Đó là nhận định của Roey Tzezana, thành viên của Hội thảo Khoa học, Công nghệ và An ninh Yuval Ne'eman tại Đại học Tel Aviv. Mặc dù có vẻ hẹp, nhưng theo nhà nghiên cứu, khoảng cách này không dễ thu hẹp với tốc độ phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).

"Trong khoảng hai năm rưỡi trở lại đây, mỗi năm đều xuất hiện sự thay đổi lớn về sức mạnh của AI. Do vậy, khoảng cách một năm nghe có vẻ không nhiều, nhưng đó vẫn là một khoảng cách đáng kể”, Tzezana nói.

Li Dahai, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành tại công ty khởi nghiệp AI ModelBest của Trung Quốc, cũng có chung nhận định như trên. Theo đó, con số khoảng cách đo bằng năm chỉ là dựa trên nhận thức của mọi người và “không có nhiều ý nghĩa”. Minh chứng rõ nhất là không có LLM trực tuyến nào tại Trung Quốc đạt hoặc vượt qua mô hình GPT-4, chứ đừng nói là mô hình o1 mới nhất của OpenAI.

afffff77d3dd9f43aa95d483f192eb41ee9fb84d.jpeg
Trung Quốc chưa có LLM nào tương đương với GPT-4 của OpenAI. Ảnh: SCMP

Mô hình mới nhất của startup trụ sở San Francisco được giới thiệu có sức mạnh vượt trội các LLM khác trong các nhiệm vụ suy luận nặng về lý luận trong các lĩnh vực bao gồm khoa học, mã hóa và toán học. Công ty cho biết nó biết "cách suy nghĩ hiệu quả bằng cách sử dụng chuỗi suy nghĩ của mình" nhờ một kỹ thuật được gọi là học tăng cường.

Kỹ thuật mới có thể được coi là sự thay đổi đáng kể đối với AI, khi nó giúp các mô hình có khả năng tái tạo suy nghĩ và tạo ra dữ liệu, thay vì chỉ dựa vào dữ liệu dạng hữu cơ đang khan hiếm.

Cơ hội bắt kịp

Theo Tzezana, các kỹ thuật chuỗi suy nghĩ như vậy, khi được thực hiện đúng cách, có thể tạo ra kết quả tốt mà không cần phải tăng đáng kể sức mạnh tính toán. Điều đó có thể hữu ích cho các công ty Trung Quốc không có quyền truy cập vào chip tiên tiến trong bối cảnh bị hạn chế xuất khẩu do Washington áp đặt.

"Nó sẽ giảm bớt một số khó khăn mà tình trạng thiếu chip tiên tiến gây ra cho Trung Quốc", ông nói. “Vì vậy, sẽ rất thú vị khi xem liệu sự khan hiếm điện toán ở Trung Quốc có dẫn đến sự đổi mới tốt hơn trong lĩnh vực này hay không”.

Mặc dù tụt hậu trong các mô hình văn bản, Trung Quốc dường như phát triển hơn trong các lĩnh vực khác của AI tạo sinh, theo các chuyên gia.

Theo Li, trong phân khúc mô hình AI biên - chỉ các tác vụ AI cục bộ trên thiết bị người dùng thay vì trên đám mây như các mô hình chính như ChatGPT, không có khoảng cách đáng kể nào giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi đó, Tzezana nói thêm, tạo văn bản thành video cũng có vẻ là một lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc đang tiến triển nhanh chóng và hiện đang dẫn đầu.

Vài tháng qua, các công ty công nghệ lớn và công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đã gấp rút công bố các công cụ AI tạo văn bản thành video sau khi OpenAI giới thiệu Sora vào tháng 2. “Họ đang khiến OpenAI phải xấu hổ khi đã hứa từ rất lâu mà vẫn chưa thể phát hành Sora”.

(Theo SCMP, Yahoo Tech)