ 4 khu vực.
Với lĩnh vực Hóa học, Việt Nam xếp thứ 56 thế giới và xếp thứ 4 khu vực ASEAN. Với lĩnh vực khoa học sự sống trái đất, Việt Nam xếp thứ 57 thế giới và xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, khoa học cơ bản VN đang đứng ở tốp đầu khu vực. (Ảnh: Lê Văn) |
Bộ trưởng KH&CN cũng dẫn lại sự kiện UNESCO công nhận Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II của Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái để khẳng định vị thế các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam so với khu vực và thế giới.
"Trong khu vực ASEAN không có trung tâm nào về Toán và Vật lý được UNESCO công nhận như của Việt Nam", ông Anh cho hay. "Hai trung tâm được công nhận trước đó của Indonesia và Malaysia không thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản".
Việc xếp hạng này dựa chủ yếu vào số lượng các công bố quốc tế, đặc biệt là các công bố trên hệ thống tạp chí ISI. Ông Chu Ngọc Anh cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 vừa qua, số lượng công bố ISI của Việt Nam tăng từ 15-20% tùy từng năm. Tính tổng cả giai đoạn số lượng công bố của giai đoạn này tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước.
Có được điều này, theo ông Chu Ngọc Anh là sự nỗ lực, đam mê, nhiệt huyết của các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam cũng như sự quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đối với các ngành này, đặc biệt là với sự thành lập Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) vào năm 2008.
Với kinh phí khoảng 300 tỉ mỗi năm, Quỹ NAFOSTED tài trợ cho hơn 300 nhiệm vụ khoa học mỗi năm, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Với mỗi đề tài được tài trợ, yêu cầu bắt buộc đối với chủ nhiệm đề tài là phải có 2 bài báo công bố ISI mới được nghiệm thu.
Nghiên cứu cơ bản là bắt buộc
Đánh giá về vai trò của ngành KH cơ bản đối với đời sống xã hội, ông Chu Ngọc Anh khẳng định, khoa học cơ bản đang làm thay đổi đáng kể cuộc sống hàng ngày. Từ cái điện thoại cho tới mạng Internet đều bắt nguồn từ nghiên cứu cơ bản.
"Nghiên cứu cơ bản là cơ sở để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống", ông Anh nói.
Dẫn dụ một nghiên cứu điều chế tinh chất có tác dụng chống ung thư từ củ nghệ nhờ công nghệ nano phát xuất từ Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" GS Nguyễn Văn Hiệu cho biết, từ nghiên cứu cơ bản tới ứng dụng vào thực tiễn là một quá trình dài.
GS Nguyễn Văn Hiệu cho rằng, khoa học cơ bản là nền tảng cho các ứng dụng khoa học công nghệ. (Ảnh: Lê Văn) |
Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định, các nghiên cứu cơ bản chính là nền tảng, cơ sở cho các ứng dụng khoa học công nghệ trong thực tiễn. "Kinh phí cho nghiên cứu cơ bản chỉ khoảng 5%, 95% còn lại là nghiên cứu ứng dụng. Nhưng nghiên cứu cơ bản là bắt buộc. Tất cả đều phải bắt đầu từ", GS Hiệu khẳng định.
Khoa học cơ bản là một điểm nhất trong Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" năm 2016 với Hội nghị chủ chốt "Khoa học cơ bản và xã hội" hội tụ 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel diễn ra vào đầu tháng 7 tới. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng có sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.
TS Nguyễn Thanh Sơn, Trường ĐH Quy Nhơn, thư ký của GS Trần Thanh Vân cho biết, sự xuất hiện của các tập đoàn lớn của thế giới tại Hội nghị "Khoa học cơ bản và xã hội" là một minh chứng cho tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với xã hội.
Ông Chu Ngọc Anh giải thích, ở các nước phát triển, có sự gặp gỡ rất rõ giữa khoa học cơ bản và giới công nghiệp. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, khoảng cách này vẫn còn khá xa. Những sự kiện như "Gặp gỡ Việt Nam" với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế chính là cơ hội để rút ngắn khoảng cách này.
Lê Văn