Chiều 14/12, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức họp báo về Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” năm 2023.
Dự kiến hội nghị này có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại biểu kiều bào, trí thức, doanh nhân, nhân vật có ảnh hưởng, giới trẻ người gốc Việt từ các nước; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đại diện doanh nghiệp, giới chuyên gia, học giả, báo chí trong nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua đã chứng kiến sự thay đổi, phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của Việt Nam. Trong thành tựu chung đó không thể thiếu sự đóng góp của "một bộ phận không để tách rời của dân tộc Việt Nam" đó chính là cộng đồng của Việt Nam ở nước ngoài. Theo ước tính có khoảng 6 triệu người Việt Nam ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hội nghị được tổ chức vào 26-27/12 với các phiên thảo luận tập trung vào 3 nội dung đang rất "trendy" (nhận được sự quan tâm), là những lĩnh vực Việt Nam đang cần và cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất tâm huyết, muốn đóng góp cho đất nước như: Đầu tư xanh, phát triển nguồn nhân lực, phát triển chuỗi cung ứng.
Đây cũng là dịp để kết nối doanh nhân, trí thức, chuyên gia, nhân sĩ người Việt Nam tại các nước với cơ quan, địa phương của Việt Nam; là diễn đàn thu hút, phát huy đóng góp của kiều bào đối với phát triển của đất nước, địa phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, hội nghị cũng sẽ giúp các cơ quan Trung ương và địa phương của Việt Nam nắm thêm tâm tư nguyện vọng, ý kiến kiều bào về chính sách liên quan đến người Việt ở nước ngoài; góp phần cho việc triển khai và tổng kết chủ trương, chính sách lớn liên quan đến người Việt ở nước ngoài trong thời gian tới.
Đã có hàng trăm đại biểu kiều bào từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia, hơn 20 địa phương trong cả nước cùng nhiều Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ tham dự.
Thứ trưởng nhìn nhận, nguồn lực của kiều bào thể hiện trên 4 mặt chính: nguồn lực về trí thức, khoa học công nghệ, chất lượng cao. Trong khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài thì có khoảng 600.000 là nhân lực chất lượng cao, 80% sống ở các nước phát triển. Việt Nam có nhiều nhà khoa học được thế giới vinh danh, nhận giải thưởng uy tín.
Nguồn lực đóng góp về mặt kinh tế, theo thống kê gần đây, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn đầu tư của kiều bào về nước theo các hình thức gián tiếp khác hoặc theo hình thức đầu tư trong nước.
Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Kiều hối gửi về trong nước tăng ổn định hàng năm, kể cả trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Việt Nam nhiều năm liền nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Về nguồn lực mềm, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng, trực tiếp giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác cũng như quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam với thế giới.
Chia sẻ về kỳ vọng, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho biết, ông mong muốn cộng đồng người Việt ở nước ngoài trở thành các đại sứ quảng bá ở quốc gia sở tại và là cầu nối bạn bè quốc tế với nhân dân trong nước và thành phố.
Lãnh đạo TP Hải Phòng kêu gọi sự tham gia của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đóng góp trí tuệ và nguồn vốn cho thành phố trên các lĩnh vực như: tham gia góp ý, hiến kế xây dựng chính sách để hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý theo hướng hiện đại, tạo môi trường cho dự án đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
Các trí thức kiều bào, mạng lưới trí thức kiều bào tham gia vào dự án đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ giúp Hải Phòng làm chủ các phát minh đột phá trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế bền vững.
Ông Cường cũng bày tỏ hy vọng thu hút được cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài tham gia đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các dự án chiến lược của thành phố như đầu tư cho startups đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… để Hải Phòng có một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, giảm phát thải ròng, hiện đại.